22/11/2024 lúc 07:55 (GMT+7)
Breaking News

Nghệ An: Hiệu quả từ công tác truyền thông Dân số - KHHGĐ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, được coi là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống. Với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), phát triển chất lượng dân số càng trở nên quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Xung quanh thực trạng về vấn đề này, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Nghệ An đã đưa ra những giải pháp và hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dân số vùng có đồng bào DTTS&MN.

Nghệ An là tỉnh có dân số hơn 3,5 triệu người, đứng thứ 4 cả nước, có 11 huyện, thị xã miền núi. Do vậy, vấn đề thực hiện Dân số - KHHGĐ cho đồng bào DTTS&MN luôn được quan tâm chú trọng. Năm 2023, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số vùng DTTS&MN.

Theo khảo sát, vùng miền núi và dân tộc tỉnh Nghệ An, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở vùng này vẫn ở mức cao; chất lượng dân số tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng mục tiêu đề ra; đặc biệt công tác thông tin tuyên truyền vẫn còn hạn chế; kinh phí cho công tác dân số giảm dần. Để người dân tộc thiểu số trên địa bàn Nghệ An hiểu rõ về vấn đề sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, các viên chức, cộng tác viên dân số không quản khó khăn "đi từng ngõ, gõ từng nhà", gặp ở đâu tuyên truyền ở đó để người dân tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Bá Tân - Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ phát biểu tại Chương trình truyền thông Dân số tại huyện Quỳ Hợp. (Ảnh đơn vị cung cấp)

Điều đáng ghi nhận năm 2023, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Nghệ An đã triển khai và phối hợp với các đơn vị y tế và các địa phương, tăng cường chuỗi hoạt động truyền thông, cung cấp các dịch vụ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình tại vùng dân tộc và miền núi. Trong đó tuyên truyền đậm các chuyên đề: chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường; kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khoẻ sinh sản, xây dựng gia đình hạnh phúc cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; truyền thông về già hóa dân số và phát huy vai trò người cao tuổi; về mất cân bằng giới tính hay là những mặt trái của việc tảo hôn; tư vấn sàng lọc trước sinh và sơ sinh; bệnh tan máu bẩm sinh (Thalaassemia). Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tư vấn, khám phụ khoa, siêu âm cổ tử cung, nội soi CTC, đặt dụng cụ tử cung, cấp thuốc điều trị viêm nhiễm phụ khoa, thuốc tránh thai và bao cao su miễn phí cho đối tượng tham gia; tư vấn cách phòng, chữa trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, CSSKSS. Những biện pháp và chương trình này ngày càng được lan tỏa sâu rộng ở đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trạm y tế thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An) mặc dù là trạm ở trung tâm huyện tuy nhiên có nhiều khối bản đường xá rất khó khăn như khối Hồng Phong, Thái Phong, bản Bon… Bởi vậy, việc tuyên truyền, tư vấn cho người dân có vất vả nhưng không vì thế mà mọi người lơ là khi có hơn 95% là người dân tộc thiểu số.

Để người dân trên địa bàn nhận thức cũng như tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, viên chức, cộng tác viên (CTV) dân số đã không quản ngại khó khăn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để nói chuyện, tuyên truyền. Đồng thời, Trạm nắm rất rõ về số chị em đang trong độ tuổi lấy chồng, mang bầu để vạch rõ thời gian đến tuyên truyền, vận động về các chính sách dân số cũng như tầm quan trọng trong việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh…

Hơn nữa, Trạm cũng lồng ghép, phối hợp với các ban ngành, khối xóm, trưởng bản để đẩy mạnh công tác truyền thông về dân số trong các cuộc họp của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Đây là những hoạt động rất bổ ích để chính các chính sách dân số "ngấm" sâu vào người dân. Từ đó từng bước giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, nâng cao chất lượng dân số trong thời kỳ mới.

Ngoài các hoạt động trên, viên chức, CTV dân số trên địa bàn thị trấn Kim Sơn cũng tranh thủ mọi thời gian, mọi lúc để trao đổi, chia sẻ lại nói chuyện với người dân. Đây chính là cách làm rất hiệu quả để mọi người biết nhiều hơn về chăm sóc sức khỏe bản thân".

Nhân viên ở Trạm y tế thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) chia sẻ về việc chăm sóc con trẻ cho người dân trên địa bàn. Ảnh (đơn vị cung cấp).

Không chỉ ở huyện biên giới Quế Phong, Kỳ Sơn cũng có nhiều cách làm về việc tuyên truyền chính sách Dân số - KHHGĐ để nâng cao chất lượng dân số. Điều này được chứng minh ở xã Tây Sơn (Kỳ Sơn), nơi có 100% đồng bào Mông sinh sống với tổng số 6 bản và hơn 300 hộ gia đình. Cộng đồng người Mông thường sinh sống trên những đỉnh núi cao và tách biệt với cộng đồng dân tộc khác, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, địa hình cách trở nên việc tiếp nhận thông tin có phần hạn chế.

Để công tác tuyên truyền có hiệu quả, Ban Dân số xã Tây Sơn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để lồng ghép và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đặc biệt, phối hợp với các chi hội phụ nữ thành lập CLB Không sinh con thứ 3, tổ chức các buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản, sinh hoạt định kỳ nhằm trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức và quan niệm của các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh con thứ 3 đang có xu hướng giảm, người trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai chiếm hơn 83% cũng như mọi người rất quan tâm đến việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh.

Truyền thông lồng ghép chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi vùng ĐBDTTS&MN. Ảnh (đơn vị cung cấp).

Hội thi "Phụ nữ với công tác dân số trong tình hình mới" tại huyện Thanh Chương là hình thức truyền thông lồng ghép được Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Chương tổ chức, thu hút hàng trăm người đến từ nhiều xã, với chủ đề “Thấu hiểu và chia sẻ”; phần thi tài năng, sáng tạo với chủ đề “Trọn niềm hạnh phúc” cổ động viên cùng tham gia với chủ đề “Gắn kết yêu thương - thắm tình đoàn kết”. Nội dung các câu hỏi xoay quanh vấn đề về chính sách Dân số - KHHGĐ; chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe vị thành niên; các biện pháp tránh thai; xây dựng hạnh phúc gia đình.

Huyện Thanh Chương với hội thi: Phụ nữ với công tác dân số và phát triển. Ảnh (đơn vị cung cấp).

Tại huyện Tân Kỳ lại có hoạt động “Hãy lắng nghe, cùng chia sẻ”, là buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên do Chi cục Dân số - KHHGĐ tổ chức tại Trường THCS Kỳ Tân. Buổi truyền thông đem đến cho học sinh những kiến thức bổ ích về tâm, sinh lý độ tuổi vị thành niên; cách chăm sóc và bảo vệ bản thân trong độ tuổi dậy thì, tránh các hành vi xâm hại tình dục, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn...

Trường Trường THCS Kỳ Tân với Hội thi Là con gái để tỏa sáng. Ảnh (đơn vị cung cấp).

Cùng những nội dung tương tự, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã đến với nhiều trường học khác trên địa bàn tất cả các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chuỗi hoạt động truyền thông gắn với cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cũng đã được ngành Dân số phối hợp với các Trung tâm Y tế của các huyện. Với mục tiêu chính là đem dịch vụ đến tận cơ sở, chương trình truyền thông gắn với cung cấp dịch vụ. Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành, thị; BCĐ công tác dân số các xã, phường, CTV các khối, xóm đã tổ chức hàng nghìn cuộc hội nghị, các buổi truyền thông lồng ghép, các lần thăm hộ gia đình.

Chương trình truyền thông là hoạt động thường niên, có ý nghĩa tích cực đối với những người làm công tác dân số và người dân địa phương, nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm 62 năm Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2023). Đây còn là điểm hẹn giữa những người làm công tác dân số các cấp để gặp gỡ, học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và động viên nhau thực hiện tốt các nhiệm vụ.

 Tại Quỳ Hợp, cùng với công tác truyền thông dân số, bà con trên địa bàn cũng được khám bệnh và chăm sóc sức khỏe chu đáo.

(Ảnh đơn vị cung cấp)

Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Năm qua, Chi cục đã rất nỗ lực triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn. Các hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực tuy nhiên cũng cần nhìn rõ một số thực trạng cần khắc phục. Chúng tôi kiến nghị Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện nghiêm túc và đồng bộ công tác dân số và phát triển; quan tâm, đầu tư, dành nguồn lực cho công tác dân số; tham mưu ban hành các văn bản và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số, đặc biệt là trong công tác tổ chức bộ máy và cán bộ, đảm bảo ổn định để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh”.

Hy vọng rằng trong thời gian tới, với những kết quả của sự thấm nhuần sâu sắc nội dung Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình hiện nay; những giải pháp và hoạt động thiết thực nhằm cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN mà chi cục Dân số Nghệ An đã và đang triển khai sẽ ngày càng lan tỏa sâu rộng đến bà con một cách hiệu quả sẽ góp phần phát triển đời sống vật chất cũng như tinh thần cho bà con đồng bào DTTS&MN, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Cát Tường, Minh Ngọc