19/11/2024 lúc 20:32 (GMT+7)
Breaking News

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 tại Đắk Lắk – Góp phần lan toả những giá trị tốt đẹp

Sáng ngày 20/4/2022, chương trình khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 tại Đắk Lắk được tổ chức long trọng tại Đường Sách Cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là hoạt động văn hoá quan trọng đối với những người yêu sách nói riêng và cả cộng đồng xã hội nói chung.

Sáng ngày 20/4/2022, chương trình khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 tại Đắk Lắk được tổ chức long trọng tại Đường Sách Cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là hoạt động văn hoá quan trọng đối với những người yêu sách nói riêng và cả cộng đồng xã hội nói chung.

Cắt băng khai mạc chương trình.

Thông qua hoạt động này, nhiều giá trị tốt đẹp được lan toả như khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách con người; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách; tôn vinh các giá trị của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách. Đặc biệt hơn, sự kiện còn góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người Đắk Lắk và lịch sử văn hóa Tây Nguyên.

Ông Trương Hoài Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tỉnh Đắk Lắk đọc diễn văn Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, hoạt động này sẽ được tổ chức thường niên vào ngày 21/4 trên phạm vi toàn quốc nhằm: 1. Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường học thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập; 2. Tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; 3. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức đã hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam một cách rất sôi nổi, thậm chí bất chấp cả “giãn cách” vì đại dịch Covid-19.

Thực hiện Kế hoạch số 75/KH-UBND, ngày 07/4/2022 của UBND tỉnh về Kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 tại Đắk Lắk.

Đường Sách Cà phê Buôn Ma Thuột là địa điểm diễn ra chương trình khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 tại Đắk Lắk. Đây là địa điểm trung tâm của thành phố Buôn Ma Thuột, rất thuận lợi cho việc thu hút công chúng trong và ngoài tỉnh đến tham dự sự kiện. Trong buổi lễ khai mạc, nhiều hoạt động được tổ chức như: Lễ công bố Quyết định số 1862/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Tổ chức trưng bày các loại sách theo các chủ đề (Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022); Kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); Sách đẹp, sách hay năm 2021 và 2022; Tác giả tác phẩm Đắk Lắk, các tài liệu viết về địa phương; Sách thiếu nhi); Tổ chức tọa đàm, giao lưu; giới thiệu tác giả, tác phẩm mới và giao lưu tác giả với bạn đọc; tổ chức Vườn sách thiếu nhi và các hoạt động trải nghiệm cộng đồng; Trưng bày, giới thiệu và bán sách; Xe ô tô thư viện lưu động (Phục vụ trên 2.000 bản sách gồm nhiều thể loại khác nhau); Quyên góp sách, trang thiết bị đọc sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa, biên giới và các đối tượng bảo trợ xã hội…

Ban tổ chức cho biết, các hoạt động chính của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 tại Đắk Lắk được tổ chức trọng tâm từ ngày 20/4 đến ngày 22/4/2022. Bên cạnh các hoạt động tại thành phố Buôn Ma Thuột, các đơn vị như Tỉnh đoàn, Thư viện tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại PRO còn phối hợp tổ chức một số hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Ea H’Leo.

Sách có giá trị vô cùng to lớn đối với con người. Nó giúp chúng ta mở rộng sự hiểu biết, phát triển kiến thức, tư duy trên mọi lĩnh vực từ văn chương, lịch sử, văn hoá cho đến kinh tế, chính trị, công nghệ… Sách là tài sản chung của xã hội, là nơi lưu giữ những kinh nghiệm quý báu từ ngàn đời của cha ông… bởi vậy, đọc sách được xem là cách thức tốt nhất để tiếp thu và lĩnh hội những tinh hoa, thành tựu của văn minh nhân loại. Qua việc đọc sách, chúng ta cũng tự rèn luyện được nhân cách, phẩm chất của mình, từ đó, hoàn thiện bản thân, trở thành những con người tốt phục vụ xã hội.

Từ xưa đến nay, người Việt luôn tự hào về truyền thống hiếu học của mình. Biết bao tấm gương về tinh thần hiếu học được lưu truyền như: Mạc Đĩnh Chi thủa bé nhà nghèo không có tiền mua dầu thắp sáng nên đã bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để lấy ánh sáng đọc sách, đỗ Trạng Nguyên đời nhà Trần, khi đi sứ sang nhà Nguyên lại được phong Trạng Nguyên lần nữa nên còn gọi là lưỡng quốc Trạng Nguyên; Vua Lê Thánh Tông nổi tiếng ham học từ nhỏ, ngay cả khi đã lên ngôi vẫn không ngừng học và đọc sách, ông từng viết “Trống dời canh còn đọc sách/ Chiều xế bóng chửa thôi chầu”; Lê Quý Đôn ham đọc sách đến mức “mắt không rời sách, gối đầu lên sách”; Đại thi hào Nguyễn Du cho rằng “Sách vở đầy bốn vách/Có mấy cũng không vừa”; Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan niệm “sách là thuốc bổ tinh thần”, “siêng xem sách và xem nhiều sách là việc đáng quý”… Có thể thấy, những bậc “thánh hiền” rất đam mê đọc sách và luôn khuyến khích mọi người đọc sách.

Các phóng viên, nhà báo tham dự sự kiện được tặng sách nhân dịp khai trương SBOOKS STORE Buôn Ma Thuột

Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận một thực tế là thói quen đọc sách trong xã hội hiện đại đang bị mai một dần. Vì nhiều lí do khác nhau, chúng ta có xu hướng đọc ít sách, lười đọc sách, đặc biệt là sách in, thậm chí có người không đọc sách, không bao giờ mua sách… đáng báo động là tình trẻ giới trẻ (sinh viên, học sinh) cũng ngại đọc sách (ngại đọc sách dày, ngại đọc sách lí luận…), dành ít thời gian cho việc đọc sách và nghiền ngẫm sách mà lại lướt Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok… quá nhiều.

Toàn cảnh buổi lễ.

Trong bối cảnh chung đó, vấn đề đọc sách đã và đang được cả xã hội quan tâm với xu hướng chung là khôi phục, phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng. Nhiều chương trình, hành động đã ra đời góp phần tôn vinh vai trò, giá trị của sách, khuyến khích mọi người đọc sách, nâng tầm thành văn hoá đọc. Và, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thực sự là một hoạt động ý nghĩa, cần phải được quan tâm, đầu tư để lan toả sâu rộng hơn nữa giá trị của sách nói riêng, những giá trị tốt đẹp của xã hội nói chung trong thời đại mới – thời đại của công nghệ, dịch vụ, chuyển đổi số…

Nguyễn Đình Việt