VNHN-Là thành viên CPTPP, ngành logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới. CPTPP theo lộ trình hướng tới xóa bỏ nhiều loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước tham gia CPTPP, sự phát triển sôi động của hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam được coi là cơ hội lớn cho ngành logistics “bùng nổ”.
Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam VLA cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng trên 30.000 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Về nguồn nhân lực cho ngành, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, tuy khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế. 1% doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, 10% doanh nghiệp là liên doanh, còn lại 89% doanh nghiệp Việt Nam thuần túy. Các công ty logistics nước ngoài và liên doanh tuy chiếm số lượng ít nhưng nhưng lại chiếm 80% thị phần. Còn lại 89% doanh nghiệp logistics nội địa của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% thị phần.
Thống kê cũng cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam chiếm gần 90% tổng số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, song hầu hết chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam với một số phân khúc như: Dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ và thị phần tại các cảng…
Trong khi đó, các hoạt động lớn hơn, mang tính liên vận quốc tế đều do thiểu số các công ty, tập đoàn đa quốc gia đảm trách. Ông Lê Duy Hiệp cho rằng: Về vận tải biển quốc tế, vận tải hàng không quốc tế và các dịch vụ bên ngoài Việt Nam đang hạn chế, vì chúng ta thiếu hệ thống chung trên toàn thế giới. Nhiều doanh nghiệp toàn cầu có tên tuổi đã hơn 100 năm nay, nên họ có xuất phát điểm tốt hơn chúng ta.
Nguyên nhân được ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Logistics Việt Nam (VLI), lý giải là do Việt Nam thiếu hụt nguồn nhân lực logistics và phần lớn chưa qua đào tạo nên mức độ chuyên nghiệp còn kém. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nguồn nhân lực của các doanh nghiệp này hiện rất thiếu và yếu. Con số nhân lực thiếu được Hiệp hội logicstic tính ra khoảng 2 triệu nhân lực.
Quy mô nhân lực của các doanh nghiệp logistics rất đáng e ngại. Với hơn 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, nhưng có đến 32,4% doanh nghiệp có dưới 50 nhân viên, khoảng 18,9% doanh nghiệp có từ 50-100 lao động, chỉ 10,8% doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, phó chủ tịch VLA, cho hay khả năng đáp ứng nhu cầu năng lực cho ngành logistics hiện chỉ khoảng 10%, và đề xuất "chính sách Nhà nước cần hỗ trợ tích cực hơn nữa cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn lực cho ngành".
Về đào tạo, hiện nay chủ yếu do các doanh nghiệp tự đào tạo thông qua công việc hàng ngày, khoảng hơn 20% theo các chương trình đào tạo trong nước, dưới 10% thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo tại các nước phát triển.
Các trường dạy nghề thường gặp thách thức trong việc đáp ứng trình độ kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, dẫn tới tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong thị trường lao động, các nhà tuyển dụng lại phải đầu tư đào tạo lại nhân viên.
92% nhân viên làm việc tại doanh nghiệp logistics trong nước thực hiện công việc khai báo hải quan, 86,5% làm giao nhận hàng hóa tổng hợp, 86,5% thực hiện nhiệm vụ hành chính logistics, 64,9% điều hành vận tải...
Với xu thế tự động hóa và thương mại điện tử đang tác động mạnh mẽ tới hệ sinh thái của ngành logistics, cần đặc biệt quan tâm đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có để bắt kịp tiến bộ công nghệ, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.
Mới đây, Chương trình Aus4Skills- đây là chương trình do chính phủ Australian hỗ trợ- đã xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và kỹ năng nghề trong ngành logistics. Đảm bảo rằng tay nghề của các sinh viên tốt nghiệp phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng, giúp tăng năng suất và hiệu quả của ngành.
Chia sẻ về việc nhân lực ngành rất yếu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK- Bộ Công Thương cho biết, nguồn nhân lực cho logictics vô cùng quan trọng trong việc phát triển ngành này. Để đáp ứng nhu cầu hiện nay, việc đào tạo cần tiếp cận chuẩn đào tạo quốc tế, điểm yếu của nguồn nhân lực logistics Việt Nam là tính kỷ luật và khả năng làm việc tập thể. Các cơ sở đào tạo bên cạnh cung cấp kiến thức, kỹ năng, cần phải quan tâm đến rèn luyện tính kỷ luật, chuyên nghiệp cho người lao động, đa dạng hóa loại hình và hình thức đào tạo.
Mục tiêu thực hiện giảm chi phí logistics từ 20% GDP xuống còn hơn 11% theo mức chi phí chung của thế giới, bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cải thiện khả năng giao hàng, nâng cấp chất lượng dịch vụ logistics, nâng cao hiệu quả thông quan, rút ngắn thời gian, giảm chi phí… việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết.
Logistics được nhận định sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế vì thế con số 2 triệu nhân lực thiếu hụt của ngành chắc chắn sẽ là bài toán nan giải với các doanh nghiệp.