16/01/2025 lúc 23:06 (GMT+7)
Breaking News

Ngành hàng không nỗ lực bảo đảm an toàn bay

VNHN - Thị trường hàng không Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, tần suất các chuyến bay gia tăng không ngừng. Điều này đặt ra không ít thách thức đối với công tác bảo đảm an toàn (BĐAT) bay. Để duy trì mức độ an toàn tuyệt đối nhiều năm liền, các đơn vị trong quy trình khai thác hàng không đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định.

VNHN - Thị trường hàng không Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, tần suất các chuyến bay gia tăng không ngừng. Điều này đặt ra không ít thách thức đối với công tác bảo đảm an toàn (BĐAT) bay. Để duy trì mức độ an toàn tuyệt đối nhiều năm liền, các đơn vị trong quy trình khai thác hàng không đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định.

Luôn đặt an toàn là yêu cầu số một

Vào trung tuần tháng 10 vừa qua, hai hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines và Jetstar Pacific được công nhận xếp hạng tuyệt đối 7/7 sao về an toàn hàng không. Điều này tiếp tục khẳng định ngành hàng không Việt Nam luôn chú trọng đến công tác BĐAT bay. Đơn vị xếp hạng là AirlineRatings, website uy tín thế giới chuyên đánh giá về mức độ an toàn và chất lượng dịch vụ của hơn 435 hãng hàng không toàn cầu. 

Để đạt mức xếp hạng tuyệt đối, các hãng hàng không phải đáp ứng được nhóm tiêu chí an toàn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cùng với chứng nhận an toàn khai thác IOSA của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), chấp thuận bay của Liên minh châu Âu... Bên cạnh đó, tiêu chí khác để đánh giá là không xảy ra tai nạn làm thương vong hành khách hoặc phi hành đoàn trong vòng 10 năm qua.

Ngành hàng không Việt Nam đã có hơn 20 năm BĐAT tuyệt đối. Yếu tố này tạo nền tảng vững vàng để vận tải hàng không phát triển với tốc độ cao. Nếu như năm 1990, lượng hành khách đi lại bằng hàng không tại Việt Nam chưa đến một triệu lượt/năm thì năm 2017 đã có 94 triệu lượt khách/năm thông qua các cảng hàng không Việt Nam, tăng trưởng 17% so với năm 2016. 

Năm 2018, dự kiến, số lượt hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam sẽ vượt 100 triệu lượt. IATA đánh giá, Việt Nam là một trong 5 thị trường có tăng trưởng về hành khách nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng cao đồng nghĩa với nhiệm vụ BĐAT bay càng khó khăn, phức tạp hơn khi số chuyến bay tăng lên mỗi ngày, lượng hành khách ngày một đông.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam từng nhiều lần khẳng định sẽ không vì chạy theo tăng trưởng mà lơ là công tác an toàn, hạ bớt tiêu chuẩn BĐAT bay. Theo kinh nghiệm từ Vietnam Airlines, để BĐAT tuyệt đối, hãng đã xây dựng thành công và đưa vào vận hành hệ thống quản lý an toàn để dự báo, xác định các nguy cơ, từ đó xử lý, phòng ngừa rủi ro kịp thời.

Ông Nguyễn Thái Trung, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết: “Vietnam Airlines luôn xác định an toàn là nguyên tắc số một, không thể đánh đổi trong mọi hoạt động của hãng. Công tác an toàn bay là hoạt động trường kỳ, liên tục, có đặc thù tiêu chuẩn khắt khe và bị ảnh hưởng bởi ý thức, hành vi con người. Do vậy, đòi hỏi phải không ngừng theo dõi và hành động để BĐAT tuyệt đối cho hàng trăm hành khách trên mỗi chuyến bay”.

Máy bay của Vietnam Airlines luôn được chuẩn bị sẵn sàng trước mỗi chuyến bay. Ảnh: Minh Ngọc.

Giải quyết những điểm nghẽn về hạ tầng

Để có những chuyến bay an toàn, công tác phục vụ mặt đất đóng vai trò then chốt. Các cảng hàng không lớn tại Việt Nam đều đang được chú trọng đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành, đặc biệt là bảo đảm các chuyến bay được chuẩn bị chu đáo mỗi lần cất, hạ cánh.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, công suất của Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài đạt 20-25 triệu lượt hành khách, sau năm 2030 công suất đáp ứng được 50 triệu lượt hành khách. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng hiện nay, dự báo đến năm 2020, sản lượng hành khách, dịch vụ sẽ vượt quá năng lực khai thác của Cảng HKQT Nội Bài. Yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng nhu cầu phát triển các dịch vụ hàng không tại cảng hàng không này là rất cấp thiết. Trong đó, cần xây dựng thêm một nhà ga hành khách nội địa đồng bộ với sân đỗ máy bay, thời gian thực hiện năm 2020-2021, đồng thời nâng cao năng lực khai thác hệ thống sân, đường khu bay để đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Một trong những điểm nghẽn về hạ tầng tại hai cảng hàng không trọng điểm của nước ta là Nội Bài và Tân Sơn Nhất nằm ở đường cất, hạ cánh. Với tần suất khai thác ngày một cao, đường cất, hạ cánh ở hai cảng hàng không này đều vượt nhiều lần công suất thiết kế. Theo ông Nguyễn Huy Dương: Hệ thống đường cất, hạ cánh tại Cảng HKQT Nội Bài trung bình tiếp nhận 480 chuyến/ngày, vào dịp cao điểm, lễ tết gần 600 chuyến/ngày. 

Hiện nay, Cảng HKQT Nội Bài vẫn tiếp tục khai thác vượt tải hai đường cất, hạ cánh dẫn đến tình trạng xuống cấp mặt đường. Nếu hiện trạng này không sớm được cải tạo, nâng cấp mà vẫn tiếp tục duy trì khai thác sẽ tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến an toàn. Giải pháp trước mắt của Cảng HKQT Nội Bài là tăng cường kiểm tra hằng ngày với tần suất 4-5 lần, nếu thấy hiện tượng hư hỏng, rạn nứt thì khắc phục ngay.

Trong bối cảnh vốn đầu tư công còn hạn hẹp, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết cải tạo đường cất, hạ cánh tại Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép đơn vị sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay và ứng quỹ đầu tư phát triển của ACV cho việc triển khai các dự án này. 

ACV sẽ thực hiện hạch toán riêng chi phí các dự án và sẽ quyết toán khi phương án quản lý, khai thác tài sản khu bay được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Để giải tỏa nỗi lo lắng trong công tác BĐAT khai thác tại hai cảng hàng không lớn nhất cả nước, những điểm nghẽn về hạ tầng, đặc biệt là cải tạo, sửa chữa triệt để đường cất, hạ cánh cần phải được ưu tiên hàng đầu./.

Theo Qdnd.vn