VNHN - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 4/2019, số thu NSNN của toàn ngành Hải quan đạt khoảng 120.044 tỷ đồng, bằng 37% dự toán, bằng 35% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 25,44% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính riêng số thu NSNN của tháng 4/2019 ngành Hải quan thu đạt khoảng 26 nghìn tỷ đồng nhờ kim ngạch nhập khẩu của các mặt hàng chủ lực nhập khẩu, trong đó là ô tô nguyên chiếc và xăng dầu nhập khẩu.
Điểm lại các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng 4 cho thấy hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có chiều hướng giảm.
Ảnh minh họa - Internet
Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm 27,6% so với tháng 3/2019; ước cả 4 tháng đầu năm đạt 16,03 tỷ USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ 2018.
Hàng dệt may ước đạt 2,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với tháng trước và nâng trị giá trong 4 tháng lên 9,43 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 2,5 tỷ USD, giảm 11,5% so với tháng trước, đưa tổng trị giá cả 4 tháng lên 9,56 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước...
Trong các nhóm hàng chủ lực chỉ giày dép có sự tăng trưởng đáng chú ý với trị giá ước đạt 1,4 tỷ USD trong tháng 4, tăng 6,9% so với tháng trước, và nâng tổng trị giá tính từ đầu năm lên 5,33 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước…
Tương tự xuất khẩu, cơ quan Hải quan cũng ước tính nhiều nhóm hàng nhập khẩu chủ lực bị sụt giảm trong tháng 4.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 4 tỷ USD, giảm 9,5% so với tháng 3 trước đó và đưa tổng kim ngạch tính từ đầu năm lên gần 15,8 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng ước đạt 3 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tổng trị giá trong cả 4 tháng ước đạt 11,57 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 850 triệu USD, giảm 11,6% so với tháng trước, đưa tổng kim ngạch tính từ đầu năm ước đạt 3,64 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực, vải vẫn duy trì đà tăng với con số ước đạt 1,2 tỷ USD trong tháng 4, tăng 10,9% so với tháng trước và nâng tổng kim ngạch từ đầu năm lên 4,07 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ 2018.
Có thể thấy, trong tháng 4 năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước ước đạt 40,5 tỷ USD, giảm 7,8% so với tháng 03/2019; trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 19,9 tỷ USD, giảm 12,6% và trị giá nhập khẩu ước đạt 20,6 tỷ USD, giảm 2,6%.
So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong 4 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 156,81 tỷ USD, tăng 8%, trong đó xuất khẩu ước đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% và nhập khẩu ước tính đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2019 ước tính thâm hụt 700 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2019, mức thặng dư của Việt Nam đạt 711 triệu USD.
Điểm lại tình hình thu NSNN tại một số cục hải quan tỉnh thành phố cho thấy, các đơn vị đều đạt tỷ lệ thu ở mức từ 30% đến 40%, trong đó: Cục Hải quan TP.HCM đạt tỷ lệ thu 33,97%; Cục Hải quan Hải Phòng đạt 47,39%; Cục Hải quan Hà Nội đạt 31,78%; Cục Hải quan Vũng Tàu đạt 29,62%; Cục Hải quan Đồng Nai đạt 33,02%.
Tại một số cục hải quan nhờ có sự gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu cho một số dự án mà tỷ lệ thu tăng cao như: Cục Hải quan Bình định đạt 92,24% chỉ tiêu thu NSNN, Cục Hải quan An Giang đạt 96,1% chỉ tiêu và Cục Hải quan Tây Ninh đạt 119,68% chỉ tiêu được giao; Kiên Giang đạt 288,75% chỉ tiêu pháp lệnh được giao; Cục Hải quan Khánh Hòa đạt 155,49% chỉ tiêu pháp lệnh được giao.
Các đơn vị có số tăng cao đều đã được Tổng cục Hải quan giao bổ sung chỉ tiêu thu. Bên cạnh việc giao tăng chỉ tiêu, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố phải theo dõi, bám sát nguồn thu để giao chỉ tiêu cho đơn vị hải quan sát thực tế, đồng thời có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thu. Đồng thời thực hiện triệt để các giải pháp trong công tác thu hồi và xử lý nợ thuế.