26/11/2024 lúc 12:49 (GMT+7)
Breaking News

Ngành Giáo dục tỉnh Ninh Thuận: Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

Xác định rõ vai trò và sứ mệnh của mình, 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Ninh Thuận đã không ngừng nỗ lực vượt khó, huy động mọi nguồn lực xã hội tập, trung phát triển quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chia sẻ với phóng viên, Thầy Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Với phương châm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”, trong những năm qua, sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh nhà được quan tâm trên cả ba mặt gồm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của toàn xã hội, những năm qua, mạng lưới cơ sở GD&ĐT của tỉnh không ngừng được đầu tư, củng cố và phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con, em đồng bào các dân tộc nơi đây.

Thầy Nguyễn Anh Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: VNHN.

Thời điểm tái lập tỉnh (tháng 4-1992), toàn tỉnh chỉ có 199 trường mầm non, phổ thông. Nhiều xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học lạc hậu, tỷ lệ học sinh (HS) ra lớp ít, bỏ học nhiều. Các mô hình giáo dục chất lượng cao, giáo dục công lập, giáo dục HS khuyết tật chưa được quan tâm, chú trọng.

Thế nhưng, dưới sự quan tâm, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, đến nay, ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã có những bước phát triển ngày càng mạnh mẽ, bền vững. Điểm sáng chính là cơ sở vật chất tại các trường, lớp ngày càng được nâng cấp, mở rộng. Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm góp phần kiên cố hóa trường lớp, giảm tải áp lực cho các trường công lập và nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng hội nhập quốc tế. Quy mô trường lớp ở các cấp học tiếp tục được sắp xếp, quy hoạch phù hợp. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên dần được nâng lên, chuẩn hóa về trình độ, chuyên môn, có tâm huyết, trách nhiệm với công việc, đáp ứng nhu cầu học tập của HS và yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục.

Trường học ngày càng được nâng cấp, chất lượng đào tạo tốt hơn - Ảnh: VNHN.

Trong hai năm học 2020-2021 và 2021-2022, ngành GD&ĐT tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục đối mặt với những khó khăn, xáo trộn nhất định về kế hoạch, chương trình giáo dục do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thế nhưng, với tinh thần chủ động, trách nhiệm, ngành GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo kế hoạch giảng dạy, tạo chuyển biến toàn diện về cả quy mô, chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Với những nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của ngành GD&ĐT trong suốt thời gian qua, chất lượng dạy và học cho HS ngày được nâng lên đáng kể. Điển hình như năm học 2020-2021, trong kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia, tỉnh đã lần đầu tiên có 1 giải Nhất, cùng với đó là 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Tỷ lệ HS ra lớp các cấp học khá cao, số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100,6%; tỷ lệ HS lớp 1, lớp 6 tuyển mới đúng độ tuổi đạt 99,9%; tỷ lệ tốt nghiệp cấp THCS toàn tỉnh đạt 99,88%; tỷ lệ HS THPT tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 95,31%. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập đạt được những kết quả tích cực, toàn tỉnh có 7/7 huyện, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và xóa mù chữ.

Phát huy những kết quả đạt được và hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, toàn ngành GD&ĐT quyết tâm, đoàn kết, vượt khó vươn lên để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. ngành GD&ĐT đã tập trung triển khai có hiệu quả trong thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư và các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển giáo dục. Trong đó, ngành GD&ĐT tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học; xây dựng và phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; tham mưu xây dựng, phát triển Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia; Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục, công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực của xã hội để nâng cao chất lượng GD&ĐT. Thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình; Chuyển đổi số trong giáo dục gắn với đổi mới công tác quản lý giáo dục, phương pháp dạy và học. Triển khai có hiệu quả kế hoạch nhiệm vụ năm học, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tổ chức dạy học. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho HS, sinh viên. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động của ngành Giáo dục gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngành giáo dục tỉnh Ninh Thuận ngày càng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo cho các em học sinh - Ảnh: TH Mỹ Hương.

Những năm qua, tỉnh tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện hệ thống chính sách giáo dục đồng bộ đi vào cuộc sống, từng bước nâng cao chất lượng học tập ở vùng đồng bào DTTS&MN. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, kết quả học tập của các trường vùng DTTS&MN gần đây có chuyển biến tích cực, 100% học sinh cuối cấp THCS đủ điều kiện tuyển vào bậc THPT, riêng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh 3 năm học liền duy trì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%. Trong năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 8.251 học sinh/294 lớp theo học từ khối lớp 1 đến lớp 5 được triển khai tại 24 trường tiểu học tại các huyện: Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; Trong đó, lớp 1 và 2 được học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Hiện nay, công tác tổ chức dạy và học tiếng Chăm trong trường phổ thông luôn được củng cố và tiếp tục phát triển về quy mô ở các cấp học.

Với điều kiện thuận lợi, học sinh vùng cao “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Các buổi lên lớp, các em được trang bị kiến thức sâu rộng vừa thụ hưởng chương trình giáo dục đặc thù, tiếp cận các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc mình để sẵn sàng hòa nhập vào cuộc sống hiện đại nhưng vẫn không “hòa tan”. 

Những kết quả nảy mầm

Với những cố gắng trong suốt 30 năm, Ngành Giáo dục Ninh Thuận đã được công nhận mới 10 trường học trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia, có 02 trường mẫu giáo; 06 trường tiểu học và 02 trường trung học cơ sở. Trong đó có 8 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 02 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Trong những ngày đầu tách tỉnh thì chỉ có 2.513 cán bộ, giáo viên dạy học, đến nay đã có hơn 7.602 cán bộ, tăng cường về số lượng cũng như chất lượng, chuẩn hóa về trình độ, đảm bảo yêu cầu của việc dạy và học, tổ chức các hoạt động giáo dục trình độ, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp đều được nâng lên theo chuẩn và vượt chuẩn. Tỷ lệ học sinh được huy động ra lớp học khá cao, số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 100%, tỷ lệ học sinh lớp 1, lớp 6 tuyển mới đúng độ tuổi đạt 99,9%, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp THCS duy trì hàng năm và đạt trên 99%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT toàn tỉnh năm sau cao hơn năm trước và đạt 95,31%.

Trao tặng cờ thi đua cho các trường có thành tích nổi bật.

Song song với đó ngành Giáo dục tỉnh Ninh Thuận cũng đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Ninh Thuận tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, ban hành kế hoạch từng giai đoạn 05 năm thực hiện xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày; tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; đề án đảm bảo giáo dục cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 phê duyệt theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ Tướng chính phủ, Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2019-2025…

Có thể nói sau 30 năm tái lập tỉnh, ngành GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận đã và đang có những bước phát triển khá mạnh mẽ. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới ngành GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phấn đấu hơn nữa, huy động tốt mọi nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng GD&ĐT theo hướng toàn diện, phát huy vai trò nòng cốt, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, Thầy Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay./.

Võ Hà - Đình Tiến