24/11/2024 lúc 14:46 (GMT+7)
Breaking News

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – Thực trạng và giải pháp phát triển

Công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) một bộ phận của khu vực công nghiệp - xây dựng, là những ngành tham gia vào việc biến đổi hàng hoá, nguyên liệu hoặc các chất liệu khác nhau thành những sản phẩm mới. Đó là những hoạt động kinh tế với quy mô sản xuất lớn, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của tiến bộ công nghệ, khoa học và kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển.

Khác với các phân ngành công nghiệp khác, công nghiệp CBCT là ngành trực tiếp tạo ra nền tảng vật chất cho nền kinh tế và xã hội, sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho quốc gia; và cũng là ngành có mối liên hệ, gắn kết chặt chẽ, mật thiết nhất với hai khu vực kinh tế còn lại là nông nghiệp và dịch vụ. Mặt khác, phát triển công nghiệp CBCT lớn mạnh cũng là tạo nền tảng vững chắc và phát triển thị trường cho các ngành dịch vụ và nông nghiệp và ngược lại, phát triển hiệu quả các ngành nông nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất chính là góp phần tạo nguồn cung ứng và nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của các ngành.

Vai trò quan trọng

Ngành công nghiệp CBCT có vai trò quan trọng trọng phát triển kinh tế, xã hội. Đó là một bộ phận của ngành công nghiệp và là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân. Trong các phân ngành công nghiệp, công nghiệp CBCT đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Quy mô, tốc độ phát triển của ngành ảnh hưởng tới quy mô, chiều hướng và tốc độ phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời, cơ cấu của ngành công nghiệp CBCT có ảnh hưởng lớn tới cơ cấu chung kinh tế của một quốc gia; đóng góp tích cực vào tốc độ tăng GDP. Đó cũng là một ngành cung cấp việc làm, thu hút nhân công, giải quyết được một số vấn đề xã hội... Trong những năm qua, một số ngành CBCT như dệt, may mặc, giày da, trang phục, chế biến nông sản… phát triển mạnh một phần chính là nhờ khả năng thu hút nhiều lao động của các ngành đó.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa lấy công nghiệp CBCT làm trọng tâm. Theo đó, cần tập trung thêm nguồn lực xã hội vào việc xây dựng và nâng cao năng lực, năng suất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp mạnh, các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước (bao gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ trên toàn chuỗi), có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp trong nước có thể lớn mạnh, tạo ra giá trị gia tăng trong nước lớn hơn, kết nối được với khu vực đầu tư nước ngoài, và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Một số hạn chế trong phát triển công nghiệp CBCT

Khách quan mà nói, trình độ phát triển công nghiệp CBCT hiện nay của ta còn thấp xa so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Bên cạnh những thành tích khiêm tốn đạt được thì khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp CBCT còn yếu so với các nước trong khu vực. Thứ hạng của một số chỉ tiêu về công nghiệp CBCT của nước ta chỉ cao hơn các nước Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, thấp hơn nhiều so với các nước Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm chưa cao; trong khi ngành công nghiệp CBCT phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới… Vấn đề đầu tư trong lĩnh vực này cũng chưa đi vào chiều sâu, việc thu hút và tận dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp CBCT còn yếu; sản xuất các sản phẩm phụ trợ còn thiếu nhiều chủng loại. Phần lớn doanh nghiệp CBCT là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, chủng loại sản phẩm chưa phong phú, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhìn chung thấp…

Giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp CBCT phát triển

Thứ nhất, về tổng thể, phải tiếp tục  duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo động lực tăng trưởng; điều hành tỷ giá phù hợp, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng; khơi thông dòng vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh;

Thứ hai, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Tích cực rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm…

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả; tận dụng môi trường thương mại số đã được hình thành trong thời gian qua, tích cực triển khai đồng bộ và hoàn thiện hệ thống lưu thông giữa các nhà sản xuất, thương mại và tiêu dùng nhằm đẩy nhanh hoạt động tiêu thụ cũng như kiểm soát tốt hoạt động kinh tế.

Thứ tư, bản thân các doanh nghiệp cần bám sát thị trường mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất – tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần chú trọng thực hiện một số giải pháp có tính lâu dài, như: Nâng cao năng lực cạnh tranh: Đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, phát triển thương hiệu. Phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo, thu hút và giữ chân nhân tài, nâng cao kỹ năng cho người lao động, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu. Sản xuất xanh và bền vững: Áp dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tái chế và xử lý chất thải. Thúc đẩy chuyển đổi số: Đầu tư vào công nghệ số, tự động hóa, robot, AI, IoT, Big Data, xây dựng nhà máy thông minh. Tăng cường liên kết chuỗi cung ứng: Xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác với các đối tác tin cậy.

Thứ năm, đối với chính quyền địa phương:

- Trước hết, cần nâng cao hơn nữa vai trò chủ động trong việc trực tiếp sử dụng các nguồn lực của nhà nước cho phát triển kinh tế; trong đó tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp CBCT nói riêng. Vì trong thực tế, hầu hết các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp CBCT thuộc thành phần kinh tế tư nhân, trong đó có khoảng 98% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hoạt động gắn chặt với địa phương. Do đó, chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp, thông qua việc tạo lập và cải cách môi trường kinh doanh trên địa bàn cũng như trực tiếp thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (như các hỗ trợ về vốn, tài chính, thị trường...).

- Tiếp đến, thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù (tiền thuê đất, xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường...) của địa phương, chính quyền địa phương trực tiếp phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó có công nghiệp. Đây là công việc hết sức quan trọng trong việc thu hút đầu tư các dự án công nghiệp để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trên địa bàn.

- Quan tâm tới việc đào tạo và cơ cấu hợp lý nguồn lao động ở địa phương (đặc biệt là lao động có tay nghề cho các ngành công nghiệp) là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể đẩy mạnh thu hút đầu tư và qua đó thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp trên địa bàn. Đây cũng là trách nhiệm lớn của địa phương.

- Thông qua việc thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn, chính quyền địa phương đóng vai trò dẫn dắt, liên kết để phát triển kinh tế vùng – đặc biệt là vai trò của các địa phương lớn trong các vùng kinh tế trọng điểm tại ba miền Bắc, Trung, Nam - nhằm phân bổ hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước, phát huy lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp trên toàn lãnh thổ./.

Ths. Hoàng Xuân Nghiên

...