22/01/2025 lúc 22:47 (GMT+7)
Breaking News

Ngân hàng nào tạo bộ đệm hiệu quả cho tăng trưởng tín dụng 2023?

Trong khi chi phí vay từ thị trường quốc tế bị tác động kép do ảnh hưởng của lãi suất và tỷ giá, Techcombank đã ghi nhận tăng trưởng mạnh ở số dư tiền gửi có kỳ hạn, là bộ đệm cho tăng trưởng tín dụng năm 2023.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều khó khăn, những biến động từ thị trường quốc tế đang tạo ra nhiều thách thức cho việc phục hồi kinh tế trong nước. Theo đó, hệ thống ngân hàng trong nước cũng đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ xu hướng tăng lãi suất điều hành và thắt chặt thanh khoản của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Năm 2022, các ngân hàng thương mại đã chịu ảnh hưởng không nhỏ trong xu hướng kể trên, đặc biệt là hoạt động cho vay khi chi phí vốn cao hơn, khiến NIM (thu nhập lãi thuần) toàn hệ thống giảm.

Trong bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu là các yếu tố tác động khiến số dư CASA sụt giảm trên toàn ngành. Khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu, và tăng mở tài khoản tiết kiệm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, các ngân hàng ứng biến linh hoạt với thị trường sẽ có lợi thế kinh doanh, đặc biệt trong việc tìm ra các động lực tăng trưởng mới.

Trước những biến động của thị trường, Techcombank đã quyết liệt định hình và tìm ra được hướng đi phù hợp để không chỉ hỗ trợ tăng trưởng năm 2022, mà còn tạo bộ đệm để sẵn sàng vượt qua thách thức có thể đến trong tương lai.

Năm 2022, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng huy động vốn toàn ngành giảm năm thứ 4 liên tiếp, chỉ đạt ~6%, Techcombank vẫn ghi nhận tăng trưởng cao ở chỉ tiêu này. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2022, tổng số dư tiền gửi tại Techcombank đạt khoảng 358.400 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 225.900 tỷ, tăng tới 44,9% so với cùng kỳ và số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 132.500 tỷ đồng.

Trong bối cảnh này, mức tăng trưởng mạnh mẽ của số dư tiền gửi có kỳ hạn tại Techcombank, đặc biệt quý 4 tăng 32,3% so với quý trước, đã cho thấy sự quyết liệt trong kế hoạch hành động của Ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn trong nước khi chi phí đi vay từ thị trường quốc tế bị tác động kép (do ảnh hưởng của lãi suất và tỷ giá). Cùng với đó, số dư tiền gửi  còn thể hiện sự tin tưởng cao của khách hàng vào thương hiệu và an toàn hệ thống, cũng như hoạt động của Techcombank.

Việc ghi nhận tăng trưởng huy động tích cực năm vừa qua cũng tạo nền tảng cho tăng trưởng tín dụng trong năm 2023, khi huy động vốn của các ngân hàng được dự báo còn gặp nhiều khó khăn.

Với việc gia tăng mạnh số dư tiền gửi có kỳ hạn năm qua, tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của Techcombank chỉ ở mức 28,8%, thấp hơn nhiều so với giới hạn mới 34% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (hiệu lực từ 1/10/2022).

Tổng tài sản của ngân hàng đạt 699,0 nghìn tỷ đồng tại ngày 31.12. 2022, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng vốn của Ngân hàng.

Theo bảng xếp hạng tín nhiệm được tổ chức quốc tế Moody’s công bố hồi tháng 9.2022, Techcombank là ngân hàng có độ uy tín cao nhất trong các ngân hàng tại Việt Nam, với các điểm mạnh nổi bật về vốn và khả năng sinh lời. Hãng phân tích cho biết chất lượng tài sản của Techcombank đã được duy trì ổn định ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất là đại dịch covid 2020-2022.

Thanh Bút