Bài viết phân tích vai trò, thực trạng phát triển khoa học, công nghệ nước ta, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nâng cao năng lực nội sinh về khoa học, công nghệ nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới mục tiêu năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Ảnh minh họa - Internet
1. Quan điểm của Đảng về vai trò của khoa học, công nghệ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy(1).
Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm(2).
Năng lực nội sinh về khoa học, công nghệ (KHCN) quốc gia được hiểu một cách chung nhất là năng lực làm chủ KHCN phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển đất nước. Về cơ bản, đó là năng lực sáng tạo, tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo những tri thức khoa học và công nghệ mới của thế giới vào điều kiện cụ thể của đất nước; là năng lực sáng tạo công nghệ đặc thù, xây dựng nền khoa học và công nghệ Việt Nam tiên tiến. Nâng cao năng lực nội sinh về KHCN là động lực và nhân tố quan trọng hàng đầu để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước.
CNH, HĐH là quá trình tạo ra sự chuyển đổi căn bản và toàn diện các hoạt động kinh tế và quản lý kinh tế - xã hội, từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại dựa trên sự phát triển KHCN, tạo ra năng suất lao động xã hội cao(3).
Như vậy, về bản chất, CNH, HĐH trong bất kỳ giai đoạn nào cũng vừa là quá trình trang bị công nghệ theo hướng hiện đại cho tất cả các ngành kinh tế quốc dân, vừa là quá trình làm thay đổi căn bản thể chế quản lý kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, chất lượng cuộc sống người dân theo hướng văn minh, hiện đại.
Hai quá trình này có quan hệ tác động qua lại lẫn nhau: quá trình công nghệ - kỹ thuật tạo điều kiện vật chất cho việc thực hiện các nội dung của quá trình kinh tế - xã hội; còn quá trình kinh tế - xã hội tạo điều kiện và động lực để thực hiện quá trình công nghệ - kỹ thuật. Do đó, CNH, HĐH là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của quá trình phát triển ở mỗi quốc gia. Trong từng giai đoạn phát triển, căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, CNH, HĐH có nội dung và bước đi cụ thể, phù hợp với bối cảnh mới.
Việt Nam bước vào xây dựng CNXH với xuất phát điểm ban đầu là nền nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đại hội III của Đảng (tháng 9-1960) đã xác định công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH, trong đó chú trọng thực hiện cách mạng kỹ thuật, phân công mới về lao động xã hội, thực chất đó là quá trình tích lũy để không ngừng tái sản xuất mở rộng. Đại hội xác định mục tiêu công nghiệp hóa giai đoạn này là: biến nước ta thành nước có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Nội dung của công nghiệp hóa thời kỳ này được Đảng ta chỉ ra là thực hiện đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng về khoa học - kỹ thuật, cách mạng về tư tưởng và văn hóa, trong đó, cách mạng khoa học - kỹ thuật đóng vai trò then chốt.
Trong các kỳ đại hội tiếp theo, Đảng ta đã có những điều chỉnh, bổ sung đường lối công nghiệp hóa phù hợp với điều kiện trong nước và tình hình thế giới, song luôn đặt KHCN ở vị trí đặc biệt quan trọng.
Đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng ta chỉ rõ sự cần thiết phải thực hiện đồng thời hai quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nhằm hình thành những mũi nhọn phát triển kinh tế theo trình độ tiên tiến của khoa học - công nghệ thế giới. Trong đó, Đảng nhấn mạnh quan điểm coi khoa học - công nghệ là nền tảng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đại hội VIII (năm 1996) chỉ rõ, chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên CNXH phải chuẩn bị đầy đủ tiền đề để chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và khẳng định: “Khoa học và công nghệ là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa”(4).
Đại hội IX (năm 2001) nhận định, thế kỷ XXI, khoa học - công nghệ sẽ có bước nhảy vọt, kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật. Trên cơ sở đó, Đại hội chỉ rõ: “Phát triển khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”(5).
Đại hội X (năm 2006) tiếp tục nhấn mạnh: “Kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động khoa học và công nghệ với giáo dục và đào tạo để thực sự phát huy vai trò quốc sách hàng đầu, tạo động lực đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức”(6).
Đại hội XI (năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức”(7).
Đại hội XII (tháng 1-2016) nhấn mạnh: “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học - công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức”(8).
Đại hội XIII (năm 2021) chỉ ra: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”(9).
Việc sử dụng các thuật ngữ “nền tảng” trong Hội nghị giữa nhiệm kỳ Khóa VII, Đại hội IX và “động lực”, “quốc sách hàng đầu” trong Đại hội IX, X, XI, XII và XIII cho thấy Đảng ta luôn nhất quán khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu của KHCN trong công cuộc thực hiện CNH, HĐH đất nước.
2. Thực trạng năng lực nội sinh về khoa học, công nghệ của Việt Nam và những đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Những kết quả đạt được
Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về phát huy vai trò của KHCN trong quá trình CNH, HĐH đất nước, những năm qua, năng lực KHCN của đất nước từng bước được tăng cường. Đến nay, cả nước có 687 tổ chức nghiên cứu và phát triển KHCN công lập và hàng nghìn cơ sở nghiên cứu KHCN khu vực tư nhân, 236 trường đại học, 3 khu công nghệ cao quốc gia, 13 khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 8 khu công nghệ thông tin tập trung(10), 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 2 trung tâm toán học quốc tế và vật lý quốc tế được UNESCO công nhận, bảo trợ; có hơn 500 cơ quan thông tin khoa học công nghệ ở Trung ương và địa phương(11). Hạ tầng nghiên cứu một số lĩnh vực như công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu xây dựng, năng lượng, tự động hóa, công nghệ nano, công nghệ y học được tăng cường, một số cơ sở có trình độ tiên tiến trong khu vực.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực KHCN được cải thiện cả về số lượng và trình độ. Năm 2019, cả nước có 185.436 người tham gia các hoạt động nghiên cứu và phát triển, tăng gần 7,4% (12.753 người) so với năm 2017) và tăng 10,54% (17.690 người) so với năm 2015(12). Trong đó, cán bộ nghiên cứu chiếm tỷ lệ cao nhất (tăng từ 78,12% năm 2015 lên 78,8% năm 2017 và 80,94% năm 2019), còn lại là cán bộ hỗ trợ và cán bộ kỹ thuật(13). Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ trên đại học trong tổng số cán bộ nghiên cứu tăng từ gần 50% năm 2015 lên gần 57% năm 2019. Số cán bộ nghiên cứu có trình độ cao (tiến sỹ) tăng nhanh, từ gần 11% năm 2015 lên 15% năm 2019; số cán bộ nghiên cứu có trình độ thạc sỹ cũng tăng từ trên 39% năm 2015 lên trên 42% năm 2019 (xem bảng 1).
Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ (2021, tr.52)
Bên cạnh đó, vốn đầu tư toàn xã hội cho KHCN có sự gia tăng qua các năm: từ 29.777,6 tỷ đồng năm 2015 lên 37.611,59 tỷ đồng năm 2017 và 44.926,8 tỷ đồng năm 2019(14).
Nhờ đó, một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đã đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới như toán học, vật lý, hóa học, y học... Việt Nam đã đủ khả năng thiết kế, chế tạo thành công một số công nghệ, thiết bị hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, nước ta là quốc gia đầu tiên trong ASEAN chế tạo, đưa vào vận hành máy biến áp 500kV, máy biến áp nguồn ba pha điện áp siêu áp công suất lớn(15).
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định con đường đi lên CNXH; bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa của dân tộc.
Trong thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nước ta cũng từng bước được hình thành và phát triển. Hiện cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thu hút khoảng 1 tỷ USD trong hai năm liên tiếp, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ ba Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo(16).
Đặc biệt, Việt Nam đã dần trở thành đối tác hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trong hợp tác quốc tế về KHCN. Đến nay, nước ta đã hợp tác với 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế và khu vực về KHCN. Thị trường KHCN đang từng bước phát triển mạnh mẽ, đã có 15 sàn giao dịch, 50 vườn ươm công nghệ. Số lượng văn bằng sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp tăng nhanh, xếp hạng công bố quốc tế gia tăng, từ vị trí 73 (2001-2005) lên vị trí 59 (2011-2015) và vị trí 56 (2016-2020). Tốc độ tăng trưởng công bố quốc tế của Việt Nam cũng khá cao, năm 2020 đạt mức 45%, trong khi của Inđônêxia là 4,2%, Malaixia 1,5%, Xinhgapo 7,2%, Thái Lan 7,4%. Trong các nước ASEAN, công bố quốc tế của Việt Nam đứng thứ năm, sau 4 nước trên, song đã rút ngắn khoảng cách(17).
Năng lực nội sinh về KHCN quốc gia được tăng cường đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá cao và tương đối ổn định: 7,58% (giai đoạn 1991-2000); 7,26% (giai đoạn 2000-2010); 6,21% (giai đoạn 2011-2020). Quy mô của nền kinh tế tăng khá nhanh, từ mức 9,613 tỷ USD năm 1991 lên 31,17 tỷ USD năm 2010 và đến năm 2020 là 346,6 tỷ USD(18), nhờ đó, xếp hạng trong ASEAN tăng từ vị trí thứ sáu lên thứ tư (vượt Xinhgapo và Malaixia)(19).
Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH: giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Giai đoạn 2000-2022, tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp giảm từ 24,53% (năm 2000) xuống còn 11,88% (năm 2022); công nghiệp - xây dựng tăng từ 36,73% lên 38,26%; dịch vụ tăng từ 38,74% lên 41,33%(20).
Mô hình tăng trưởng kinh tế dịch chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, chất lượng tăng trưởng được cải thiện: giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô, lao động giá rẻ và mở rộng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo vào tăng trưởng kinh tế ngày càng gia tăng, từ 18,02% năm 2011(21) lên 24,62% năm 2021(22); tỷ trọng đóng góp của công nghiệp khai thác giảm từ 10,34% năm 2011 xuống còn 2,44% năm 2021.
Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Năng suất lao động cải thiện rõ nét, năm 2020 tăng gần 1,5 lần so với năm 2015, tốc độ tăng năng suất bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,9%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%/năm) và vượt mục tiêu đề ra (5%/năm).
Tăng trưởng kinh tế ngày càng dựa vào đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP): từ mức 33,6% giai đoạn 2011-2015 lên 45,7% giai đoạn 2016-2020, vượt mục tiêu đề ra giai đoạn 2011-2020 là từ 30-35%(23). Năng lực nội sinh khoa học công nghệ được cải thiện góp phần nâng cao thứ hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam: năm 2022, Việt Nam xếp 48/132 quốc gia (tăng 4 bậc so với 2015), đứng thứ hai trong nhóm 36 nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp; đứng thứ tư trong các nước ASEAN (sau Xinhgapo, Malaixia, Thái Lan)(24).
Một số hạn chế
Một là, năng lực nội sinh khoa học công nghệ của Việt Nam còn thấp
Mặc dù đã được cải thiện trong những năm vừa qua, song nhìn chung, năng lực nội sinh khoa học công nghệ nước ta còn thấp. Cụ thể, hạ tầng kỹ thuật cho phát triển KHCN lạc hậu, yếu kém. Đội ngũ nhân lực KHCN thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Mặc dù nhân lực KHCN những năm qua đã được cải thiện, song đến nay số cán bộ nghiên cứu dành toàn bộ thời gian/1 vạn dân của Việt Nam còn thấp. Năm 2019, mới đạt 7,6 cán bộ nghiên cứu toàn thời gian trên 1 vạn dân, chưa đạt mục tiêu đến năm 2015 số cán bộ nghiên cứu đạt 9-10 người/1 vạn dân và đến 2020 đạt 11-12 người/1 vạn dân(25). So với các nước ASEAN, Việt Nam đứng thứ tư, sau Xinhgapo (69,6), Malaixia (21,8), Thái Lan (13,5)(26). Hiện Việt Nam đang thiếu nhân lực KHCN ở các lĩnh vực mũi nhọn, có tính chất quyết định như công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ lõi...; thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tài năng, có khả năng lãnh đạo, định hướng nghiên cứu phát triển KHCN cho các ngành, lĩnh vực quan trọng.
Bên cạnh đó, đầu tư cho khoa học công nghệ còn thấp. Đầu tư toàn xã hội cho khoa học công nghệ chiếm khoảng 0,53% GDP, thấp hơn mức bình quân chung của thế giới là 0,7% GDP và không đạt được mục tiêu 1,5% GDP năm 2015 và 2% GDP năm 2020(27). Vốn đầu tư cho khoa học công nghệ thấp không chỉ làm hạn chế năng lực sáng tạo, tiếp cận, hấp thụ công nghệ mà còn làm cho hạ tầng khoa học công nghệ của Việt Nam lạc hậu, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, trình độ KHCN quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình thế giới. Năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp còn hạn chế...
Hai là, khoa học công nghệ chưa trở thành nền tảng, động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Mặc dù đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng kinh tế (thể hiện qua TFP) tăng lên, đạt mức 45,72% giai đoạn 2016-2020, song vẫn thấp so với các nước phát triển và còn khoảng cách khá xa so với các nước châu Á trong cùng thời kỳ tăng trưởng nhanh. Cụ thể, trong thời kỳ tăng tốc phát triển, đóng góp của TFP vào tăng tưởng kinh tế của các nước phát triển ở mức 60-80%; Hàn Quốc 64,9%; Thái Lan 53%; Trung Quốc 52,6%; Malaixia 50%(28).
KHCN chưa trở thành đòn bẩy nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác. Giai đoạn 2011-2020, hệ số ICOR của Việt Nam ở mức 6,2, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn thấp hơn nhiều so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong cùng thời kỳ tăng trưởng và trình độ KHCN. Chẳng hạn, ICOR của Trung Quốc 4,1 (1991-2003); Nhật Bản 3,2 (1961-1979); Hàn Quốc 3,2 (1981-1990); Đài Loan 2,7 (1981-1990).
Năng suất lao động của nước ta thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực châu Á. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, tuy Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khối ASEAN, song vẫn tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaixia và 20 năm so với Thái Lan(29). Bên cạnh đó, năng lực nội sinh về KHCN thấp nên Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô hoặc qua sơ chế có giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, mô hình tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn chủ yếu là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào gia tăng vốn và lao động.
KHCN chưa trở thành động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam còn chậm, chất lượng chuyển dịch thấp. Ngành nông nghiệp: các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao chiếm tỷ trọng thấp; trồng trọt chiếm tỷ trọng cao (70%). Ngành công nghiệp: công nghiệp chế biến, chế tạo mang nặng tính gia công, lắp ráp, lệ thuộc nhiều vào nước ngoài, thiếu nền tảng để phát triển độc lập. Ngành dịch vụ: tăng trưởng ngành chủ yếu đến từ các dịch vụ truyền thống, có công nghệ thấp, lạc hậu (chiếm 90%). Các ngành dịch vụ công nghệ cao và xương sống của nền kinh tế (tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ...) chiếm tỷ trọng thấp.
Thực tế trên cho thấy, KHCN chưa thực sự trở thành “quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” ở nước ta. Vẫn còn tồn tại khoảng cách khá xa giữa “tư duy, quan điểm, chủ trương” về vai trò, định hướng phát triển của KHCN và đổi mới sáng tạo với “kết quả thực tế”. Do đó, năng lực nội sinh KHCN ở cả cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và ngành còn yếu kém. Nguy cơ tụt hậu ngày càng xa cả về trình độ phát triển kinh tế và KHCN đang là thách thức lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và KHCN đang phát triển như vũ bão.
Nguyên nhân của hạn chế
Hệ thống cơ chế, chính sách chưa thực sự tạo động lực cho việc phát triển KHCN và ứng dụng vào sản xuất, nhất là chính sách đầu tư, thuế, đấu thầu. Kinh phí dành cho KHCN thấp song đầu tư phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Nhiều thủ tục quản lý hành chính phiền hà, không phù hợp với lĩnh vực KHCN. Chưa có cơ chế hấp dẫn thu hút, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển KHCN. Chưa có cơ chế thu hút, giữ chân và sử dụng người tài trong nước, Việt kiều và người nước ngoài tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách chưa tạo điều kiện thuận lợi để trao đổi các sản phẩm KHCN trong và ngoài nước.
Đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, nguồn tài chính hạn hẹp nên việc tiếp thu, ứng dụng tiến bộ công nghệ gặp nhiều khó khăn, ít có khả năng nghiên cứu và phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa có tầm nhìn dài hạn về cải tiến, đổi mới công nghệ để phát triển bền vững. Đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu hệ thống.
Chất lượng lao động của nước ta còn thấp. Mặc dù có lực lượng lao động đông đảo, nhưng đến nay, cả nước mới có trên 26% lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Việt Nam đang thiếu lao động tay nghề cao, lành nghề ở nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Số lao động đã qua đào tạo phần lớn chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Chất lượng lao động thấp đã làm hạn chế năng lực tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất; hạn chế trong việc phát triển những ngành, lĩnh vực, sản phẩm công nghệ cao, công nghệ mới.
Thị trường KHCN chưa phát triển: hệ thống luật pháp điều tiết, vận hành thị trường KHCN chưa đồng bộ; thiếu cơ chế kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tổ chức trung gian kết nối cung - cầu KHCN chưa phát triển. Thiếu cơ chế ràng buộc các cơ sở nghiên cứu KHCN xã hội hóa sản phẩm. Các doanh nghiệp thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu, tài liệu về công nghệ; kết quả nghiên cứu chưa được phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp.
Hợp tác nghiên cứu với các nước trong khu vực và trên thế giới chưa được đẩy mạnh. Vì vậy, chưa tranh thủ được nguồn lực, tri thức của các quốc gia tiên tiến, chưa tận dụng được sự lan tỏa của tri thức để nâng cao năng lực nội sinh KHCN của đất nước.
3. Một số giải pháp nâng cao năng lực nội sinh về khoa học, công nghệ nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, để nâng cao năng lực nội sinh về KHCN, phục vụ quá trình CNH, HĐH, hướng tới các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý KHCN theo hướng phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước và thị trường. Nhà nước định hướng và đầu tư có trọng điểm KHCN trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng KHCN. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý KHCN cần hướng đến khuyến khích tính sáng tạo của các nhà khoa học; đổi mới thủ tục thanh quyết toán đề tài khoa học. Có cơ chế thu hút, giữ chân và sử dụng các nhà khoa học tâm huyết, người tài trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu, chuyển giao KHCN bằng các chính sách thu nhập, tôn vinh, tạo môi trường làm việc thuận lợi. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích các viện nghiên cứu, các trường đại học liên kết với doanh nghiệp; hợp tác liên kết với các cơ quan nghiên cứu nước ngoài. Công khai, minh bạch, đấu thầu cạnh tranh trong thực hiện nhiệm vụ khoa học. Thực hiện giám sát, phản biện, đánh giá độc lập các sản phẩm KHCN, tạo niềm tin trong sử dụng các sản phẩm khoa học made in Việt Nam.
Hai là, hoàn thiện và đổi mới chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nâng cấp công nghệ thông qua việc đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn, mặt bằng, hỗ trợ lãi suất. Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp với Bộ Tài chính và các ngành, lĩnh vực có liên quan ban hành danh mục các lĩnh vực ưu tiên trong nghiên cứu và chuyển giao. Khi đã có danh mục ban hành, cần hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi. Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng các quỹ phát triển KHCN, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn vào sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài thành lập các trung tâm nghiên cứu, triển khai công nghệ mới ở Việt Nam.
Ba là, tăng cường đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho người lao động theo hướng đa dạng hóa các loại hình đào tạo; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng xã hội học tập, tạo môi trường và cơ hội cho mọi người được học tập dưới các hình thức khác nhau, nhằm tiếp thu kiến thức, nâng cao năng lực tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vào các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Các các cơ sở đào tạo phải gắn lý thuyết với thực hành; nội dung, chương trình đào tạo phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; gắn với phát triển công nghệ trong từng giai đoạn.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Trước hết, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về giao dịch, mua, bán, thuê công nghệ; phát triển và hình thành các tổ chức thẩm định, đánh giá chất lượng công nghệ, giá cả sản phẩm công nghệ; hình thành các môi giới, trung gian kết nối cung - cầu KHCN giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học với các doanh nghiệp. Có cơ chế ràng buộc các tổ chức nghiên cứu khoa học công lập xã hội hóa sản phẩm KHCN. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm pháp luật về sở hữu trí tuệ; tổ chức các hội chợ công nghệ, giới thiệu cơ sở dữ liệu, tài liệu về các công nghệ mới trên các trang website của trường đại học, viện nghiên cứu, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tiếp cận thông tin công nghệ.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao KHCN. Để hợp tác có hiệu quả, cần xây dựng chiến lược KHCN; xây dựng nội dung, kế hoạch hợp tác phù hợp. Thí điểm xây dựng một số viện KHCN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hình thành một số trung tâm nghiên cứu khoa học trên cơ sở hợp tác dài hạn giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học của Việt Nam và nước ngoài. Khuyến khích hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, cá nhân trong nước với các đối tác nước ngoài. Khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học ở nước ngoài; cử cán bộ đi học ở những nước có nền KHCN phát triển.
TS NGUYỄN THỊ MIỀN
Viện Kinh tế,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS ĐỚI GIA THIÊN LINH
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Tham khảo:
(1), (2) Quốc hội: Luật Khoa học và công nghệ, 2018.
(3) Trần Thị Vân Hoa: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ góc nhìn của chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hà Nội.
(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.85.
(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.112.
(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.210.
(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.218.
(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.119.
(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.122.
(10) Bảo Lâm: Tháo gỡ điểm “nghẽn” về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, 2022, https://tapchixaydung.vn/thao-go-diem-nghen-ve-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao.
(11) Bộ Khoa học và Công nghệ: Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2015.
(12), (13), (14), (17), (26) Bộ Khoa học và Công nghệ: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2020, Nxb Khoa học Công nghệ, Hà Nội, 2021, tr.73, 50, 50, 58, 61, 73, 57.
(15) Bộ Công thương: Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành cơ khí nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ, 2022, https://moit.gov.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/gia-tang-ty-le-noi-dia-hoa-nganh-co-khi-nho-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe.
(16) Lê Xuân Định: Tạo đột phá để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước nhanh, bền vững, 2022, https://tapchicongsan.org.vn/media-story.
(18) Tổng cục Thống kê các năm.
(19) Phạm Thị Thanh Bình: Những nhân tố đóng góp vào điểm sáng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020, Tạp chí Ngân hàng số 3+4 năm 2021.
(20), (22) Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê 2022, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2022.
(21) Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê 2013, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2013.
(23) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.18.
(24) Thảo Kinh: Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và kết quả của Việt Nam, https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/chi-so-doi-moi-sang-tao-toan-cau-va-ket-qua-cua-viet-nam, 2022.
(25), (27) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, Hà Nội, 2012.
(28) Nguyễn Thị Thu Trang: Làm gì để nâng cao năng suất lao động và đóng góp TFP đối với tăng trưởng kinh tế, http://tapchitaichinh.vn/lam-gi-de-nang-cao-nang-suat-lao-dong-va-dong-gop-tfp-doi-voi-tang-truong-kinh-te 2021.
(29) Hà Cường: Năng suất lao động của Việt Nam đi sau Nhật Bản 60 năm, https://vtc.vn/nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-di-sau-nhat-ban-60-nam.