01/05/2024 lúc 09:46 (GMT+7)
Breaking News

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số

Vừa qua, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số”.

Toàn cảnh diễn đàn 

Trong bối cảnh nhiều thách thức và biến động khó lường hiện nay, chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần ứng biến nhanh chóng, có chiến lược quản lý và điều hành linh hoạt, chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Thống kê cho thấy, đến hết quý III năm nay, cả nước đã có hơn 165 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng rất ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD… Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng biến nhanh chóng, có chiến lược quản lý và điều hành linh hoạt trong giai đoạn nhiều thách thức, biến động khó lường. Trong đó, có những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.

Phát triển kinh tế số là chặng đường dài, hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là nội dung cấp bách. Đây chính là chìa khóa để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số.

Bên cạnh đó, thời gian qua Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Việc áp dụng giải pháp số đã mang đến những kết quả tích cực.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế số của Việt Nam đang trên đà phát triển, tạo ra những mô hình kinh doanh phi truyền thống, từ việc đăng ký kinh doanh, sử dụng hóa đơn điện tử cho đến bán lẻ trực tuyến, bất động sản hay ngân hàng. Ngay trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết trong những năm gần đây cũng có chương riêng về thương mại điện tử.

Nắm bắt cơ hội phát triển từ kinh tế số, ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trên các lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán trung gian trên nền tảng công nghệ QR Code hay ví điện tử, các giải pháp ngân hàng điện tử.

Bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức trong nền kinh tế số. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu công nghệ và nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao; năng lực tổ chức, triển khai công nghệ số là những nút thắt cản trở doanh nghiệp Việt Nam trong chuyển đổi phương thức sản xuất mới, bao gồm cả khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân… Trong khi đó, khung khổ, môi trường pháp lý; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin… đang tiếp tục hoàn thiện.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng vào nên kinh tế toàn cầu, bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó phải kể đến: Chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ; Thiếu hụt nhân lực cho chuyển đổi số; Khó khăn trong tiếp cận thông tin về công nghệ số và thích hợp các giải pháp công nghệ số... Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng xác định chuyển đổi số đang được các doanh nghiệp hướng tới như một chiến lược chính để cải tổ, tái định hình hoạt động để phát triển bền vững trong giai đoạn mới.