24/01/2025 lúc 02:44 (GMT+7)
Breaking News

Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em ​

VNHN - Việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em và tư pháp cho trẻ em là một nhiệm vụ quan trọng trong nỗ lực cải cách pháp luật, cải cách tư pháp ở Việt Nam.

VNHN - Việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em và tư pháp cho trẻ em là một nhiệm vụ quan trọng trong nỗ lực cải cách pháp luật, cải cách tư pháp ở Việt Nam.

Ngày 31/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JUlE) do Liên minh châu Âu và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc đồng tài trợ, Bộ Tư pháp tổ chức phiên thảo luận hoàn thiện và thực thi pháp luật với chủ đề "Hoàn thiện và thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em trong tiến trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam".

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990. Trong gần 30 năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để từng bước thực hiện các cam kết, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên khi tham gia Công ước này. Hệ thống pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được hoàn thiện tạo ra những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ trẻ em trên thực tế.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu

Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đã thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên ở 36 tỉnh/thành phố trong cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng, công tác bảo vệ trẻ em và tư pháp vì trẻ  em trên thực tế vẫn còn không ít khó khăn như: hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em nói chung, về bảo vệ trẻ em nói riêng, vẫn còn các khoảng trống như thiếu quy trình tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em kịp thời; nhận thức của cộng đồng về Luật Trẻ em còn chưa cao; việc thực hiện trách nhiệm được giao của một số bộ, ngành, cơ quan liên quan còn thiếu cụ thể, chi tiết và chậm triển khai…     

Vì vậy, theo Thứ trưởng, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải tiếp tục tập trung nội lực, kết hợp với huy động sự chung tay, giúp sức của cộng đồng quốc tế để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trẻ em; hướng tới việc xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên toàn diện; nâng cao nhận thức, năng lực và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hiện quyền trẻ em; tăng cường giám sát thực thi các chính sách pháp luật có liên quan đến trẻ em; khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là các vấn đề “nóng” liên quan trẻ em...

Đề cập riêng đến thiết chế Tòa gia đình và người chưa thành niên, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Thúy Hiền thông tin, thiết chế này đến nay đã được thành lập tại TAND Cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cùng 36 TAND cấp tỉnh. Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh, việc ra đời thiết chế này không chỉ là dấu ấn quan trọng, một thành công của tiến trình cải cách tư pháp mà còn chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, nhất là trẻ em trong hoạt động tư pháp.

Tuy nhiên, để bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng, theo bà Hiền, cần thành lập các bộ phận chuyên trách trong Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Cùng với đó, chú trọng việc lựa chọn các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tăng cường áp dụng biện pháp tư pháp, các hình phạt không phải là hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. 

Ông Tom Corrie, Bí thư Thứ nhất Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng cho rằng việc hoàn thiện cơ chế, khuôn khổ pháp lý cho trẻ em, người chưa thành niên phải bảo đảm việc ứng xử phù hợp, thân thiện, tiếp cận được nhanh chóng để bảo đảm được quyền lợi.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu chia sẻ, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và tư pháp cho trẻ em trong tiến trình cải cách pháp luật và tư pháp; đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật với những thành tựu đạt được, các khó khăn hạn chế. Trên cơ sở đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định về bảo vệ trẻ em và tư pháp cho trẻ em, đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như bảo vệ ngày càng tốt hơn nhóm đối tượng có liên quan./.