21/11/2024 lúc 16:08 (GMT+7)
Breaking News

Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay

Trên cơ sở nhận diện một số hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đối với đoàn viên, thanh niên hiện nay, bài viết tập trung đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Tóm tắt: Trên cơ sở nhận diện một số hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đối với đoàn viên, thanh niên hiện nay, bài viết tập trung đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Từ khóa: Công tác đấu tranh; phản bác; Đoàn viên, Thanh niên; Lai Châu.

Đặt vấn đề: Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, biến động nhanh, khó lường; nhiều vấn đề, thách thức toàn cầu, biến đổi khí hậu, dịch bệnh tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhận thức, hoạt động của thế hệ trẻ theo chiều hướng tiêu cực; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục tăng cường sử dụng internet, mạng xã hội để lan truyền các clip, tài liệu xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước. Các thế lực chống phá, thù địch thường xuyên sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau, đặc biệt nhằm vào sự kiện những ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc, các kỳ Đại hội Đảng các cấp để ra sức chống phá cách mạng, từ việc viết bài, đưa những thông tin bình luận sai sự thật, xuyên tạc nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phủ nhận những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, để định hướng nhận thức đúng đắn, nâng nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với đoàn viên, thanh niên Việt Nam hiện nay, nhất là ở các tỉnh miền núi, biên giới như địa bàn tỉnh Lai Châu đang là vấn đề cần được chú trọng, quan tâm đặc biệt.

1. Một số hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đối với đoàn viên, thanh niên hiện nay

Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đã nhấn mạnh “bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”[1], trong đó có sự tham gia của một lực lượng rất đông đảo là đoàn viên, thanh niên. Điều đáng phấn khởi là hiện nay đa số đoàn viên, thanh niên ở nước ta có "tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn". Đó là những đoàn viên, thanh niên luôn mang trong mình khát vọng của tuổi trẻ với mong muốn đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước. Đó là những người làm chủ tương lai của đất nước, hằng ngày, hằng giờ đang ra sức rèn đức, luyện tài, sẵn sàng xung kích đảm đương những công việc khó, đến những những nơi khó khăn nhất, chấp nhận mọi gian nan, thử thách để cống hiến cho quê hương, đất nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở họ luôn tràn đầy tinh thần nhiệt huyết và xuất hiện càng nhiều các mô hình sáng tạo trong các hoạt động phong trào của Đoàn, các phong trào xung kích bảo vệ Tổ quốc, các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận đoàn viên, thanh niên hiện nay chưa có lý tưởng và hoài bão, chưa chuyên tâm vào việc học tập, rèn luyện, tự lực vươn lên, bị chi phối bởi lối sống hưởng thụ, buông thả, đua đòi, xa rời bản sắc văn hóa dân tộc, sa vào các tệ nạn xã hội. Một số thanh niên theo đuổi mục đích sống tầm thường, "sống hoài, sống phí", chạy theo lợi ích vị kỷ cá nhân; ngại tìm hiểu về lịch sử đất nước, truyền thống văn hóa, cách mạng của dân tộc mà chỉ chú trọng đến những lợi ích vật chất, nghĩ đến bản thân mình mà quên đi trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước. Đây là những đoàn viên, thanh niên dễ bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lựa chọn là đối tượng để chúng tấn công, dụ dỗ, kích động những việc làm sai trái. Thông qua mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động đã truyền tải, cài cắm trong những bài viết, những bình luận các thông tin lệch lạc, lệch chuẩn hòng làm thay đổi nhận thức, tư tưởng của đoàn viên, thanh niên. Một bộ phận thanh niên có những biểu hiện như tư tưởng và lối sống không lành mạnh, sống ảo, hoài nghi về chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, cổ xúy cho chủ nghĩa tư bản, bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc đã xuất hiện. Mặt khác, các clip xấu độc đã gieo rắc virus, đầu độc tâm hồn, nhân cách, suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ.​ Ngày càng xuất hiện nhiều các đối tượng giang hồ mạng trên nền tảng Youtube, Facebook, Tiktok. Trong đó, tiktok là một trong những nền tảng đang có rất nhiều người dùng, nhất là giới trẻ tại nước ta. Các chủ tài khoản Livestream cố tình tạo nên các Scandal, công kích, thách đấu trên mạng, lợi dụng sự tò mò, hiếu kỳ của giới trẻ nhằm thu hút người xem, các lượt folow. Điều đáng quan ngại hiện nay là chính những phát ngôn, hành vi phản văn hóa, cổ súy bạo lực, kiếm tiền bất chấp luật pháp đôi khi lại được chia sẻ chóng mặt.

Các thế lực thù địch, phản động còn thường xuyên đưa ra những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ đời tư của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, chúng xoáy sâu vào những hạn chế, thiếu sót của ta trong việc thực thi chính sách, sự chênh lệch về mức sống và thu nhập giữa các vùng dân tộc, trình độ dân trí của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp nhằm kích động chống đối gây mất ổn định về chính trị - xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt là vụ việc xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk, các thế lực thù địch lợi dụng việc bắt, xử lý số đối tượng sử dụng vũ khí tấn công vào trụ sở chính quyền ở Đắk Lắk để xuyên tạc, xoáy sâu, chia rẽ dân tộc, kích động hằn thù; kích động vượt biên, xin tị nạn chính trị; chính trị hóa, quốc tế hóa vụ việc để vận động nước ngoài can thiệp, hậu thuẫn cho thành phần cực đoan trong tôn giáo, dân tộc ở các vùng dân tộc thiểu số. Chúng sẵn sàng mạnh tay đầu tư tài chính cho quảng cáo, đầu tư, tài trợ các chương trình nhằm tác động, dẫn dắt giới truyền thông hoạt động theo ý đồ của chúng tổng hợp tin tức, thông tin chưa được kiểm chứng để tạo ra sự “khách quan”, sau đó cài dần các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, tăng dần cả về số lượng và cường độ bịa đặt, bóp méo sự thật nhằm thực hiện âm mưu “chuyển hóa” suy nghĩ và tư tưởng, khiến một bộ phận đoàn viên, thanh niên nhẹ dạ hùa theo, vô tình “nối giáo cho giặc".

2. Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Thanh niên Lai Châu hiện có "112.814 thanh niên, chiếm 23,58% dân số toàn tỉnh, trong đó thanh niên dân tộc thiểu số là 98.807 người, chiếm 87,58%; thanh niên đang sinh hoạt tôn giáo trong toàn tỉnh là 9.105 người, chiếm 8,07%"[2]. Trước những thông tin đa chiều và các luồng dư luận hiện nay tác động tới giới trẻ, nhìn chung, đại đa số đoàn viên thanh niên Lai Châu luôn biết chọn lọc thông tin, giữ tâm lý ổn định, bình tĩnh, tập trung lao động, công tác, tham gia phát triển kinh tế, góp phần giữ vững ổn định xã hội tại địa phương. Cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên Lai Châu luôn có nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và tích cực học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, hằng năm Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lai Châu đều ban hành kế hoạch thực hiện; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; đổi mới, sáng tạo cách thức tuyên truyền, học tập, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Đoàn; công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho đoàn viên thanh niên; nâng cao nhận thức về tính chất, mức độ nguy hiểm của những quan điểm sai trái thù địch, thông tin xấu, độc, nhất là trên mạng xã hội. Tăng cường chỉ đạo các cấp bộ đoàn toàn tỉnh phát huy vai trò của những người có uy tín như già làng, trưởng bản, đội ngũ cán bộ Đoàn, đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình, định hướng dư luận xã hội trong thanh thiếu niên, đặc biệt là tại những khu vực vùng sâu, vùng xa. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên giữ vững lập trường chính trị, tư tưởng trước những thông tin sai trái, những âm mưu thủ đoạn nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Nội dung, hình thức công tác tuyên truyền được đổi mới, tăng cường thông tin tích cực, đấu tranh phản bác, ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; đẩy mạnh việc học tập, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, của Đoàn đến đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các trang mạng xã hội; đổi mới, sáng tạo cách thức tuyên truyền, học tập, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Đoàn; công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho đoàn viên, thanh niên; nâng cao nhận thức về tính chất, mức độ nguy hiểm của những quan điểm sai trái thù địch, thông tin xấu, độc, nhất là trên mạng xã hội.

Phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình, định hướng dư luận xã hội trong thanh thiếu niên, phối hợp giải quyết tốt các điểm “nóng” phát sinh tại cơ sở, đặc biệt là tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của tôn giáo. Ban Chỉ đạo 35 của tổ chức Đoàn đã tích cực triển khai thực hiện công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; bóc gỡ các tin, bài xấu, độc đồng thời lan tỏa các thông tin tích cực nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Duy trì nhóm của Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh đoàn trên các nền tảng ứng dụng Mocha, Viber, Telegram nhằm triển khai thực hiện công tác đấu tranh bóc gỡ các tin, bài xấu, độc khi có chỉ đạo của Trung ương Đoàn, của tỉnh. Tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn hằng năm. Trong đó, triển khai các chuyên đề về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới cho các cán bộ Đoàn cơ sở. Từ đó, mỗi đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng. Từ đó, nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm, đề cao cảnh giác, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Công tác giới thiệu đoàn viên ưu tú để bồi dưỡng, xem xét kết nạp vào Đảng được các cấp Đoàn trên địa bàn tỉnh quan tâm, hiệu quả được nâng lên. Từ năm 2018 đến năm 2023, "toàn tỉnh giới thiệu 5.333 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, trong đó 2.515 đoàn viên ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng (đạt 55,9 % so với số đoàn viên giới thiệu) được đứng trong hàng ngũ của Đảng"[2]. Đây chính là một trong những lực lượng quan trọng góp phần tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị.

Công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực được chú trọng với nhiều kết quả có chất lượng. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng của đoàn viên, thanh niên; phòng chống suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường thông tin tích cực, đấu tranh phản bác, ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Hiện nay, "toàn tỉnh có 115 fanpage, 119 facebook, đăng tải hơn 100.000 bài viết, số lượt theo dõi các fanpage đạt hơn 50.000 lượt, riêng fanpage “Tuổi trẻ Lai Châu” tăng hơn 10.000 lượt theo dõi trong 02 năm gần đây; lượt tiếp cận trang gần 1,5 triệu; số bạn bè, lượt theo dõi facebook của tổ chức Đoàn cấp tỉnh, huyện, xã đạt hơn 70.000 người"[2]. Duy trì thường xuyên, hiệu quả chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng” trên website, đảm bảo đăng tải ít nhất 03 bài viết/tuần.

Phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình, định hướng dư luận xã hội trong thanh thiếu niên, phối hợp giải quyết tốt các điểm “nóng” phát sinh tại cơ sở, đặc biệt là tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của tôn giáo. Triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên giữ vững lập trường chính trị tư tưởng trước những thông tin sai trái, những âm mưu thủ đoạn nhằm thực hiện “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. "Toàn tỉnh tổ chức được 826 diễn đàn, tọa đàm giáo dục đạo đức, lối sống với 362.295 lượt đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia" [2]. Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” được triển khai sâu rộng trong các cấp bộ Đoàn. Phát huy hiệu quả chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, “Bản tin hoạt động cơ sở” với hơn 10.000 tin, bài được đăng tải. Các hoạt động Ngày hội đọc sách, “Khi tôi 18”, “Thanh niên sống đẹp”, chương trình “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” được triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, ý nghĩa, phù hợp. Các hoạt động tuyên truyền nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của tỉnh được quan tâm, góp phần giáo dục đoàn viên, thanh thiếu nhi thêm tự hào về lịch sử và truyền thống cách mạng anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước và lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Lực lượng cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên từ tỉnh đến cơ sở tích cực tham gia báo cáo sai phạm (report) được 28.596 lượt cán bộ, đoàn viên tham gia công tác đấu tranh bóc gỡ các tin, bài xấu, độc, đã đánh sập nhiều trang, bài viết chống phá Đảng, Nhà nước. Tích cực lan tỏa các thông tin tích cực để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Việc theo dõi, tổng hợp thông tin hoạt động của các thế lực thù địch; hoạt động đăng tải các bài viết và phản bác cũng được tổng hợp thường xuyên trong báo cáo hằng tuần, tháng, quý, năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay số lượng cán bộ Đoàn, đoàn viên tham gia Tổ Cộng tác viên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch còn mỏng. Chưa có các bài viết đấu tranh, phản bác sắc bén trên báo chí, mạng xã hội; tính chiến đấu, tính thuyết phục chưa cao; hiệu quả đấu tranh, phản bác trên không gian mạng (facebook, zalo, youtube…) có thời điểm còn hạn chế. Công tác tuyên truyền ở một số cơ sở chưa có nhiều cách làm phù hợp với các đối tượng, lứa tuổi thanh niên. Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho thanh thiếu nhi ở cơ sở chưa phát huy tốt, nhất là ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng đặc biệt khó khăn nên ảnh hưởng phần nào đến việc triển khai các hoạt động đấu tranh, phản bác. Một số cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên chưa nhiệt tình tham gia các hoạt động của Tổ nên việc nắm bắt, báo cáo tình hình còn hạn chế. Việc tạo lập các tài khoản trên không gian mạng để đấu tranh phản bác còn gặp nhiều khó khăn.

3. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch đối với đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Lai Châu cần thực hiện một số giải pháp sau

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Củng cố, tăng cường số lượng cán bộ Đoàn, đoàn viên có bản lĩnh chính trị vững vàng tham gia tổ cộng tác viên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng. Chú trọng xây dựng hình ảnh người cán bộ Đoàn gương mẫu, không suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống gắn với thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TWĐ ngày 17/5/2013 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa về “tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn”.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác truyền thông của Đoàn các cấp, tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền đấu tranh phản bác đảm bảo phong phú, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên thanh niên, trong đó phát huy tối đa vai trò của mạng xã hội, tạo sự lan tỏa sâu rộng các hoạt động của tổ chức Đoàn trong toàn tỉnh. Đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên thanh niên; tập trung phát huy những điểm mạnh và kịp thời củng cố, khắc phục những điểm yếu trong thực tiễn quá trình thực hiện; tập trung nâng cao chất lượng công tác Đoàn - Hội - Đội trên địa bàn.

Ba là, tập trung đổi mới về tư duy, cách làm, nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đoàn theo hướng gắn với nhu cầu thực tiễn của đoàn viên thanh niên, đồng thời theo sát được mục tiêu chung của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ứng dụng mạnh mẽ truyền thông số, công nghệ thông tin, mạng xã hội, đặt đoàn viên thanh niên làm chủ thể để đón đầu những xu thế phát triển mới của giới trẻ. Trong quá trình triển khai cần có sự phân chia rõ nét theo các nhóm đối tượng thanh niên khác nhau, thúc đẩy tinh thần tự học tập và tư duy sáng tạo của đoàn viên thanh niên trong bối cảnh tình hình mới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình, hoạt động, đồng thời thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên vào tổ chức Đoàn, Hội và tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội tổ chức.

Bốn là, phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình, định hướng dư luận xã hội trong thanh thiếu niên, đặc biệt là tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của tôn giáo. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của đội ngũ cán bộ Đoàn. Chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ Đoàn từ Tỉnh đến cơ sở, giáo dục đoàn viên, thanh niên nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và khả năng "đề kháng" trước những âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch. Tăng cường các hoạt động hướng dẫn về việc đảm bảo an toàn thông tin, thực hiện tốt các quy định của Luật An ninh mạng cho đoàn viên, thanh niên khi tham gia vào các nền tảng mạng xã hội. Phát huy tinh thần xung kích trong việc lan tỏa các thông tin tích cực theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh cho đoàn viên, thanh niên.

Năm là, tăng cường phát hiện, nắm bắt những thanh niên có năng lực, có nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm để xây dựng những đội phản ứng nhanh, lực lượng xung kích có nhiệm vụ rà quét, sàng lọc những thông tin tiêu cực; viết tin bài, chia sẻ, lan tỏa những thông tin tốt; đấu tranh phản bác những thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Tăng cường các hoạt động phối hợp giữa tổ chức Đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác, tạo ra sự kết nối, liên kết và hình thành thế trận vững chắc trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tại cơ sở. Chú trọng sơ kết, tổng kết, nhân điển hình trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch.

Trong thời gian tới, tin rằng mỗi đoàn viên, thanh niên Lai Châu không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn đức, luyện tài, có "tâm trong", "trí sáng", "hoài bão lớn" thì nhất định sẽ trở thành lực lượng xung kích, hăng hái nhất, dũng cảm nhất, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch; từ đó nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Lai Châu nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng./.

ThS. Nguyễn Văn Đông

Trường Chính trị Lai Châu

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2007), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, tr. 48, 49, 51, 127.

2. Báo cáo số 135-BC/TĐTN-XDĐ ngày 16/11/2023 của Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Lai Châu về "Kết quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới năm 2023".

3. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

4. Nguyễn Minh Thắng - Nguyễn Bá Dương (2023), Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Nxb CTQG-ST, HN.

...