06/12/2024 lúc 12:11 (GMT+7)
Breaking News

Nan giải “bài toán” báo chí lĩnh vực khoa học và công nghệ

Tôi nhớ có một lần Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức một buổi tọa đàm về “Vấn đề kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam”. Tọa đàm cho thấy “bức tranh” báo chí khối khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc VUSTA đang gặp vô vàn khó khăn. Trong đó, hai khó khăn “cốt lõi” là làm thế nào nội dung cho tốt, cho hay và kinh tế báo chí?

Đông nhưng chưa mạnh

Hệ thống báo chí của VUSTA là một bộ phận không tách rời của báo chí cách mạng Việt Nam. Hiếm có một bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội hoặc tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp nào có hệ thống báo chí quy mô như của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.

Theo số liệu thống kê (tháng 6/2023), VUSTA có 70 cơ quan báo chí, trong đó có 47 tạp chí trực thuộc các Hội KHKT ngành toàn quốc. Số liệu này chưa bao gồm các tạp chí trực thuộc các chi hội trực thuộc hội ngành toàn quốc. Các hội ngành toàn quốc này là thành viên tự nguyện của VUSTA, và cũng là cơ quan chủ quản trực tiếp của các tạp chí; 22 tạp chí trực thuộc các Viện. Các viện này thành lập theo Luật KH&CN.

Theo Luật Báo chí, Liên hiệp Hội chỉ là chủ quản của Báo Tri thức và Cuộc sống. Đối với các tạp chí còn lại, VUSTA tuy không phải là cơ quan chủ quản nhưng đã tập hợp các cơ quan báo chí thuộc các hội thành viên (gọi là các cơ quan báo chí trong hệ thống VUSTA) với mục tiêu tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ cho người dân, cùng hỗ trợ nhau tạo thành một cộng đồng tạp chí khoa học mang tính ứng dụng vào thực tiễn cao góp phần phát triển nền khoa học nước nhà.

Thực tế, hệ thống báo, chí thuộc Liên hiệp Hội đã có những đóng góp tích cực. Ngoài việc cùng hệ thống báo chí cả nước thông tin chính trị, thời sự, văn hóa, xã hội phục vụ nhu cầu của công chúng cả nước; báo chí Liên hiệp Hội đã góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phổ biến kiến thức KH&CN, giới thiệu các thành tựu KH&CN mới của Việt Nam, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hoạt động tôn vinh trí thức KH&CN Việt Nam.

Theo “tôn chỉ mục đích” của mình, các tạp chí KH&KT chuyên ngành, là nơi đăng tải, công bố kết quả các công trình nghiên cứu, trao đổi học thuật, góp phần đào tạo các nhà khoa học trẻ và đóng góp vào sự phát triển các ngành, lĩnh vực.

Ngoài Báo Tri thức và Cuộc sống, các tạp chí tiêu biểu là Tạp chí Vneconomy (trước đây là Thời báo Kinh tế Việt Nam - Vneconomy của Hội Kinh tế Việt Nam), Tạp chí Việt Nam Hội nhập của Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý. Hai tạp chí này đều có giấy phép tạp chí in và tạp chí điện tử.

Nhiều tạp chí trong hệ thống có uy tín cao ở trong nước và cộng đồng khoa học quốc tế, một số tạp chí được tính điểm công trình khoa học khi xét phong hàm giáo sư và phó giáo sư. Cuối tháng 5/2024, nhà thơ Đoàn Mạnh Phương - Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập thông tin: Tháng 5/2024, Tạp chí của ông đã ký kết thỏa thuận và được Tổ chức Crossref cấp phép mã số định danh DOI (Direct Object Identifier). Đây là bước tiến mới của Tạp chí này.

Mã định danh tài liệu số DOI được coi là một số chứng minh vĩnh cửu (permalink) cho một tập tin trên internet. Mỗi mã DOI chỉ gắn với một tập tin duy nhất nên nếu địa chỉ mạng của tập tin thay đổi, người truy cập bằng DOI vẫn được đổi hướng tự động đến địa chỉ mới. Các công trình nghiên cứu có chỉ số DOI sẽ cho phép người dùng tìm kiếm, trích dẫn, kết nối và đánh giá các công trình nghiên cứu”, Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý, Tổng Biên tập Đoàn Mạnh Phương cho biết.

Số tạp chí lan tỏa về nội dung như Tạp chí Vneconomy, được “định vị” về thương hiệu bằng cách tổ chức nội dung chuyên sâu, phương châm “làm báo tử tế” như Tạp chí Việt Nam Hội Nhập không nhiều. Phần lớn vẫn lúng túng về định hướng thông tin trong “thời đại” chuyển đổi số, thông tin mạng xã hội “lên ngôi”. Nhiều tạp chí chưa có giấy phép điện tử, kể cả trang thông tin điện tử. Và như một “biện chứng”, kinh tế báo chí vô cùng khó khăn.

Kinh tế báo chí “thước đo” năng lực tổng biên tập

Theo ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức của VUSTA, nhiều cơ quan báo, tạp chí thuộc hệ thống Liên hiệp Hội còn gặp khó khăn trong việc tự hạch toán tài chính mặc dù đã được các cơ quan chủ quản hỗ trợ một phần (trụ sở, chuyên gia, trang thiết bị), nhất là đối với các cơ quan báo chí in thuộc các Hội khoa học chuyên ngành và Viện trực thuộc.

Việc cơ quan tạp chí được Hội chủ quản hỗ trợ một phần về trụ sở, chuyên gia, trang thiết bị thực tế là rất hiếm. Các tạp chí chủ yếu phải tự thuê trụ sở, thậm chí, với nguồn tài chính ít ỏi còn phải tham gia “hỗ trợ” Hội chủ quản.

Báo chí khoa học mang tính đặc thù kén độc giả, cạnh tranh trong thị trường báo chí là “bất khả”, cần tiếp tục nghiên cứu tìm ra những hướng đi mới, cách làm mới mang tính đột phá nhằm tăng tính ứng dụng và hữu ích của tri thức KH&CN trong công chúng và xã hội.

Mỗi tạp chí có chức năng, nhiệm vụ riêng, có hướng đi riêng, dựa vào sức mạnh vị thế và uy tín thực hiện nội dung để chọn cho mình thị phần chính và khai thác sâu thị phần đó”, ông Lê Thanh Tùng chia sẻ.

Trên thực tế, có một số tạp chí liên quan trực tiếp đến hoạt động doanh nghiệp, ngân hàng, hiệp hội kinh tế, bộ ngành kinh tế… do vậy có cách tiếp cận riêng; tạp chí chuyên ngành khác khó tiếp cận các hoạt động kinh tế. Sự khác biệt của mỗi tờ tạp chí từ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích sẽ có những độc giả riêng quan tâm, là yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định cơ hội làm kinh tế báo chí bền vững.

Trước đây, nguồn thu của báo chí nói chung phụ thuộc vào 2 nguồn chính: số lượng phát hành, quảng cáo. Cuộc sống ngày càng thay đổi, báo in truyền thống thực tế còn “chết lâm sàng”, chưa nói đến tạp chí, bài in chủ yếu các ký hiệu khoa học. Thời “chuyển đổi số”, “phủ sóng” 4G, 5G và smartphone cách tiếp cận của các doanh nghiệp đối với khách hàng cũng hoàn toàn khác. Gần như doanh nghiệp nào cũng có trang thông tin điện tử, sử dụng triệt để Facebook, Google - “hai tờ báo khổng lồ nhất mọi thời đại” để quảng cáo năng lực, sản phẩm. Trong hoàn cảnh đó, quảng cáo trên báo in, tạp chí in đã “lùi về quá khứ”.

Báo chí đã thay đổi, đã và đang chứng minh: Tổng biên tập là một “nghề”, khác với tư duy trước đây là một “chức vụ”. Theo logic ấy, tổng biên tập giỏi là người làm kinh tế báo chí giỏi.

Tại Tọa đàm “Vấn đề kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam”, Tổng biên tập một tạp chí phát biểu, kêu ca về khó khăn, nợ tiền in, nhuận bút... về kiến nghị nhà nước tài trợ. Ông Nguyễn Thanh Lâm, lúc đó là Cục trưởng Cục Báo chí (nay là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) khi phát biểu, có nêu quan điểm về vấn đề này, đại ý: Các tạp chí cũng nên xem lại xem mình đã đóng góp gì cho Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan chủ quản như thế nào?

Đúng là vừa khó về nội dung, vừa khó về kinh tế báo chí. Hai vấn đề biện chứng với nhau.

VUSTA cũng đã từng góp tiếng nói “chia sẻ” với hệ thống báo chí trong Liên hiệp Hội bằng các kiến nghị các cơ quan thẩm quyền ban hành chính sách, cơ chế giao nhiệm vụ bằng ngân sách nhà nước, đặc biệt đối với các tạp chí khoa học chuyên ngành, nhằm đảm bảo chất lượng khoa học trong tạp chí không bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoài khoa học (cơ chế thị trường, áp lực kinh tế,…).

Theo chiều hướng phát triển phù hợp với xu thế thời đại, sửa đổi Luật Báo chí 2016 sắp tới cần gắn liền với việc khuyến khích động viên hệ thống các cơ quan tạp chí khoa học phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu thay vì thu hẹp lại theo tư duy cũ: Không quản được thì loại bỏ! Không phân biệt cơ quan chủ quản công lập hay ngoài công lập. Cần có sự phân định rạch ròi cho từng tạp chí, từng lĩnh vực để qua đó phù hợp với cơ chế và chính sách quản lý nhằm tạo điều kiện cho các tạp chí phát triển đúng hướng. Đồng thời, tập trung xây dựng một Luật báo chí truyền thông với nội dung đủ để điều chỉnh toàn bộ lĩnh vực truyền thông, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ngày càng phát triển hiện nay.

Cần xây dựng cơ chế pháp lý để các cơ quan báo chí có căn cứ hoạt động tự chủ tài chính. Việc đặt hàng cho cơ quan báo chí cần được ưu tiên cho các cơ quan báo chí tự chủ tài chính thuộc hội ngành, vì lực lượng báo chí này đang tập trung làm nhiệm vụ báo chí cách mạng trên mặt trận KH & CN, truyền thông chính sách”, ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội KH&KT Cầu đường Việt Nam - chủ quản của Tạp chí Cầu đường Việt Nam, nêu quan điểm. 

Theo chiều hướng phát triển phù hợp với xu thế thời đại, sửa đổi Luật Báo chí 2016 sắp tới cần gắn liền với việc khuyến khích động viên hệ thống các cơ quan tạp chí khoa học phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu thay vì thu hẹp lại theo tư duy cũ: Không quản được thì loại bỏ! Không phân biệt cơ quan chủ quản công lập hay ngoài công lập. Cần có sự phân định rạch ròi cho từng tạp chí, từng lĩnh vực để qua đó phù hợp với cơ chế và chính sách quản lý nhằm tạo điều kiện cho các tạp chí phát triển đúng hướng. Đồng thời, tập trung xây dựng một Luật báo chí truyền thông với nội dung đủ để điều chỉnh toàn bộ lĩnh vực truyền thông, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ngày càng phát triển hiện nay.

Ngô Đức Hành

...