23/01/2025 lúc 05:02 (GMT+7)
Breaking News

Năm Thìn, 'xông đất' nhà khoa học tuổi Thìn

Những ngày cuối cùng chia tay năm Quý Mão và chào đón năm Giáp Thìn, PGS.TS. Lê Thanh Long vẫn miệt mài bên nhóm nghiên cứu của mình với dự án mới về robot ứng dụng trong lĩnh vực y tế và thành phố thông minh. Anh chia sẻ, sẽ cố gắng hoàn thành công trình này trong năm 2024.

Sinh năm 1988 (Mậu Thìn), anh Lê Thanh Long, Giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG TPHCM, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo của Trường, được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn Phó Giáo sư vào năm 2023, khi mới 35 tuổi.

 

Trước đó, năm 2022, anh vinh dự được trao giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu vàng; đạt danh hiệu Thanh niên tiêu biểu TPHCM và danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII.

Trong lĩnh vực chuyên môn, anh Lê Thanh Long là một trong những nhà khoa học trẻ dám dấn thân và nghiên cứu ra những sản phẩm thiết thực phục vụ cộng đồng. Tính đến nay, anh đã có 35 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học, tham gia hội thảo khoa học quốc tế uy tín; 16 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học trong nước; chủ trì một đề tài cấp quốc gia (NAFOSTED) và chủ nhiệm một đề tài cấp Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, một đề tài cấp Đại học Quốc gia (tương đương cấp Bộ), 2 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu…

Và vào ngày đầu tiên của năm 2024 (1/1/2024), anh vinh dự nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM.

"Tôi rất tự hào khi đạt được danh hiệu này. Đó là sự ghi nhận cho những phấn đấu, kiên trì, nỗ lực bền bỉ trong một thời gian dài và là động lực để tôi tiếp tục hoàn thiện bản thân, cố gắng đóng góp nhiều hơn cho xã hội", PGS.TS. Lê Thanh Long bày tỏ.

Khoa học phải phục vụ cho xã hội

Những ngày cuối cùng chia tay năm Quý Mão và chào đón năm Giáp Thìn, PGS.TS. Lê Thanh Long vẫn miệt mài bên nhóm nghiên cứu của mình với dự án mới về robot ứng dụng trong lĩnh vực y tế và thành phố thông minh.

Anh chia sẻ, các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) được nhóm nghiên cứu đưa vào robot để giải quyết các bài toán trong lĩnh vực y tế, ví dụ như thủ tục để tiếp nhận bệnh nhân. Robot có thể di chuyển, tương tác với con người tùy nhu cầu, mục đích sử dụng, thay thế hoàn toàn con người ở khu vực tiền sảnh, lễ tân.

"Hiện công trình này đã được 70%. Trong năm 2024, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành để cung cấp cho các đơn vị cần như bệnh viện, các công ty", anh Long cho biết.

Theo quan niệm của anh, các công trình nghiên cứu phải giải quyết được những vấn đề mang tính cấp bách của xã hội và có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Cũng vì thế mà trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát tại TPHCM, anh cùng nhóm nghiên cứu của mình cho ra đời 2 sản phẩm được áp dụng vào thực tiễn là Buồng phun dịch khử khuẩn đa năng và Hệ thống IoT check-in Bách Khoa, góp phần vào cuộc chiến chống dịch của Thành phố.

Buồng phun dịch khử khuẩn đa năng ra đời năm 2020, sử dụng công nghệ phun siêu âm để phun dung dịch khử khuẩn ở dạng hạt có kích thước nano (hạt siêu mịn) và có tác dụng diệt virus Corona bám trên bề mặt cơ thể con người.

"Yêu cầu đặt ra với sản phẩm này là người vào buồng phải được phun khử khuẩn toàn thân trong khoảng thời gian cho phép dưới 30 giây, buộc các đầu phun phải được đặt ở những vị trí tối ưu. Thông qua quá trình nghiên cứu, mô phỏng, phân tích, vừa làm vừa sửa, nhóm nghiên cứu đã đề xuất được một thiết kế tối ưu và hoàn thiện sản phẩm", theo chủ nhiệm công trình Lê Thanh Long.

Anh chia sẻ, vì yêu cầu đặt ra gấp gáp nên trong khoảng một tháng, sản phẩm đã được hoàn thiện. Nhóm của anh đã ăn, ngủ luôn tại phòng thí nghiệm để có thể chế tạo ra sản phẩm.

Còn Hệ thống IoT check-in Bách Khoa ra đời năm 2021 khi sinh viên đã có thể đến trường nhưng yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo các quy định của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, tiêm đủ số mũi vaccine, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, truy vết nếu có dấu hiệu nhiễm COVID-19.

Theo anh Long, ưu điểm của hệ thống này là tích hợp được nhiều chức năng để đảm bảo quy định. Hệ thống có thể phát hiện, nhận dạng người đeo khẩu trang hay không; kiểm tra xem người đó đã tiêm bao nhiêu mũi vaccine; đo thân nhiệt, rửa tay, sát khuẩn; lưu trữ thông tin như người đó vào trường khi nào, lúc đó nhiệt độ cơ thể là bao nhiêu…

Khoa học là sáng tạo và dấn thân

Ngoài vai trò là một giảng viên Khoa Cơ khí, PGS.TS. Lê Thanh Long còn đảm nhận vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TPHCM. Câu lạc bộ là nơi để các thầy cô và sinh viên của trường cùng nhau sinh hoạt và trao đổi học thuật.

"Công việc của tôi ở Câu lạc bộ chủ yếu là thúc đẩy, phát triển và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên và sinh viên của nhà trường. Xa hơn là có thể 'ươm mầm', phát triển các dự án tiềm năng thông qua các cuộc thi về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong và ngoài trường", anh Long cho biết.

Chia sẻ về cơ duyên và nhân vật đã ươm mầm cho chính mình, anh Long hồi tưởng: "Đam mê nghiên cứu khoa học của tôi bắt đầu từ thời sinh viên, khi tôi có cơ hội nhận được đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên và được PGS.TS Đặng Văn Nghìn tận tình hướng dẫn và truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học. Khi những thử thách, khó khăn trong nghiên cứu khiến tôi nản lòng, muốn bỏ cuộc thì thầy đã động viên, hướng dẫn tận tình để tôi có thể hoàn thành đề tài. Đề tài đầu tiên được hoàn thành là động lực để tôi tiếp tục đi sâu nghiên cứu và cống hiến cho xã hội, tạo ra những sản phẩm ứng dụng vào thực tế".

PGS.TS. Lê Thanh Long cho rằng, làm khoa học là phải luôn kiên trì, nỗ lực và không ngừng đổi mới, sáng tạo cũng như biết dấn thân, dám nghĩ dám làm. Có như vậy thì những cố gắng ngày hôm nay sẽ là những thành công trong tương lai.

Anh Thơ