24/12/2024 lúc 03:34 (GMT+7)
Breaking News

Mùa Xuân Khoa học Công nghệ

Năm 2023, đối với đội ngũ trí thức có một “sự kiện”, đó là Hội nghị TW8 (Khóa XIII) vào tháng 10 có bàn về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới( ). Đúng, đây là vấn đề lớn. Bởi, như nhận định của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA): “Vị thế của mỗi quốc gia gắn liền với vị thế về khoa học và công nghệ của quốc gia đó”. Điều này đặc biệt đúng, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những cơ hội vô tận, đi kèm những thách thức không dễ vượt qua.

Khoa học công nghệ nước ta đang ở đâu?

Cuối tháng 10/2023, cũng có một “sự kiện” 2 trong 1 của khoa học và công nghệ (KH&CN). Đó là khánh thành cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam 2023 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 không cho phép quốc gia nào đứng ngoài cuộc nếu không muốn tụt hậu và đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang là một xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược, đòi hỏi khách quan và ưu tiên hàng đầu của đất nước ta để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”.

Vấn đề là chúng ta đang ở đâu? TSKH. Phan Xuân Dũng thẳng thắn: “KHCN nước ta còn một khoảng cách khá xa với các nước phát triển và tiên tiến, chưa tạo ra được năng lực KHCN cần thiết tương xứng với tiềm năng vốn có của con người Việt Nam, để thực sự trở thành nền tảng và động lực cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Theo số liệu của Bộ KH&CN (năm 2014), cả nước có tới 1.055 tổ chức KH&CN([1]); trong đó nhóm tổ chức nghiên cứu và phát triển chiếm 47,9%, nhóm cơ sở giáo dục đại học 32,0% và các tổ chức dịch vụ khoa học chiếm 20,1%. Tổ chức KH&CN là các trường đại học có 339 trường, trong đó 46,6% hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, chỉ có 31% trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ; lĩnh vực y dược là 9,4%, lĩnh vực khoa học tự nhiên 7,7%, lĩnh vực nông nghiệp 5,3%.

Cũng theo số liệu (năm 2016) của Bộ KH&CN, thời điểm đó nước ta có 167.000 nhân lực nghiên cứu và phát triển (R&D). Nguồn lực là cán bộ kỹ thuật chỉ chiếm 6,8% lực lượng lao động là không lớn (dù năm 2014, thống kê cho thấy Việt Nam có 9.000 giáo sư (GS), hơn 24.000 tiến sỹ (TS). Thời điểm đó, con số này gấp 5 lần Nhật Bản, gấp 10 lần Israel); điều đáng quan tâm là phân bố không đều, nhiều bất hợp lý.

Số lượng GS.,TS. không liên quan đến công tác đào tạo, nghiên cứu là rất lớn (nằm ở các cơ quan Đảng, Chính phủ, Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội). Ngay với số GS.,TS. làm công tác nghiên cứu cũng chưa có một công bố nào cho thấy, các công trình của họ đóng góp được gì cho khoa học nói riêng, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải chấn chỉnh các tổ chức KH&CN yếu kém([2]), nâng cao tiêu chuẩn thành lập mới và nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức([3]). Có câu chuyện “rất Việt Nam” là người có học vị TS. đã được gọi là trí thức chưa? Hiện nay chúng ta chưa phân định giữa trí thức nói chung với “nhân lực KH&CN”, “nhân lực chất lượng cao”, “trí thức tinh hoa”, “trí thức nòng cốt”, “người có tài năng”, dẫn đến nhiều lúng túng.

Như vậy, ngoài thành tựu, đóng góp khó phủ nhận; thực tế đang chứng minh “con người” KH&CN nào thì “bộ mặt” KH&CN nấy.

Giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề

Tại Hội nghị TW8 (đã dẫn), các ý kiến thảo luận nhất trí rằng, cần phải ban hành một Nghị quyết mới về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức là cần thiết, với mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đầu tháng 3/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của TƯ (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Tại Hội nghị này, bốn nguyên nhân của yếu kém, hạn chế được chỉ ra; trước hết là: nhận thức và cách hiểu về khái niệm “trí thức”; thứ hai là, công tác thực hiện Nghị quyết chưa hiệu quả; Thứ ba là, phát triển đội ngũ trí thức là vấn đề khó, phức tạp, có nội hàm rất rộng, liên quan đến hành lang pháp lý chưa đồng bộ; Thứ tư là, một bộ phận trí thức là cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, năng lực, phẩm chất, thậm chí vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, các nút thắt, điểm nghẽn cũng được chỉ ra như: Thiếu cơ chế đặc thù, thiếu nguồn lực đãi ngộ, đặc biệt là thiếu nguồn tài chính; chưa quan tâm nhiều đến các chuyên gia, trí thức trẻ; Việc thực hiện cơ chế đối thoại, trao đổi giữa cơ quan nhà nước với đội ngũ trí thức, các chuyên gia chưa thường xuyên, hiệu quả đạt được chưa cao...Tất nhiên có nguyên nhân, chậm đổi mới và các tổ chức KH&CN chậm thích ứng với cơ chế tự chủ tài chính.

Nhìn lại hơn 3 thập kỷ đổi mới (từ 1986 đến nay), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa Việt Nam năm 2022 vào top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới. Xuất nhập khẩu có quy mô xếp thứ 20 trên toàn cầu. Trong thành tựu này, hẳn nhiên có sự đóng góp của KH&CN và ĐMST.

Tuy nhiên, tại sự kiện khánh thành cơ sở mới của NIC và Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam 2023 (nói trên), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Phát triển KHCN, ĐMST tuy đã có những bước phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là tiềm năng trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người Việt Nam.

Chúng ta không thể không băn khoăn, trăn trở và có trách nhiệm khi chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động còn chưa cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong đội ngũ trí thức có một bộ phận rất quan trọng đối với các cơ quan nghiên cứu, nó mang tính quyết định cho sự thành công đấy là các trí thức đầu ngành hay gọi là các chuyên gia đầu ngành, các tổng công trình sư, nhất là những lĩnh vực cần thiết cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới. Do vậy, điều kiện làm việc, giao nhiệm vụ và giao cho họ nhiều quyền quyết định hơn, giảm bớt các thủ tục hành chính, bố trí các điều kiện kinh phí để duy trì hoạt động, quan tâm đến chế độ tôn vinh đãi ngộ là điều được đội ngũ trí thức trong các tổ chức KH&CN công lập quan tâm.

Đối với các tổ chức KH&CN tự chủ về tài chính thuộc VUSTA, nhiệm vụ hiện nay là: “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thích ứng trong bối cảnh mới, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0”.

Theo Chủ tịch VUSTA, phát triển KH&CN phải được tiến hành đồng thời trên cả ba trụ cột: Chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại nhất từ nước ngoài cho Việt Nam; Chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ của người Việt Nam trong lãnh thổ Việt Nam; Chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài. Theo ông, “dù là trụ cột nào thì cũng phải dựa vào năng lực nội sinh của quốc gia quyết định”.

Đây chính là khởi động sự hình thành “thị trường công nghệ”. Không thể kéo dài mãi tình trạng các đề tài KH&CN được đầu tư bằng ngân sách nhưng kết quả nằm trong các ngăn tủ các tổ chức KH&CN.

Hy vọng với việc Chính phủ đã và đang triển khai các chương trình hành động cụ thể để đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái ĐMST, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ tạo ra sự khởi đầu của giai đoạn mới về KH&CN. 

Từ Tâm


[1]. Số liệu năm 2016: Theo báo cáo của Đoàn giám sát - Ủy ban thường vụ Quốc hội thì cả nước có gần 2.500 tổ chức khoa học và công nghệ, tăng 11,15 lần so với năm 1996.

[2]. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1475/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

[3]. Theo số liệu năm 2016, cả nước đã có 24,3 nghìn tiến sỹ (trong đó có 12.261 tiến sỹ hoạt động trong các lĩnh vực KH&CN, trong đó 41% làm việc trong các trường đại học và cao đẳng), 101 nghìn thạc sỹ (trong đó 35% làm việc trong các trường đại học và cao đẳng).

...