26/11/2024 lúc 03:17 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định hướng đến mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”

Vượt lên bộn bề những khó khăn do dịch bệnh, tình trạng biến đổi khí hậu… năm 2022 nông nghiệp, nông thôn của Nam Định đã đạt được những kết quả khá toàn diện, tạo cơ sở để hướng đến mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định kiểm tra sản xuất vụ mùa năm 2022.

Những thành quả bao trùm!

Bám sát tinh thần chỉ đạo, định hướng của Nghị quyết 26/NQ-TW (khóa X) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Nam Định đã tập trung thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Các nội dung tái cơ cấu nông nghiệp được triển khai đồng bộ với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là các doanh nghiệp, người nông dân nên nhiều nội dung đạt kết quả khá. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng. Đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, ngành Nông nghiệp đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thời vụ; đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Thông qua chương trình phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, trình độ sản xuất của nông dân không ngừng được nâng lên. Tại các địa phương đang từng bước hình thành các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, HTX nông nghiệp và nông dân. Kết quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần làm tăng giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác từ 64,54 triệu đồng/ha năm 2008 lên hơn 123 triệu đồng/ha năm 2022 (giá so sánh 2010). Hầu hết các xã, thị trấn đã quy hoạch được vùng “cánh đồng lớn” để tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Đã có hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia tích tụ được trên 2.000ha ruộng đất phục vụ sản xuất nông sản hàng hóa. Tiêu biểu như: Công ty TNHH Toản Xuân gần 600ha, Công ty TNHH Cường Tân trên 400ha, Công ty TNHH Đình Mộc 96ha...

Việc phát triển các mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất nông sản hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được các địa phương, doanh nghiệp, HTX và nông dân quan tâm. Toàn tỉnh đã hình thành được 458 cánh đồng lớn với quy mô từ 30ha trở lên. Đến nay, Nam Định đã hình thành và phát triển được 38 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản hoạt động hiệu quả. Hiệu quả sản xuất từ mô hình cánh đồng lớn và mô hình liên kết tăng từ 15-20% so với cách làm trước đây... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hàng năm Nam Định thực hiện được hàng chục mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và công nghệ Nhật Bản; tiếp thu, ứng dụng công nghệ sản xuất phân hữu cơ để sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và theo công nghệ Nhật Bản của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) với quy mô 7ha, sản lượng rau đạt 150 tấn/năm, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Phương thức sản xuất theo mô hình “máy cấy - mạ khay” và khâu làm đất, thu hoạch được cơ giới hóa mạnh mẽ đã tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, công lao động nặng nhọc cho nông dân.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, nhất là nuôi lợn đã hình thành được một số mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô, áp dụng phương thức chăn nuôi an toàn sinh học trên nền đệm lót sinh học, mô hình chăn nuôi kinh tế tuần hoàn; phát triển ngành chăn nuôi gắn với hệ thống giết mổ tập trung; chăn nuôi gà ổn định cơ cấu và quy mô. Về thủy sản, bên cạnh các đối tượng nuôi truyền thống, Nam Định coi trọng phát triển tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và các loại cá đặc sản. Đặc biệt, sản phẩm ngao trắng (giống ngao Meretrix Lyrata) của tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn ASC, đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và hệ thống siêu thị cao cấp tại Trung Quốc với giá trị cao hơn 2-3 lần.

Những kết quả toàn diện trong phát triển nông nghiệp đã tạo ra nguồn lực để Nam Định thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2022, UBND tỉnh Nam Định đã công nhận 76 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn tỉnh đã có 182/204 xã, thị trấn (chiếm 89,2%) đạt chuẩn NTM nâng cao; xã Giao Phong, huyện Giao Thủy được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh; có 251 sản phẩm OCOP được công nhận xếp hạng từ 3 sao trở lên. Có thể thấy, chất lượng thực hiện chương trình xây dựng NTM của Nam Định ngày càng thực chất, bền vững, tạo nên một không gian nông thôn mà ở đó người dân ấm no, hạnh phúc, phát huy được năng lực của mình. Xã hội nông thôn có nhiều đổi mới, nhà cửa, đường giao thông, công trình phúc lợi ngày càng khang trang, tiện nghi tạo nên diện mạo làng quê ấn tượng và tạo lập con người với suy nghĩ, cách thức sản xuất và lối sống mới.

Ông Nguyễn Sinh Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định.

Hướng đến mục tiêu cao hơn…

Phát huy những thành quả đạt được, khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh của địa phương, Nam Định đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với mục tiêu: Nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và giữ vững tốc độ tăng trưởng toàn ngành giai đoạn 2021-2025, trong đó năm 2023 từ 2,5-3%. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, duy trì, kết nối bền vững các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa, tạo sức bật và đem lại sự đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân của tỉnh.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục phát huy giá trị, tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của các địa phương. Theo đồng chí Nguyễn Sinh Tiến thì đây là những vấn đề mới so với giai đoạn đã qua, vì thế chúng ta cần tiếp cận chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM với một tư duy mới. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển phải bảo đảm các yếu tố hài hòa, thân thiện với thiên nhiên, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và không gian làng quê nông thôn. Để có được điều đó, mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp, căn cơ nhằm thu hút các nguồn lực để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Lãnh đạo các cấp phải sâu sát, đồng hành với cơ sở để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu cao hơn trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Trần Quốc Khải

...