VNHN - Chính phủ Tổng thống Donald Trump xem Biển Đông là một trung tâm mới trong quá trình Mỹ đối đầu Trung Quốc.
Ngày 14-7, một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Hải quân Mỹ đã điều một tàu chiến đến thực hiện tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển này.
Trang tin NavyTimes dẫn thông tin từ các quan chức Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cho biết tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson đã tuần tra một số vùng biển nóng ở Biển Đông trong ngày 14-7.
Sẽ không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông
Cụ thể, tàu khu trục tên lửa USS Ralph Johnson đã di chuyển gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) – nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cho cải tạo hiện trạng và quân sự hóa để củng cố yêu sách chủ quyền trái phép của mình.
Hải quân Mỹ công bố một số hình ảnh cho thấy tàu USS Ralph Johnson di chuyển gần quần đảo Trường Sa.
Tàu khu trục tên lửa USS Ralph Johnson thực hiện chiến dịch an ninh hàng hải gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ảnh: US NAVY
Theo trang tin Business Insider, từ đầu năm đến nay Hải quân Mỹ đã thực hiện ít nhất sáu cuộc tuần tra FONOP, và nhiều chiến dịch hiện diện khác.
Trang tin USNI News cho biết ngày 14-7 Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ David Stillwell phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chỉ trích mạnh thái độ bắt nạt của Trung Quốc, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ không để Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là của mình.
Trước đó, ngày 13-7, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố gần như toàn bộ các yêu sách chủ quyền hàng hải của Trung Quốc bên ngoài các vùng biển của mình được quốc tế công nhận đều là bất hợp pháp.
“Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh xem Biển Đông như đế chế hàng hải của mình. Mỹ sát cánh với các đồng minh và các đối tác Đông Nam Á bảo vệ quyền chủ quyền của các nước này với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của các nước thể theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ tự do các vùng biển, tôn trọng chủ quyền và bác bỏ mọi hành động thể hiện “mạnh là đúng” ở Biển Đông hoặc khu vực xa hơn” – hãng tin AP dẫn lời Ngoại trưởng Pompeo.
Thủy thủ trên tàu khu trục tên lửa USS Ralph Johnson khi tàu này thực hiện chiến dịch an ninh hàng hải gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ảnh: US NAVY
Theo lời ông Pompeo, chính sách của Mỹ về Biển Đông phù hợp với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài, bác bỏ phần lớn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.
Sau tuyên bố của ông Pompeo, Indonesia và Philippines đồng loạt kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài.
Biển Đông - trung tâm mới trong đối đầu Mỹ-Trung
Phát ngôn cứng rắn của ông Pompeo ngày 13-7 đến sau khi Hải quân Mỹ đưa hai đội tàu sân bay tấn công USS Nimitz, USS Ronald Reagan và Không quân Mỹ đưa một máy bay ném bom B-52 đến tập trận ở Biển Đông đầu tháng này. Động thái này được xem là phản ứng với đợt tập trận trước đó của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hai đội tàu sân bay tấn công USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ hoạt động chung ở Biển Đông ngày 6-7. Ảnh: AP
Hành động của Mỹ khiến Trung Quốc tức giận. Truyền thông Trung Quốc đưa ra nhiều đe dọa với Mỹ, thậm chí ám chỉ mình có tên lửa “diệt tàu sân bay”.
Những tháng gần đây quân đội Mỹ đã tăng cường hoạt động ở Biển Đông nhằm phản ứng với việc Trung Quốc lợi dụng lúc các nước bận rộng đối phó COVID-19 mà gia tăng hoạt động ở Biển Đông, bắt nạt các nước láng giềng, đẩy mạnh các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở vùng biển này, theo cáo buộc của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ông James Chin – Giám đốc Viện châu Á tại đại học Tasmania (Úc) cho rằng quan điểm của Mỹ không mới vì nước này vẫn luôn phản đối yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Cái mới ở đây là chính phủ Tổng thống Donald Trump đã xem Biển Đông là một trung tâm mới trong quá trình Mỹ đối đầu Trung Quốc.
Không chỉ riêng Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng nguy hiểm ở nhiều lĩnh vực như nguồn gốc và cách xử lý đại dịch COVID-19, chính sách của Trung Quốc với Hong Kong và Tây Tạng, và về thương mại.