VNHN - Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng chiến hạm của Nhật và Australia diễn tập chung ba ngày tại Biển Philippines, gần Biển Đông.
Cuộc diễn tập của hải quân Mỹ, Australia và Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) tại Biển Philippines diễn ra hôm 19-21/7 nhằm thể hiện cam kết của ba nước với "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", JMSDF hôm qua ra thông cáo cho biết.
"Tôi tin rằng tăng cường hợp tác với hải quân Mỹ và Australia cực kỳ quan trọng với Nhật Bản", đại tá Yusuke Sakano, chỉ huy sư đoàn hộ tống 4 của JMSDF, cho biết trong thông cáo.
Sakano cho hay kinh nghiệm trong các cuộc diễn tập chung sẽ mang lại cho hải quân Mỹ, Australia và Nhật Bản "lợi thế về chiến thuật và hoạt động" và củng cố tình hữu nghị giữa ba nước.
"Cơ hội làm việc cùng Mỹ và Nhật Bản là vô giá", chỉ huy đội tác chiến hỗn hợp Australia, chuẩn tướng hải quân Michael Harris cho biết. "Nhiệm vụ kết hợp của hải quân chúng tôi thể hiện mức độ và khả năng tương tác cao giữa Australia, Mỹ và Nhật Bản".
Chiến hạm ba nước triển khai "các hoạt động hàng hải tích hợp trong môi trường tác chiến trên tất cả các lĩnh vực" để giúp các lực lượng này có thể phản ứng với bất cứ tình huống nào, thông cáo của hải quân Mỹ cho biết.
Chiến hạm Australia, Mỹ và Nhật Bản diễn tập tại Biển Philippines, ngày 21/7. Ảnh: US Navy.
Cuộc diễn tập được tổ chức trong bối cảnh Mỹ, Nhật Bản và Australia đều chỉ trích các động thái gây hấn của Trung Quốc tại khu vực tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Các chỉ huy quân sự ba nước hồi tháng 7 ra tuyên bố chung lên án việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế "thay đổi hiện trạng" ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường 9 đoạn" nhằm đòi yêu sách lãnh thổ phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.
Mỹ nhiều lần chỉ trích các động thái của Trung Quốc trong khu vực như bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng sân bay quân sự và triển khai khí tài tại đó. Mỹ lo ngại các tiền đồn Trung Quốc lập có thể tham gia hạn chế hoạt động tự do đi lại trên tuyến đường biển nơi khoảng 3.000 tỷ USD hàng hóa đi qua mỗi năm. Hải quân Mỹ thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập và tuần tra tự do hàng hải tại khu vực này.
Trung Quốc gần đây triển khai nhiều hoạt động quyết liệt sau Covid-19 nhằm gây áp lực cho các quốc gia, vùng lãnh thổ xung quanh. Bắc Kinh nhiều lần điều máy bay quân sự áp sát đảo Đài Loan, đụng độ với Ấn Độ tại khu vực biên giới, điều tàu hải cảnh áp sát đảo tranh chấp với Nhật Bản, và thông qua luật an ninh quốc gia bị cho là hạn chế quyền tự trị của đặc khu hành chính Hong Kong.
Tại Biển Đông, Trung Quốc triển khai loạt hoạt động gây hấn như điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rồi bám theo tàu khoan của Malaysia, cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của Việt Nam, tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khẳng định chính sách của Trung Quốc với Biển Đông trong nhiều năm qua là "dùng biện pháp bắt nạt" để xâm phạm quyền chủ quyền của các nước quanh khu vực, nhằm thay thế luật quốc tế bằng tư duy "chân lý thuộc về kẻ mạnh".
Nguyễn Tiến (Theo Japan Times)