22/01/2025 lúc 21:55 (GMT+7)
Breaking News

Mừng mùa xuân mới, mừng Đảng thêm tuổi mới!

Từ ngày 03 đến 07/02/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã diễn ra tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), từ đây Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức ra đời. 94 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã dành được những thắng lợi to lớn vẻ vang.

Từ cuối thế kỷ XIX, hàng loạt phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau đã liên tiếp nổ ra nhằm giải quyết mâu thuẫn giữ dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược. Tiêu biểu là phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu; phong trào cải cách của Phan Chu Trinh, khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo... Các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tuy diễn ra quyết liệt, song cuối cùng đều thất bại, nguyên nhân là do thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc.
Trong bối cảnh đó, tháng 6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Năm 1920 Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin; đây không chỉ là bước ngoặt đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, mà còn là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng cách mệnh” để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Từ nhận thức đó Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam, Người từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản.
Nửa cuối năm 1929, ba tổ chức cộng sản lần lượt được thành lập ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Ba tổ chức cộng sản ra đời phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam song cũng dẫn đến nguy cơ gây chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng nước ta là cần có một Đảng thống nhất lãnh đạo.

Từ ngày 3 đến 07/02/1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thành lập đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Ngày 3 tháng 2 năm 1930 trở thành Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các văn kiện được thông qua tại Hội nghị hợp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Cương lĩnh giải phòng dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo và đường lối cứu nước.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, tiến hành sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giành chính quyền, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền và xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo con đường Xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vô cùng tự hào vì đất nước có một Đảng Cộng sản kiên cường, trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lãnh đạo Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình và thịnh vượng./.

Đỗ Thị Bích Huệ