29/03/2024 lúc 02:42 (GMT+7)
Breaking News

Mùa sưa thay lá

VNHN - Thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) hiện đang sở hữu hàng trăm cây sưa có độ tuổi từ 100 năm trở lên. Riêng tại khu vực vườn Cừa (khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương) có hàng chục cây được trồng dọc hai bên đường làng. Không chỉ tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp mà còn làm cho các lối đi thêm phần lãng mạn. Đặc biệt, vào mỗi mùa thay lá cây sưa càng đẹp lung linh và huyền ảo hơn thu hút khá đông du khách đến tham quan, thưởng ngoạn.

VNHN - Thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) hiện đang sở hữu hàng trăm cây sưa có độ tuổi từ 100 năm trở lên. Riêng tại khu vực vườn Cừa (khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương) có hàng chục cây được trồng dọc hai bên đường làng. Không chỉ tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp mà còn làm cho các lối đi thêm phần lãng mạn. Đặc biệt, vào mỗi mùa thay lá cây sưa càng đẹp lung linh và huyền ảo hơn thu hút khá đông du khách đến tham quan, thưởng ngoạn.

Tuy trút lá trơ cành nhưng cây sưa vẫn đẹp như một bức tranh. (ảnh Nguyễn Điện Ngọc)

Giá trị của cây Sưa

Cây rừng Việt Nam có nhiều loại cùng nhóm và cùng họ với nhau như cây chò, cây giổi, cây gụ (gõ) và một số loại cây khác hiện đang phát triển ở nhiều nơi. Riêng cây gỗ hương chỉ có ở vùng núi Tây Nguyên thì không “bà con, dòng họ” với cây gỗ nào khác ngoài cây sưa hay còn gọi là hương đồng nội. Cây sưa có tên khoa học là Dalbergia bouruana gagu, là một danh mộc, cùng họ với cây hương được bà con nông dân trồng ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tại thành phố Tam Kỳ hầu như xã, phường nào cũng có cây sưa nhưng tập trung nhất là ở vùng Dưỡng Sơn (An Sơn), thôn Bình Hòa (Tam Ngọc), các khối phố Hương Sơn, Hương Trà Đông và Hương Trà Tây (phường Hòa Hương). Cây sưa được trồng từ lâu, đến nay có cây đã hơn một trăm tuổi. Là một loại cây vừa có rễ cái lại vừa có rễ bàn đan dày, thân rắn chắc nên rất khó gãy đổ khi mưa bão. Cây cao hơn chục mét nhưng thân không suôn bởi nó phân cành từ rất sớm. Vỏ cây mỏng, xù xì, nhựa đỏ như máu, khi cắt ngang thấy rõ chu kỳ phát triển theo hàng năm tuổi bởi từng thớ được cuộn tròn theo đường kính từ trong ra ngoài của thân cây. Nếu xẻ dọc thì hiện rõ từng đường vân màu tím bầm xen lẫn màu hồng nhạt tạo nên sắc màu lung linh như tranh vẽ, cây gỗ có mùi thơm nồng dễ bị hắc hơi, gỗ đốt cháy chảy nhựa màu đen bóng. Đường kính cây cũng khá lớn nhưng chỉ sử dụng được phần lõi, còn phần giác thì ít khi dùng bởi dễ bị mọt ăn, nếu sử dụng thì phải xử lý qua dung dịch hoặc ngâm trong bùn non nhiều ngày. Gỗ cứng, nếu khô rất khó đóng đinh nên chủ yếu dùng để sản xuất hàng mộc và làm nhà rường. Cây gỗ sưa có hai loại sưa giang và sưa xanh, riêng cây sưa giang rất dễ nhầm lẫn với cây huỳnh đàn và đều có giá trị kinh tế cao. Lá sưa chứa chất đạm nhiều nên bà con nông dân thường dùng để che mặt luống các loại rau màu nhằm giữ đất được tơi xốp và ủ để làm phân xanh, cành nhánh làm củi đun. Riêng phần gỗ ở vào thời điểm này có giá hơn 7 triệu đồng/m3 (gỗ tròn). Nhiều người ở phường Hòa Hương hiện vẫn thường hay nhắc những lời khẳng định của cụ Trần Soa, một lương y nổi tiếng ở làng Hương Trà thời kháng chiến chống Pháp, “ngoài Hương đồng nội, cây sưa còn có tên là cửu lý hương bởi cây có hương bay xa chín dặm. Mùa đông cây trút lá chỉ còn lại cành nhánh khẳng khiu, đầu tháng 4  Hoa sưa nở rộ từ đầu làng đến cuối xóm rực một sắc vàng và tỏa hương thơm cho cả xóm làng”.

Du khách tham quan mùa sưa thay lá. (ảnh Nguyễn Điện Ngọc)

Hướng đến lễ hội thường niên

Cây sưa không chỉ được bà con nông dân ưa chuộng mà những người ở thị thành cũng yêu thích bởi dáng sưa rắn rỏi nhưng cành lá mềm mại. Sưa thay lá vào giữa mùa đông, lúc trơ cành sưa không khô cứng như cây sầu đông, ngược lại sưa rất kiêu sa và lung linh sắc màu như một bức tranh thủy mạc. Đến cuối tháng hai ( âm lịch) năm sau, lá sưa mới xanh mơn mởn trở lại và đây cũng là thời điểm cây ủ hoa. Hoa sưa nở thành 4 đợt trong năm, đợt cuối cùng là vào khoảng hạ tuần tháng tư âm lịch. Trong khi vạn vật chuẩn bị đón tết Đoan Ngọ, những đợt nắng nóng kéo dài, cơ thể con người mỏi mệt, buồn ngủ. Theo kinh nghiệm của những người cao niên thì đây là thời kỳ ủ hoa sưa. Quả thật! sau những ngày nắng nóng oi nồng là những cánh hoa sưa bung nụ, những đàn ong, bướm từ khắp nơi kéo về tha hồ hút mật. Khi hoa sưa tàn, những đợt gió bấc nhẹ thổi lướt qua mang theo những cánh hoa màu vàng mỏng manh bay lả chả trong không gian rồi sau đó đan dày trên nền đất như một tấm thảm màu vàng bất tận. Một điều thú vị nữa là sau những đợt gió bấc là những cơn mưa rào nặng hạt làm những cánh hoa bồng bềnh kết dính từng mảng trôi lềnh bềnh trên mặt nước.

Phát huy lợi thế của cây sưa, tháng 4 năm 2017, lần đầu tiên lễ hội mang chủ đề “Mùa hoa sưa” do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh thành phố Tam Kỳ phối hợp với UBND phường Hòa Hương tổ chức ở phạm vi cấp phường. Rút kinh nghiệm lần trước, năm 2018, lễ hội mùa hoa sưa lần thứ hai được tiếp tục tổ chức mang tính quy mô hơn. Để cộng đồng trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế cũng như giá trị văn hóa của cây sưa, lễ hội “Mùa hoa sưa” lần thứ III-2019 do UBND thành phố Tam Kỳ tổ chức, cùng với sự tham gia của UBND phường Hòa Hương, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội VHNT, CLB Nhiếp ảnh, CLB Khởi nghiệp – sáng tạo thành phố… Qua đó, đã hình thành không gian ẩm thực, không gian làng nghề, triển lãm ảnh nghệ thuật, tổ chức Đêm thơ, nhạc, dạ hội thanh niên, thả hoa đăng trên sông Tam Kỳ, thi đấu cờ làng, đua thuyền truyền thống, hô hát bài chòi, bán hàng lưu niệm, đưa khách tham quan trên sông Tam Kỳ bằng thuyền… Lễ hội “Mùa hoa sưa” đã trở thành chuỗi hoạt động thường niên nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của thành phố. Đồng thời từng bước hình thành điểm tham quan, thưởng ngoạn hoa sưa kết nối điểm đến với các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Đây cũng là một trong các hoạt động hưởng ứng Đề án phát triển du lịch thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Lễ hội Tam Kỳ - Mùa hoa sưa” đã trở thành chuỗi hoạt động thường niên nhằm quảng bá tiềm năng du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

Rất nhiều người dân và du khách đang mong ngóng chờ đợi để được trải nghiệm lễ hội Tam Kỳ - Mùa hoa sưa” lần thứ IV - năm 2020

Mùa thay lá năm nay được bắt đầu từ những ngày hạ tuần tháng 12, hiện đang trơ cành vươn cao lên nền trời xanh thẳm và lá vàng rụng đầy dưới nền đất xen lẫn với màu xanh của cỏ cây lung linh như những tấm thảm. Vào những buổi sáng gần đây sương trắng dày đặc quyện vào từng thân cây thật huyền ảo. Các nhà nhiếp ảnh và mỹ thuật đã kịp ghi lại những tuyệt tác này góp phần tích cực vào việc quảng bá tiềm năng du lịch cộng đồng.

Theo nhận định của cư dân bản địa, năm nay sưa thay lá nhanh và đồng loạt. Có thể hoa sẽ nở rộ và sớm hơn mọi năm! Nếu đúng vậy thì chắc chắn lễ hội Tam Kỳ - Mùa hoa sưa” lần thứ IV - năm 2020 của thành phố Tam Kỳ năm nay được kỳ vọng sẽ là một ngày hội lớn mà nhiều người dân và du khách đang mong ngóng chờ đợi để được trải nghiệm.