05/05/2024 lúc 13:51 (GMT+7)
Breaking News

Một số vấn đề về định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế khoa học công nghệ và đổi mới sáng tao trong giai đoạn mới (Phần 2)

Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn (có thể nói một cách hình ảnh là “có một không hai”, “bây giờ hoặc không bao giờ”) để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường, nếu xác định đúng và thực hiện có hiệu quả thể chế phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

III. ĐỊNH HƯỚNG CÁC GIẢI PHÁP XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KHCN TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

1. Mục tiêu: Mục tiêu tổng quát về xây dựng và hoàn thiện thể chế KHCN là xây dựng đồng bộ thể chế để thúc đẩy phát triển KHCN & ĐMST trở thành động lực chủ yếu - then chốt đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh - bền vững, không rơi vào bẫy thu nhập trung bình; đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

2. Định hướng tổng quát xây dựng thể KHCN trong giai đoạn mới

(i). Nhận thức đầy đủ, đồng bộ cơ sở lý luận và thực tiễn về thể chế KHCN đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn mới, theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

(ii). Xác định rõ cấu trúc nội dung tổng thể của thể chế KHCN.

(iii). Xác định rõ mối quan hệ của thể chế KHCN với thể chế phát triển kinh tế - xã hội.

(iv). Cần xây dựng các thể chế KHCN thành phần phù hợp với các lĩnh vực, chức năng hoạt động khoa học và công nghệ chủ yếu.

(v). Hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước - Thị trường - Xã hội trong các lĩnh vực KHCN.

3. Xác định cấu trúc khung tổng thể thể chế KHCN

Cấu trúc tổng thể của thể chế KHCN phải đảm sự đồng bộ hữu cơ giữa ba thành tố là các chủ thể tham gia (người chơi), khung khổ pháp lý (luật chơi) và môi trường, lĩnh vực hoạt động KHCN (sân chơi). Do đó, cần:

(i) - Tiếp tục chế định rõ hơn, phù hợp hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, lợi ích, trách nhiệm giải trình của ba nhóm chủ thể chính sau: các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách về KHCN; các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực thi luật pháp, cơ chế, chính sách về KHCN; các tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động sáng tạo và ứng dụng KHCN.

(ii) - Tiếp tục chế định rõ khung pháp lý hoạt động (luật chơi) phù hợp với tứng loại chủ thể nêu trên và phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động KHCN.

(iii) - Xác định rõ các môi trường (lĩnh vực) hoạt động KHCN (sân chơi) chung và riêng cho từng lĩnh vực hoạt động KHCN.

(iv). Trên cơ sở khung tổng thể thể chế KHCN, triển khai xây dựng các thể chế KHCN thành phần theo các chức năng, lĩnh vực cụ thể; có thể bao gồm các thể chế thành phần sau: Thể chế phát triển KHCN phù hợp cho từng loại hoạt động KHCN (nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu R&D, nghiên cứu ứng dụng, triển khai, nghiên cứu khoa học xã hội…); Thể chế cung, thể chế cầu, liên kết cung - cầu các sản phẩm, dịch vụ KHCN; Thể chế quản lý các nhiệm vụ KHCN; Thể chế phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; Thể chế tự chủ của các cơ sở hoạt động KHCN; Thể chế tài chính cho phát triển KHCN; Thể chế phát triển tiềm lực KHCN; Thể chế phát triển nguồn nhân lực KHCN; Thể chế phát triển và bảo hộ sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả; thể chế chuyển giao công nghệ; Thể chế hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN…

4. Xác định cơ chế vận hành - tương tác của thể chế KHCN

(1).Xây dựng cơ chế vận hành tổng thể của Thể chế KHCN (tương tác giữa Người chơi-Luật chơi-Sân chơi (Hình 1.). Trong đó, các chủ thể trực tiếp tham gia hay liên quan đến KHCN với các mục tiêu và chức năng khác nhau, sẽ thông qua “luật chơi” và cơ chế thị trường (CCTT) ở những cấp độ khác nhau), đề tác động đến các lĩnh vực khoa học - công nghệ và toàn bộ môi trường phát triển  KHCN (sân chơi).

Hình 1. Mô hình vận hành tổng thể của Thể KHCN và ĐMST

Trong thể chế KHCN, cần xác định rõ cơ chế tương tác giữa ba thành tố chủ yếu là Nhà nước (NN) - Thị trường (TT) - Xã hội (trọng tâm là các cơ sở hoạt động khoa học, công nghệ - CSKHCN; người sử dụng, ứng dụng sản phẩm KHCN - NSD). Trong đó, NSD được đặt ở trung tâm với ý nghĩa là “đích đến” của cả sự quản lý của Nhà nước, của hoạt động của các chủ thể hoạt động KHCN và sự tác động của cơ chế thị trường (Hình 2.). Cơ chế tương tác giữa ba thành tố này trong hoạt động KHCN có những điểm chung, đồng thời cũng có những đặc điểm riêng so với trong kinh tế.

Hình 2. Mô hình quan hệ  Nhà nước - Thị trường - Xã hội

Một nội dung rất quan trọng trong xây dựng thể chế KHCN là chế định cơ chế tương tác - chế định lẫn nhau giữa thể chế KHCN với các thể chế phát triển khác (đó là thể chế kinh tế, thể chế chính trị, thể chế văn hóa - xã hội, và thể chế bảo về môi trường sinh thái). Vì mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát KHCN là đưa KHCN & ĐMST ứng dụng vào thực tiễn trong tất cả các lĩnh vực, tạo động lực cho đất nước phát triển nhanh - bền vững.

5. Định hướng các giải pháp xây dựng và hoàn thiện thể chế KHCN

(1). Về nhận thức: Cần nhận thức sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn bối cảnh phát triển và yêu cầu phát triển nhanh - bền vững đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi chuyển đổi mô hình tăng trưởng - phát triển theo chiều sâu, trên nền tảng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhận rõ tính cấp thiết phải xây dựng và hoàn thiện thể chế KHCN đồng bộ với chiến lược phát triển KHCN, trong thể chế phát triển tổng hợp đất nước được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

(2) Đẩy mạnh đổi mới và hoàn thiện thể chế quản lý hoạt động KHCN. Mục tiêu là nhằm khắc phục các hạn chế, yếu kém trong quản lý KHCN, hoàn thiện thể chế theo hướng hiện đại, phù hợp với hoạt động đặc thù của KHCN. Cần tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

(i). Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và cơ chế vận hành của bộ máy quản lý nhà nước về KHCN từ Trung ương xuống cơ sở phù hợp với bản chất và tính chất của hoạt động sáng tạo trong KHCN. Tập trung nâng cao năng lực hoạch định chiến lược và xây dựng thể chế phát triển KHCN gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về KHCN theo hướng hội nhập quốc tế; đặc biệt quan tâm đến hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của thể chế thực thi luật pháp, cơ chế, chính sách về KHCN.

(ii). Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạng lưới cơ sở KHCN, nhất là hệ thống cơ sở ngoài công lập; quy hoạch lại hệ thống cơ sở KHCN công lập gắn với đổi mới cơ chế quản lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy các hoạt động KHCN trong các doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển đồng bộ các đơn vị cung cấp dịch vụ KHCN, trong đó có các trung tâm thông tin KHCN hiện đại. Hình hành các đơn vị (tổ hợp liên kết) nghiên cứu - ứng dụng mạnh trong các lĩnh vực chủ đạo, then chốt. Chế định rõ hơn về mô hình tổ chức, các loại tổ chức và cơ chế quản lý hoạt động đối với các loại đơn vị KHCN & ĐMST, phù hợp với tính chất đặc thù của KHCN & ĐMST; xây dựng các tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá cơ sở, đánh giá cán bộ  KHCN...theo thông lệ quốc tế; nhằm hiện thực hóa vai trò của KHCN & ĐMST đối với sự phát triển của mỗi ngành/lĩnh vực và mỗi địa phương.

(iii). Hoàn thiện cơ chế giao nhiệm vụ KHCN và đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiêm vụ KHCN; gắn liền với đó là hoàn thiện cơ chế tài chính, thanh quyết toán đề tài; chế độ bảo hộ sở hữu trí tuệ; chế độ đãi ngộ, chế độ trách nhiệm công khai, minh bạch.

(3). Đổi mới và hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn. Khi xác định các nhiệm vụ KHCN phải xác định rõ mục tiêu và chủ thể ứng dụng, xác định cơ chế và trách nhiệm ứng dụng, nhất là phải hướng tới đối tượng ứng dụng là các doanh nghiệp. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đàu tư phát triển và ứng dụng KHCN, đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất kinh doanh; đặc biệt là trong các lĩnh vực chủ đạo, then chốt, mũi nhọn.

(4). Đổi mới và hoàn thiện thể chế về phát triển dịch vụ khoa học và công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý, cơ chế, chính sách để đẩy mạnh việc phổ biến, chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu đến các cơ sở ứng dụng. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi có hiệu lực, hiệu quả về sở hữu trí tuệ.

(5). Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước - Thị trường - Xã hội phù hợp hoạt động KHCN (và với các lĩnh vực KHCN). Việc chế định đúng đắn mối quan hệ này là một yêu cầu quan trọng trong thể chế KHCN, nhằm phát huy cao nhất vai trò khách quan của cả ba chủ thể Nhà nước, Thị trường và Xã hội (trước hết là các chủ thể hoạt động KHCN & ĐMST), phù hợp với đặc điểm và tính chất của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; các chủ thể nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đóng vai trò nòng cốt trong đổi mới sáng tạo; các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong việc ứng dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội; cơ chế thị trường được chế định phù hợp nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cân bằng hài hòa quyền, trách nhiệm, lợi ích của các chủ thể liên quan phù hợp với đặc điểm của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Nghiên cứu xác định rõ hơn vai trò và chức năng của thị trường khoa học và công nghệ, trên cơ sở đó hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, phù hợp với đặc điểm và tính chất của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực.

(6). Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và hoàn thiện thể chế về tài chính KHCN. Có thể nói thể chế tài chính là “mạch máu” chủ đạo nuôi hoạt động và phát triển KHCN & ĐMST, nhưng hiện nay đang còn nhiều vấn đề không phù hợp bản chất và tính chất của hoạt động KHCN, tạo nên “các điểm nghẽn”. Cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau: Đẩy mạnh đổi mới thể chế đầu tư phát triển KHCN & ĐMS, khắc phục tình trạng chia cắt trong đầu tư từ nguồn ngân nhà nước; cần có một cơ chế thống nhất quản lý nguồn chi, cách chi và khối lượng chi cho phát triển KHCN & ĐMST, nhất là đối với các nhiệm vụ KHCN chiến lược quốc gia.

Nhà nước dành nguồn lực thích đáng, gắn hoàn thiện cơ chế để nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho phát triển KHCN & ĐMST, nhất là đối với các lĩnh vực trọng yếu, nhiệm vụ, mục tiêu then chốt, mũi nhọn; đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh khuyến khích mọi thành phần kinh tế, các chủ thể đầu tư phát triển và ứng dụng KHCN & ĐMST, nhất là đầu tư phát triển những ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Đổi mới căn bản chế độ tài chính, thanh quyết toán đối với việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN theo cơ chế khoán chi phù hợp với từng loại hoạt động KHCN (đây đang là một trong những nút thắt, cản trở lớn trong hoạt động KHCN & ĐMST). Cần phải chế định thể chế tài chính phù hợp với quá trình hoạt động KHCN mang tính sáng tạo, có những rủi ro và độ trễ. Đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện cơ chế hoạt động của các quỹ KHCN & ĐMST, trong đó có các quỹ đầu tư mạo hiểm, phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng lĩnh vực. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách tài trợ, hỗ trợ, đặt hàng phù hợp trong lĩnh vực KHCN.

(7). Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ của các cơ sở KHCN. Cần phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đổi mới và hoàn thiện đồng bộ cơ chế tự chủ của các cơ sở hoạt động KHCN, tập trung vào một số nội dung chính sau: làm rõ tính chất đặc thù của cơ chế tự chủ đối với các đơn vị KHCN gắn với hoạt động sáng tạo và có sự rủi ro cao, không phải khi nào cũng thu được lợi nhuận, tự bù đắp được chi phí…; xác định rõ hơn nội dung và tính đồng bộ của cơ chế tự chủ trong hoạt động KHCN (bao gồm tự chủ về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tự chủ về tổ chức, biên chế và nhân sự, tự chủ về tài chính). Cần xác định mục tiêu cao nhất và bao trùm trong cơ chế tự chủ là thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn; không nên và không thể lấy mức độ tự đảm bảo kinh phí để làm tiêu chí chi phối toàn bộ cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp KHCN (trong thực tế, số các đơn vị tự đảm bảo được toàn bộ chi phí trong hoạt động KHCN không có nhiều). Căn cứ vào tính chất và đặc điểm của từng loại (lĩnh vực) hoạt động KHCN để phân loại các mô hình, cấp độ tự chủ; từ đó xây dựng cơ chế tự chủ phù hợp đối với từng loại, từng mô hình đơn vị KHCN; gắn với cơ chế quản lý, sử dụng đất đai và các tài sản khác. Xác định rõ hơn về quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu bản quyền về các sản phẩm, kết quả nghiên cứu của các đơn vị tự chủ hoạt động KHCN và các chủ thể liên quan.

(8). Tiếp tục đổi mới thể chế về đào tạo, sử dụng và trọng dụng nhân tài. Cần nhận thức rõ đội ngũ nhân lực KHCN phải bao gồm đồng bộ các loại nhân lực: nhân lực lãnh đạo - quản lý nhà nước về KHCN; đội ngũ chuyên gia tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển, ứng dụng KHCN; nhân lực trực tiếp lãnh đạo - quản lý hoạt động của các đơn vị KHCN; đội ngũ chuyên gia, chuyên viên trực tiếp thực hiện các hoạt động KHCN, gắn với ứng dụng, phát triển KHCN trong các tổ chức kinh tế, xã hội; đội ngũ nhân viên, công nhân lành nghề, trình độ cao thực hiện các hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp, đơn vị (kể đến cả các chủ hộ nông dân ứng dụng công nghệ cao). Xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo đảm bảo sự đồng bộ các loại nhân lực trên bình diện quốc gia và đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, thậm chí từng đơn vị. Đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, phương thức, cơ chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo đối với từng loại nhân lực KHCN, đáp ứng với yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc.

Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh phù hợp đối với các loại nhân lực KHCN, nhất là đối với đội ngũ chất lượng cao, trình độ cao, các chuyên gia giỏi. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo môi trường hoạt động KHCN sáng tạo, dân chủ, gắn với trách nhiệm xã hội, với chế độ sử dụng nhân lực KHCN, phù hợp với tính chất của hoạt động sáng tạo và cống hiến thực tế của mỗi đơn vị, tập thể KHCN, mỗi cá nhân.

(9). Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế hội nhập quốc tế về KHCN. Xây dựng chiến lược, cơ chế, chinh sách phù hợp, hiệu quả về hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN, nhằm đẩy nhanh quá trình tiệm cận với các trình độ KHCN cao hơn, với phương thức tổ chức quản lý lĩnh vực KHCN tiên tiến của thế giới. Xây dựng và triển khai có hiệu quả các kế hoạch hợp tác KHCN tầm quốc gia với các nước có nền KHCN tiên tiến. Hình thành các trung tâm nghiên cứu KHCN trên cơ sở hợp tác dài hạn giữa các tổ chức KHCN của Việt Nam với nước ngoài. Trong cơ chế, chính sách thu hút đầu tư FDI cần phải bổ sung cơ chế, chính sách về chuyển giao công nghệ gắn với đào tạo nhân lực trình độ cao, chất lượng cao.

Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, tham gia vào các chương trình, dự án nghiên cứu, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ; hình thành các nhóm khởi nghiệp sáng tạo, các dự án vườn ươm khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn (có thể nói một cách hình ảnh là “có một không hai”, “bây giờ hoặc không bao giờ”) để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường, nếu xác định đúng và thực hiện có hiệu quả thể chế phát triển KHCN & ĐMST. Trong đó đặt nhân tố con người - nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao vào trung tâm của quá trình phát triển; tạo thành “tam giác vàng Con người - Thể chế - Công nghệ”, để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực nền tảng, quan trọng nhất của quá trình phát triển đất nước nhanh - bền vững trong giai đoạn mới.

PGS,TS Trần Quốc Toản 

Chuyên gia cao cấp

...