VNHN - "Gần 10 năm trở lại đây, chúng ta cần ghi nhận những nỗ lực, những cố gắng của nhiều đạo diễn, quay phim của một thế hệ làm phim mới".
Năm 2019 tiếp tục ghi nhận những bộ phim đại thắng ở phòng vé. Đáng chú ý là bộ phim “Hai Phượng” của đạo diễn Lê Văn Kiệt và nhà sản xuất, diễn viên Ngô Thanh Vân, thu về 200 tỷ đồng. Trong phim, Ngô Thanh Vân vào vai Hai Phượng - một người mẹ ở vùng quê nghèo trên hành trình theo đuổi bọn bắt cóc để cứu con gái. Các cảnh giao đấu võ thuật cận chiến trong phim với đủ loại vũ khí như gạch đá, dao, búa, mái chèo, ống bô xe máy, súng trường, xích sắt, côn nhị khúc… tạo được cảm giác chân thực, tạo hiệu quả thẩm mỹ cho người xem nhờ góc máy linh hoạt và phản xạ nhạy bén của diễn viên. Với những ai đam mê phim hành động, bộ phim này rất đáng để xem.
Bộ phim “Hai Phượng” không những được khán giả Việt Nam yêu thích mà còn được phát hành ở các thị trường lớn của thế giới như: Mỹ, Canada, Trung Quốc. Hơn thế, “Hai Phượng” còn được chọn là đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển giải thưởng Oscar lần thứ 92 dành cho “Phim truyện quốc tế”.
Ngoài ra, những bộ phim thu hút khán giả đến rạp thời gian qua có thể kể đến: Em chưa 18, Tháng năm rực rỡ, Cua lại vợ bầu, Tèo em, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô Ba Sài Gòn, Siêu sao siêu ngố, Để mai tính 2, Em là bà nội của anh… Điều đáng mừng là những bộ phim “ăn khách” ngày càng ít phim làm theo kiểu “mì ăn liền”, những nhà làm phim trẻ đã chú ý nhiều hơn đến tư tưởng tác phẩm và tính nghệ thuật của phim.
PGS.TS Trần Luân Kim cho rằng, phim điện ảnh phải phát triển theo xu hướng: trong phim thương mại có yếu tố nghệ thuật và trong phim nghệ thuật cũng vẫn cần yếu tố thương mại, tức là phải dung hòa cả yếu tố thương mại và nghệ thuật trong mỗi một bộ phim. Đồng tình với ý kiến này, nhà sản xuất phim Trần Thị Bích cho rằng, phim thương mại sẽ tuyệt vời hơn nếu có tính nghệ thuật và phim nghệ thuật hoàn thiện nhất khi có khán giả.
Trong một vài năm trở lại dây, các đạo diễn Việt Nam đã mạnh dạn đưa những đứa con tinh thần của mình tham gia các liên hoan phim quốc tế, và những giải thưởng họ đạt được không chỉ ghi nhận những cố gắng của bản thân họ mà còn làm cho thế giới biết đến điện ảnh Việt Nam. Mới đây vào ngày 12/10, bộ phim “Ròm” của đạo điễn Trần Thanh Huy đã đoạt giải thưởng cao nhất ở hạng mục New Currents, tương đương giải phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 24. Liên hoan năm nay có tổng số 299 bộ phim của 85 quốc gia tham dự.
Đây là bộ phim tâm huyết mà đạo diễn Trần Thanh Huy đã dành 7 năm trời cho nó. Bộ phim là câu chuyện rất đời về cuộc sống, số phận của những đứa trẻ đường phố, vô gia cư, chuyên đi bán kết quả xổ số mỗi chiều. Nhân vật chính mang ước mơ kiếm đủ tiền để đi tìm mẹ đẻ. Thông điệp mà ê kíp sản xuất phim muốn gửi tới người xem là: “Bạn hãy tin đi, bên trong mỗi con người là lòng nhân ái!”. Trước đó tác phẩm “Một khu đất tốt” của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân được vinh danh giải cao nhất hạng mục phim ngắn nước ngoài tại Liên hoan phim ngắn Quốc tế Vienna (Áo) lần thứ 15, diễn ra từ ngày 28/5 đến 2/6/2019.
Đạo diễn Leon Quang Lê lên nhận giải Bông sen vàng cho phim Song Lang.
Trong năm 2018, “Người Vợ Ba” (The Third Wife) của đạo diễn Nguyễn Phương Anh và nhà sản xuất Trần Bích Ngọc đã giành giải Phim châu Á xuất sắc nhất (Best Asia Film) do NETPAC tài trợ trong khuôn khổ LHP Toronto (Canada) diễn ra vào tháng 9/2018. Cũng trong tháng 9/2018, bộ phim “Đảo của dân ngụ cư” của nữ đạo diễn Hồng Ánh nhận được 2 giải thưởng gồm “Best story - Câu chuyện sáng tạo nhất” và nữ diễn viên Ngọc Thanh Tâm được vinh danh tại hạng mục “Giải đặc biệt của giám khảo” dành cho diễn viên xuất sắc tại LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 58 tổ chức ở Đài Loan (Trung Quốc).
Ngoài ra, một số phim Việt như: “Song Lang” - đạo diễn Leon Quang Lê, “Cô Ba Sài Gòn” - đạo diễn Kay Nguyễn và Ngô Thanh Vân, “Ở đây có nắng” của đạo diễn trẻ Đỗ Nam, “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng, “Nhắm mắt thấy mùa hè” của đạo diễn Cao Thúy Nhi... cũng đã ghi dấn ấn tại các liên hoan phim quốc tế. Nhà văn, nhà phê bình phim Tô Hoàng cho rằng, gần 10 năm trở lại đây, chúng ta cần ghi nhận những nỗ lực, những cố gắng của nhiều đạo diễn, quay phim của một thế hệ làm phim mới.
Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tháng 11 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) cũng ghi nhận, với đội ngũ sáng tác trẻ, đa dạng trong cách thể hiện, điện ảnh Việt Nam đang có những màu sắc mới, nhiều phim thương mại doanh thu cao bên cạnh một số phim được đánh giá tốt về tay nghề, kỹ thuật, kỹ xảo. Những tác phẩm điện ảnh của thế hệ sáng tác mới đã có những thành công được ghi nhận tại các liên hoan phim quốc tế.
Theo nhà phê bình phim Thiên Sơn, ngày càng có nhiều đạo diễn Việt kiều học cách làm điện ảnh ở những nước có nền điện ảnh phát triển như: Pháp, Mỹ, Nga… trở về nước sản xuất phim làm cho điện ảnh Việt Nam thay đổi về màu sắc thẩm mỹ, chủ đề, cách khai thác, kết cấu, tư duy nghệ thuật, giúp điện ảnh Việt phong phú hơn. Những năm gần đây Việt Nam tổ chức liên hoan phim quốc tế cũng là xu hướng tốt bởi đấy là cơ hội để những nhà làm phim việt học hỏi, cọ xát với những nước có nền điện ảnh phát triển. Ông Sơn cho rằng, các nhà làm phim Việt nên chủ động hơn trong việc đưa phim của mình tham dự các kỳ liên hoan phim quốc tế.
Nhà phê bình Thiên Sơn cho rằng, cần có giải pháp để vực dậy hãng phim nhà nước. “Những nhà làm phim tư nhân phải đặt vấn đề kinh doanh lên đầu, còn nếu muốn có nhiều bộ phim nghệ thuật, các nhà quản lý phải có giải pháp, có chính sách hỗ trợ các nhà làm phim. Với hãng phim Nhà nước, chúng ta có thể bổ sung nhân lực, có chính sách để họ hoạt động tốt, như thế mới hy vọng có những bộ phim đề cập những vấn đề của dân tộc, thời đại” - ông Thiên Sơn nêu ý kiến.
Đồng tình với ý kiến của ông Sơn, nhà văn, nhà phê bình phim Tô Hoàng cho rằng, với những đạo diễn tài năng nên có sự hỗ trợ để họ có đủ bản lĩnh và vốn nghề nghiệp tạo dựng được những bộ phim xuất sắc. Đất nước ta đã trải qua những cuộc đấu tranh anh dũng, quật cường để giành lại độc lập - tự do, nếu các nhà làm phim biết cách khai thác chất liệu từ hiện thực cuộc sống đó cũng đủ sức làm nên những bộ phim có tầm.