VNHNO - Trong nỗ lực hội nhập, Việt Nam đã và đang nỗ lực gắn phát triển của đội ngũ doanh nghiệp (DN) gần hơn với các chuẩn quốc tế bằng việc xây dựng nhiều bộ chỉ số. Tuy nhiên việc có một bộ chỉ tiêu có thể cung cấp một bức tranh toàn cảnh về phát triển DN vẫn là đòi hỏi bức thiết.
Ảnh minh họa
Trong bối cảnh đó lần đầu tiên Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN cả nước và địa phương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại Hà Nội ngày 13/10 đã phần nào đáp ứng được đòi hỏi này. Quan trọng hơn là nó mang tính chính thống.
Nhiều "chân dung" DN lần đầu tiên được biết đến
Có thể nói Bộ chỉ tiêu nói trên đã cung cấp nhiều số liệu không chỉ mang tính cập nhật mà nó còn hết sức "sốt dẻo" bởi lần đầu tiên nó đã minh định một cách chính xác tình hình phát triển của DN cả nước và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chẳng hạn như năm 2017, tổng doanh thu của khu vực DN đạt 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm doanh thu của các DN tăng 15,6%.
Đây cũng là "thế lực" đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực DN năm 2017 đạt 954,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2016. Hiện nay khu vực DN chiếm trên 60% trong GDP của toàn bộ nền kinh tế .
Một số liệu khác cũng rất đáng quan tâm là tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh (SXKD) của toàn bộ khu vực DN tại thời điểm 31/12/2017 đạt 33 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2010-2017, mỗi năm khu vực DN thu hút thêm 15,4% vốn cho SXKD.
Lâu nay, giới kinh tế có những phỏng đoán khác nhau về số lượng DN của cả nước. Bộ chỉ tiêu này đã cung cấp nhiều số liệu có thể nói là chính xác nhất từ trước tới nay.
Theo đó ở thời điểm 1/7, cả nước có 702.710 DN đang tồn tại thuộc diện quản lý thuế của Tổng cục Thuế, đây là những DN nằm trong danh sách quản lý của Tổng cục Thuế có mã số thuế, không tính những DN giải thể, DN ngừng hoạt động chờ giải thể, nhà thầu phụ, chi nhánh.
Trong số đó, có 674.759 DN tồn tại có báo cáo tài chính hoặc không có báo cáo tài chính nhưng Tổng cục Thống kê điều tra được; 27.951 DN có trong danh sách quản lý của thuế nhưng không có báo cáo tài chính và Tổng cục Thống kê không xác minh được.
Trong tổng số 674.759 DN có 560.417 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh hoặc có chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh; có 80.948 DN đang tồn tại nhưng không có kết quả sản xuất kinh doanh (doanh thu bằng không và không phát sinh chi phí sản xuất, chỉ có chi phí để duy trì DN, như: nộp thuế môn bài…); có 33.394 DN ngừng hoạt động chờ giải thể.
Phó Thủ tường Vương Đình Huệ
Các giải pháp phát triển DN thời gian tới
Đánh giá về mức độ phát triển DN, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về loại hình DN, trong giai đoạn 2010-2017, khu vực DN FDI phát triển nhanh về quy mô, tốc độ và hiệu quả tăng trưởng. Trong khi khu vực DN nhà nước giảm dần về quy mô và tốc độ phát triển đúng với chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại của Nhà nước.
Khu vực DN ngoài nhà nước phát triển nhanh về số lượng DN, thu hút nhiều lao động, đóng góp ngày càng tích cực cho ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế của các địa phương và cả nước, tuy nhiên năng suất và hiệu quả kinh doanh của khu vực này còn nhiều hạn chế.
Xét theo khu vực kinh tế thì công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đang là những khu vực phát triển nhanh và hiệu quả, tăng nhanh về số lượng DN, thu hút lao động, tạo ra lợi nhuận và đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước cũng như tăng trưởng kinh tế của các địa phương và cả nước.
Hầu hết các địa phương đều phát triển tốt DN trên địa bàn trong những năm qua. Dựa trên kết quả tính toán bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010-2017, những địa phương có tốc độ phát triển DN nhanh gồm: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hà Tĩnh, Thái Bình, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Giang, Thái Bình, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bắc Kạn, Phú Thọ, Quảng Bình, Hà Nội...
Rõ ràng là tiềm năng của khu vực DN cả trong nước và FDI còn rất lớn chứ không chỉ dừng lại con số 60% GDP. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 5 giải pháp cần thực hiện để hiện thực hóa điều này bao gồm thể chế, nâng cao sức cạnh tranh, tiếp cận tài chính tín dụng, thu hút FDI thế hệ mới và đào tạo nhân lực.
Liên quan đến thể chế, cần khẩn trương cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của DN và cơ sở kinh doanh cá thể; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN thành lập và phát triển, đồng thời cũng rà soát các thủ tục liên quan đến giải thể, phá sản DN bảo đảm nhanh và hiệu quả;
Đặc biệt với số lượng 5,1 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, thu hút 8,7 triệu lao động, Chính phủ cần có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở kinh doanh cá thể chuyển thành DN; tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các cơ sở cá thể kinh doanh ổn định, tuân thủ pháp luật và lâu dài.
Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực DN trong nước bằng thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó tập trung trước mắt vào đầu tư xây dựng hạ tầng góp phần giảm chi phí cho DN; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hình thành các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để chuyển giao công nghệ cho khu vực DN.
Mối quan tâm của Phó Thủ tướng về "sức khỏe" DN cả nước
Việc lần đầu tiên công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN cả nước và địa phương vào đúng Ngày Doanh nhân Việt Nam không phải là ngẫu nhiên. Việc xây dựng Bộ chỉ tiêu này chính là sáng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trên cương vị là Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN.
"Đây là lần đầu tiên công bố bộ chỉ tiêu này nên chắc chắn là nó chưa thể hoàn thiện và công việc này cần phải được tiến hàng năm", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Không dừng lại ở đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu trên cơ sở Bộ chỉ tiêu này cần xuất bản Sách trắng về phát triển DN ở Việt Nam và theo ông, cuốn sách trắng này cần được xuất bản ngay trong quý IV/2018.
Nó không chỉ chứa đựng các số liệu, biểu đồ mà quan trọng hơn là cần có được các phân tích, tổng kết của các chuyên gia để theo Phó Thủ tướng, "các cơ quan quản lý, hoạch định thấy được cần phải làm gì, các địa phương biết được mình đang ở đâu trên bản đồ phát triển".
Nhiều chia sẻ có thể nói là "gan ruột" đã được đích thân Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra tại buổi giới thiệu Bộ chỉ tiêu này. Theo ông, nhiều nước trên thế giới hiện cũng không có được một bộ chỉ tiêu như thế này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 là một mục tiêu "đầy thách thức" nhưng không phải không thực hiện được. "Việc Chính phủ nỗ lực để cho ra đời được Bộ chỉ tiêu này chính là một nỗ lực để cụ thể hóa mục tiêu đó", Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Ông cũng khẳng định, Chính phủ sẽ liên tục có các giải pháp hỗ trợ DN phát triển. Tuy nhiên "là phải trên một sân chơi bình đằng. Và hỗ trợ chỉ hướng tới anh nào có khả năng trụ được với thị trường".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, Chính phủ tới đây sẽ đặc biệt quan tâm tới việc rút ngắn khoảng cách giữa văn bản pháp luật và thực tế cuộc sống theo hướng cải thiện thực chất hơn môi trường kinh doanh.
Trước đại diện các cơ quan báo chí có mặt tại buổi ra mắt lần đầu tiên của Bộ chỉ tiêu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị báo chí cả nước dựa trên những yếu tố tích cực của Bộ chỉ tiêu để tuyên truyền và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trên cả nước và cổ vũ động viên các DN trong cả nước. "Nếu lúc nào cũng chỉ nhìn nhận theo kiểu DN nội địa đang teo tóp thì rất đáng suy nghĩ", Phó Thủ tướng nói./.