VNHNO - Theo Nguyên chủ tịch VCCI, môi trường kinh doanh vẫn cải cách khá chậm so với những nỗ lực và mong muốn của Chính phủ.
Bà Phạm Chi Lan - Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ sự lo ngại khi đánh giá sức khỏe doanh nghiệp ba quý đầu năm 2018 tại họp báo công bố kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) ngày 10/10.
Bà Phạm Chi Lan - nguyên Chủ tịch VCCI
Lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 48% so với cùng kỳ 2017, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập chỉ tăng 2%. Nguyên nhân theo bà Lan, môi trường kinh doanh chưa cải thiện như mong muốn của doanh nghiệp. Chính phủ và Thủ tướng tốn nhiều công sức, nhiều năm để nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh nhưng sự đổi mới vẫn khá chậm.
Chi phí, thời gian và công sức của doanh nghiệp nội địa Việt Nam bỏ ra để kinh doanh bị lãng phí và mất mát quá nhiều và đây trở thành rủi ro, lực cản cho doanh nghiệp.
Nguyên Chủ tịch VCCI dẫn chứng những lần tiếp xúc gần đây với chủ các doanh nghiệp, họ đều bày tỏ sự lo lắng khi môi trường kinh doanh thực tế chưa cải thiện được nhiều. Ngay thủ tục hành chính một cửa, để đi tới cửa cuối cùng vẫn phải qua nhiều cửa ngách.
"Nếu không gõ các cửa nhỏ thì thủ tục vẫn nằm im tại chỗ, không tới được cửa cuối cùng. Trong khi chúng ta cứ nói đến việc tạo ra những công cụ mới, cải cách mới thì những cái cũ, tệ hại hơn chưa được gõ bỏ. Doanh nghiệp Việt đang rất lo về tương lai của họ", bà nói.
Là một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn song Việt Nam chủ yếu gia công, dùng công nhân. Trong khi đó, nhiều nước sản xuất dệt may đã sử dụng máy móc, robot thay thế các công việc đơn giản như cắt, may.
Vị chuyên gia này cho rằng, là nước xuất khẩu, hướng ngoại song chúng ta không nên quá vui và quá lạc quan về gia tăng kim ngạch xuất khẩu bởi giá trị gia tăng trong xuất khẩu chủ yếu thuộc về doanh nghiệp 100% nước ngoài.
Để cạnh tranh được với các đối thủ, bà Chi Lan nhấn mạnh, ngoài vốn, kỹ thuật công nghệ, doanh nghiệp Việt cần cải thiện kỹ năng và lao động để tạo nên động lực cho mình.
"Hiện doanh nghiệp rất lo về hội nhập dù nó giúp chúng ta thành công với nhiều Hiệp định thương mại tự do song và đa phương (FTA) nhưng khi cải cách trong nước chậm hơn thì sự khập khiễng này không tạo ra cơ hội mà còn đẩy nền kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức", bà lưu ý.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới./.