19/01/2025 lúc 02:10 (GMT+7)
Breaking News

Miệt mài gìn giữ và phát triển nghề truyền thống

VNHN-Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, anh Bùi Tiến Anh, thôn Xâm Dương 3, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP Hà Nội sớm có tình yêu với nghề mây tre đan. Bằng sự say mê ấy, anh đã gây dựng nên cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mang thương hiệu quê hương; đồng thời có nhiều đóng góp tích cực trong sự phát triển chung cho mảnh đất Thường Tín trù phú, nghĩa tình.

VNHN-Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, anh Bùi Tiến Anh, thôn Xâm Dương 3, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP Hà Nội sớm có tình yêu với nghề mây tre đan. Bằng sự say mê ấy, anh đã gây dựng nên cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mang thương hiệu quê hương; đồng thời có nhiều đóng góp tích cực trong sự phát triển chung cho mảnh đất Thường Tín trù phú, nghĩa tình.

Gìn giữ và phát triển nghề truyền thống

Vốn sinh ra trong gia đình nhiều đời làm nghề sản xuất mây, tre đan thủ công, Bùi Tiến Anh đã sớm có tình yêu với nghề. Ngày ngày được tiếp xúc với mây, tre, nứa, tình yêu ấy cứ lớn dần lên trong anh theo những lần được cha mẹ dạy cách đan nong mốt, nong đôi. Để rồi từ đó, anh thành thạo các kỹ thuật đan phức tạp và tự sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, mới lạ.

Lớn lên, khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa, Tiến Anh lại tiếp tục gắn bó với nghề như một mối lương duyên không thể rời bỏ. Bằng sự nhanh nhẹn và nhạy bén của mình, anh được các chủ xưởng tin tưởng giao đi thu mua các mặt hàng mây, tre đan từ khắp nơi về.

Chính từ những chuyến buôn hàng vất vả ấy, chàng thanh niên Bùi Tiến Anh càng trở nên gắn bó hơn với nghề. Sự khéo léo trong cách chọn lựa sản phẩm từ con mắt tinh tế của một người làm nghề lâu năm cùng tài buôn bán đã giúp anh có được nhiều kinh nghiệm trong việc duy trì và phát triển nghề sau này của mình.

Năm 2003, sau rất nhiều năm làm thuê cho các chủ xưởng, anh quyết định tự mở xưởng sản xuất của riêng mình bằng những kinh nghiệm tích lũy được. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, anh vừa duy trì những kĩ thuật truyền thống vốn có của địa phương, vừa tích cực học hỏi các mô hình sản xuất, kinh doanh của tỉnh bạn để tạo ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

Nhờ đó, những sản phẩm do xưởng sản xuất của anh làm ra như: Lẵng hoa, treo đèn, giỏ quà... luôn là những mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ở thời điểm cực thịnh nhất, những mặt hàng do xưởng sản xuất của anh làm chủ đã có mặt trên kệ hàng của các siêu thị lớn như BigC, Metro, Ocean... với doanh thu vài tỷ một năm.

Cùng với đó, các sản phẩm thủ công được làm ra từ bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề Thường Tín cũng được thị trường Nga, Đan Mạch, Ba Lan,

Đài Loan ưa chuộng. Lúc cao điểm nhất, xưởng của anh nhập cho thị trường Ba Lan 2 công-te-nơ mỗi tháng với hàng triệu sản phẩm tiện dụng, bắt mắt, đem lại doanh thu khá cao.

Tuy thành công và trở thành người có vị trí nhất định trong xã hội nhưng ông chủ Bùi Tiến Anh vẫn sống rất khiêm nhường, giản dị. Trưa nắng, khi công nhân về hết, anh vẫn tự tay phơi những giỏ hàng để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của khách hàng.

Có lần, một siêu thị ở Vĩnh Phúc đặt hàng với số lượng ít, anh không nề hà gì, chất hàng lên xe máy rồi chở tận nơi, giao hàng cho khách. Khi thanh toán, nhân viên siêu thị mới biết, anh là giám đốc – vị giám đốc chân chất, mộc mạc như chính những sản phẩm thủ công được nhiều người yêu thích của anh.

Sống tốt đời, đẹp đạo

Trước sự phát triển đô thị hóa nhanh chóng, các làng nghề thủ công phải đối mặt với không ít khó khăn, không còn nhiều người thực sự mằn mà, thì anh Bùi Tiến Anh vẫn quyết tâm bám trụ và nỗ lực giữ lại hồn cốt nghề mây tre đan truyền thống.

Anh đã thuê những người dân cao tuổi trong làng còn sức lao động để cải thiện cuộc sống của họ lúc nông nhàn. Với trung bình 100 ngàn đồng/ngày, nhiều bà con không còn đủ sức khỏe làm ruộng đã có thể sống được bằng nghề truyền thống.

Cùng với đó, anh đã tổ chức 3 đợt đào tạo nghề cho những người trong xã có nhu cầu theo học. Đồng thời, giúp đỡ 300 lao động, trong đó có 50 hộ khó khăn của địa phương về vốn, vật tư, kỹ thuật cũng như nhận tiêu thụ mặt hàng của hội viên đã làm. Riêng năm 2017, anh đã tổ chức hướng dẫn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm hàng tre đan cho hơn 100 hội viên của địa phương và hội viên các xã bạn liền kề học tập phương pháp làm hàng tre đan.

Đặc biệt, là một người công giáo mang tấm lòng lương thiện, sống phúc âm trong lòng dân tộc, anh đã cùng với mọi người trong giáo họ giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong làng, xã khám, chữa bệnh miễn phí trong thời gian dài, kể cả những người không cùng đạo.

Bên cạnh đó, anh đã vận động anh em trong gia đình, họ hàng chung tay xây dựng lại nhà thờ giáo họ. Hiện nay, với sự vận động của anh, đã có hàng vạn gạch, hàng chục bộ cửa và nhiều ngày công được quyên góp để công trình nhà thờ được xây dựng ngày một to đẹp, khang trang hơn.

Với những đóng góp đó, năm 2017, anh đã được UBND huyện Thường Tín khen thưởng có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước. Mới đây, anh được TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019.

Đây là sự khích lệ và là nguồn động viên lớn lao để anh tiếp tục say mê với nghề làm mây, tre đan, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động nghèo và sống có tình nghĩa trong cộng đồng, xã hội.