VNHN - Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở tuân thủ 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Ảnh minh họa
Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Đối với nhóm chính sách cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng theo hướng rút gọn nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, giảm thời gian thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý dự án theo hướng khắc phục bất cập trong thực tế vận hành của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực.
Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng theo hướng rà soát các đối tượng được miễn phép xây dựng, đơn giản hóa thủ tục cấp phép và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về công trình khẩn cấp theo hướng làm rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục khi áp dụng công trình khẩn cấp để đáp ứng yêu cầu thực tế; sửa đổi, bổ sung quy định quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng theo hướng quy định về việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hệ thống định mức xây dựng và quy định việc áp dụng phù hợp với từng loại nguồn vốn;
Sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại, phân cấp công trình, phân loại dự án theo hướng sắp xếp lại cho khoa học, thuận tiện trong quản lý và dễ áp dụng.
Sửa đổi, bổ sung quy định về các cấp độ quy hoạch tại theo hướng bổ sung các trường hợp được lập quy hoạch phân khu của khu chức năng không cần lập quy hoạch chung khu chức năng, trường hợp được lập quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung để giảm thủ tục hành chính song vẫn đảm bảo tính thống nhất của các đồ án quy hoạch theo cấp độ…
Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh…
Để sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014, Bộ Xây dựng cũng nghiên cứu, tập trung vào việc bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng.
Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo hướng bãi bỏ yêu cầu cá nhân tham gia quản lý, cá nhân hành nghề độc lập an toàn lao động, cá nhân tham gia quản lý dự án, kiểm định xây dựng, định giá xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề; bãi bỏ yêu cầu đăng ký thông tin hoạt động xây dựng và thay bằng quy định cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ có trách nhiệm đăng tải thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.
Đối với quy định về giấy phép xây dựng, tại Dự thảo Luật đã rà soát các đối tượng được miễn phép xây dựng, quy trình cấp giấy phép xây dựng, thời gian cấp phép xây dựng để phù hợp với mục tiêu chính sách đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, các công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn giấy phép xây dựng, các công trình có yêu cầu thẩm định được tích hợp các nội dung xem xét ở bước cấp phép xây dựng.
Như vậy, về tổng thể theo quy định sửa đổi, tất cả các công trình thuộc các nguồn vốn đều chỉ phải thực hiện 02 thủ tục tại cơ quan chuyên môn về xây dựng/cơ quan cấp phép: Thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, trường hợp này được miễn phép xây dựng hoặc thẩm định dự án, cấp phép xây dựng, thay vì phải thực hiện tuần tự cả 3 thủ tục thẩm định dự án, thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng như trước đây.
Bên cạnh đó, điều kiện, hồ sơ thủ tục xin cấp phép xây dựng cũng được rà soát đảm bảo đơn giản, gọn nhẹ, thời gian cấp phép xây dựng đã được đề xuất giảm từ 30 ngày còn 20 ngày.
Hoàn thiện chính sách pháp luật đồng bộ
Luật Xây dựng điều chỉnh các hoạt động liên quan đến đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng, giai đoạn thực hiện dự án đến giai đoạn hoàn thành đưa vào vận hành khai thác, do đó có liên quan đến pháp luật về quy hoạch, đầu tư, và pháp luật chuyên ngành về đất đai, phòng cháy chữa cháy, môi trường, an toàn lao động… Cụ thể, Luật Xây dựng có liên quan đến khoảng 18 Luật hiện hành, liên quan đến 3 dự án Luật đang được nghiên cứu trình Quốc hội.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng coi việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan là một trong những chính sách quan trọng trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014.
Cơ quan soạn thảo đã chủ động rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Xây dựng 2014 để đồng bộ với pháp luật liên quan: Sửa đổi, bổ sung phân loại dự án theo nguồn vốn để phù hợp với Luật Đầu tư công và các pháp luật có liên quan; Sửa đổi, bổ sung về đối tượng có yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phù hợp với Luật Đầu tư công 2019 và Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (đang được nghiên cứu sửa đổi);
Sửa đổi, bổ sung về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng theo hướng dẫn chiếu đến các pháp luật có liên quan: Luật Đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (đang soạn thảo), Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm định dự án, thẩm định thiết kế phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Sửa đổi, bổ sung quy định về cấp phép xây dựng phù hợp với pháp luật về quảng cáo; Sửa đổi, bổ sung quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng phù hợp với Luật An toàn, vệ sinh lao động…
Bên cạnh đó, đối với các dự án Luật đang dự thảo trình Quốc hội xem xét, Bộ Xây dựng đã rà soát và có văn bản trao đổi với các Bộ đang chủ trì soạn thảo các dự án Luật về các nội dung có liên quan đến pháp luật về xây dựng (về khái niệm nhà đầu tư/chủ đầu tư đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư; quy định về thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án có cấu phần xây dựng của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; quy định về phân cấp công trình của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai), đề nghị điều chỉnh tại các dự thảo Luật để tránh chồng chéo trong thực hiện và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.