24/04/2024 lúc 10:25 (GMT+7)
Breaking News

Lù A Dờ - Người đưa bản Mông Khe Táu đi qua vùng tối

Yên Bái nhìn về phía sau, bản Mông Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên đã bước qua vùng tối, con đường trước mắt là một khoảng sáng thênh thang. Giờ đây, bản Mông Khe Táu không còn hộ đói, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, các hủ tục lạc hậu như việc cưới, việc tang đã được xóa bỏ hoàn toàn, đồng bào Mông không chỉ biết canh tác lúa nước mà còn thâm canh 2 vụ, đặc biệt là đang biết tận dụng, khai thác tiềm năng từ ruộng bậc thang để làm du lịch…

Tất cả sự đổi thay, bứt phá trong cuộc sống của đồng bào Mông Khe Táu hôm nay đều là tâm huyết, nỗ lực không mệt mỏi của Bí thư Chi bộ Lù A Dờ - người dẫn đường đưa bản Mông đi qua vùng tối, đưa nếp sống văn minh, sự phát triển về với bản làng.

Bí thư chi bộ Lù A Dờ kiểm tra đồng ruộng.

Mạnh dạn chuyển đổi canh tác

Năm 2012, khi mới 27 tuổi, Lù A Dờ được Đảng ủy xã tín nhiệm, chỉ định làm Bí thư Chi bộ thôn, rồi kiêm nhiệm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã. Bí thư Chi bộ trẻ tuổi đã luôn cố gắng và làm được những điều mà lâu nay người Mông chưa làm được. Đó là vận động đồng bào tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, không du canh du cư. Suy nghĩ tìm cách ổn định cuộc sống cho đồng bào, không muốn họ cứ tiếp tục phải du canh du cư, việc đầu tiên Bí thư Dờ kiến nghị với cấp ủy, chính quyền xã là cho phép các hộ dân được khai hoang ruộng nước, mở đường để thuận lợi đi lại. Khai hoang ruộng nước cũng là cả một câu chuyện dài và khó. Khó là bởi người Mông vẫn chỉ quen với việc phát rừng làm nương rẫy chứ đã biết cấy lúa nước là thế nào. Mấy tháng trời vận động rồi nhờ cán bộ xã giúp đỡ, đem lúa giống đến dạy cách ngâm ủ, gieo mạ, cấy lúa song đồng bào cũng chỉ "nghe cho vui" mà không làm nên Bí thư Dờ cùng cán bộ huyện, xã phải tự làm lấy. Anh Lù A Dờ - Bí thư chi bộ thôn Khe Táu xã Phong Dụ Thượng tâm sự: “Lúc đầu đồng bào không tin, không làm, nhưng tôi vẫn kiên trì làm. Sau 3 tháng trồng cây lúa xuống nước cũng có bông, có hạt.”

Đồng bào vùng cao Khe Táu (Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên) thu hoạch lúa.

Cái lý của đồng bào là cây lúa trồng xuống nước thì không thể có thóc mà ăn. Nhiều hộ dân đã nhổ bỏ, không trồng lúa nước. Kiên trì, nhẫn nại, bỏ qua mọi lời bàn tán, một mặt Bí thư Dờ tích cực tuyên truyền, vận động để bà con thấy hiệu quả cây lúa nước mang lại, mặt khác cần mẫn canh tác theo đúng hướng dẫn và quyết tâm làm bằng được. Anh Lù A Dờ - Bí thư chi bộ thôn Khe Táu xã Phong Dụ Thượng nói thêm: “Thấy cây lúa sống tốt trong nước, bông to, hạt chắc nên đồng bào trong thôn đã bắt đầu làm theo. Làm quen với canh tác lúa nước.”

Sau hơn ba tháng, cây lúa nước cho thu hoạch. Bà con tận mắt thấy cây lúa trồng xuống nước có bông có hạt, lại còn cho năng suất cao hơn cả lúa nương. Thế là từ mấy trăm mét ruộng lúa nước đầu tiên của Bí thư Dờ, đồng bào đã nghe anh bắt đầu khai hoang, dẫn nước về cấy lúa. Chị Thào Thị Bâu - thôn Khe Táu xã Phong Dụ Thượng vui vẻ nói: “Trước đây chỉ trồng lía nương thôi, thiếu ăn lắm. Nhìn thấy bí thư Dờ làm lúa nước, lúc đầu cũng không tin, không làm, nhưng thấy lúa sống dưới nước vẫn có bông, có hạt nên đã làm theo.”

Niềm vui được mùa lúa của đồng bào Mông.

Từ vài trăm mét vuông ruộng nước ngày đó, nay cả thôn đã có 26 ha lúa nước, trong đó có hơn 20 ha lúa nước 2 vụ. Ngoài cây lúa, thôn hiện có 36 ha ngô. Chuyện thiếu ăn đã qua đi, người Mông Khe Táu đã no đủ, được mùa thì lúa thóc còn dư dả để chăn nuôi lại còn có thóc bán lấy tiền mua ti vi, xe máy. Chưa giàu nhưng so với cuộc sống khi xưa thì có thể nói là một "cuộc cách mạng lớn” về nhận thức, tư duy để đổi thay cuộc sống của đồng bào Mông nơi này. Anh Tráng A Giàng - thôn Khe Táu xã Phong Dụ Thượng cho hay: “Thấy hiệu quả của cây lúa nước, dân bản mình đã khai hoang thành những ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Giờ dân bản mình không chỉ biết canh tác lúa nước mà còn biết canh tác 2 vụ. Vụ nào nào lúa cũng đầy nhà, không còn thiếu ăn nữa. Cong có thóc nuôi gà, lợn, rồi bán đi mua ti vi, xe máy, cho con đi học.”

Xóa bỏ hoàn toàn những hủ tục lạc hậu

Tự thấy rằng nhiều hủ tục lạc hậu đã làm cho chính cuộc sống của đồng bào trở nên khó khăn hơn. Thách cưới là một hủ tục lâu đời, là thách thức lớn khiến Bí thư Dờ phải nhiều đêm trăn trở. Thực tế, tiền thách cưới mỗi đám từ 20 - 30 triệu đồng, rồi còn phải có trâu, lợn, gà, rượu, bạc trắng, tính ra một lễ cưới tốn cả 60 - 70 triệu đồng, trong khi có nhà phải lo ăn từng bữa, lấy đâu tiền để lo việc cả đời cho con khi đến tuổi dựng vợ gả chồng. Thấy rõ những tác hại và hệ lụy mang lại, tại các buổi sinh hoạt chi bộ, Bí thư Lù A Dờ đưa ra yêu cầu các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, đến tận từng nhà tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nhận thức. Anh Lù A Dờ - Bí thư chi bộ thôn Khe Táu xã Phong Dụ Thượng cho biết: “Tôi đã kê ra danh sách, đến từng nhà xem cụ thể nhà nào có con đến tuổi lấy vợ lấy chồng, nhà nào có người già yếu để có kế hoạch vận động bỏ hủ tục thách cưới, bỏ hủ tục tang ma.”

Bí thư chi bộ thôn Khe Táu vận động người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu.

Mưa dầm thấm đất", nhờ nỗ lực của Bí thư Dờ, đến nay ở Khe Táu, đồng bào Mông không còn thách cưới, không còn hủ tục trong tang ma, không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Anh Lù A Tráng - thôn Khe Táu xã Phong Dụ Thượng nói: “Nhà tôi cũng có con đến tuổi gả chống, nhưng tôi không thách cưới nữa, vì thách cưới sẽ khổ con nình, khổ người thân mà gia đình mình lại bị nợ. ”

Khi đã xóa bỏ được hủ tục lạc hậu, nhưng để xóa bỏ hoàn toàn trong đời sống của đồng bào Bí thư Dờ cũng đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền xã Phong Dụ Thượng thành lập và ra mắt "Nhóm người Mông tự quản” nhằm xây dựng mối đoàn kết, sự tham gia tích cực của cộng đồng người Mông trong việc tuyên truyền, vận động các gia đình xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới. Hiện 100% hộ dân đều tham gia "Nhóm người Mông tự quản”, đồng bào có thêm hiểu biết, nhận thức để cảnh giác, phòng ngừa đấu tranh tố giác tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, xây dựng mối quan hệ gắn bó trong cộng đồng. Anh Lù A Tráng - thôn Khe Táu xã Phong Dụ Thượng chia sẻ: “Nghe theo bí thư Dờ, dân bản chúng tôi không thách cưới, không để người chết trong nhà quá 24h, chôn cất cẩn thận, cùng nhau xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn an ninh thôn bản.”

Phát triển du lịch sinh thái

Ngắm nhìn những ngọn núi "cõng” trên mình những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ nhờ bàn tay lao động của người Mông Khe Táu tạo nên, mong muốn phát huy tiềm năng, thế mạnh ấy để phát triển du lịch cộng đồng, nhất là phát triển du lịch ruộng bậc thang, Bí thư Dờ tích cực phối hợp cùng chính quyền khảo sát nhiều mô hình du lịch cộng đồng tại thôn, trong đó có quần thể ruộng bậc thang để thu hút du khách. Anh Lù A Dờ - Bí thư chi bộ thôn Khe Táu xã Phong Dụ Thượng tâm sự: Tôi đã cùng tập thể cấp ủy chi bộ, ban công tác Mặt trận cơ sở tích cực tuyên truyền vận động các hộ dân trong thôn về chủ trương, đề án xây dựng điểm du lịch sinh thái cộng đồng ruộng bậc thang Khe Táu gắn với các điểm du lịch sinh thái cộng đồng của xã Phong Dụ Thượng. Bên cạnh đó, thường xuyên thông tin từng hạng mục một cách công khai, minh bạch, cụ thể để người dân nắm bắt và hiểu rõ”.

Mùa vàng của đồng bào Mông Khe Táu.

Đến nay, đồng bào Mông Khe Táu đã khai hoang và canh tác gần 30 ha ruộng bậc thang, dự tính sẽ tiếp tục khai khai hoang với diện tích quần thể ruộng bậc thang khoảng 50 ha, đồng thời tích cực tham gia bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức, tài sản, sửa chữa, mở rộng hệ thống đường giao thông, khai hoang thêm diện tích ruộng bậc thang, vệ sinh môi chỉnh trang nhà ở, trồng thêm các loại cây ăn quả phù hợp với khí hậu, đồng thời xây dựng cảnh quan thiên nhiên và cuộc sống xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc. Anh Lù A Dống - thôn Khe Táu xã Phong Dụ Thượng phấn khởi nói: Tin tưởng A Dờ, nhìn thấy được tương lai tươi sáng của Khe Táu khi phát triển du lịch, tôi đã tự nguyện hiến đất ruộng, cây quế và đóng góp nhiều ngày công lao động tham gia mở mới và mở rộng đường giao thông lên quần thể ruộng bậc thang tạo điều kiện để phát triển du lịch”.

Bản Mông Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên đã bước qua vùng tối, con đường trước mắt là một khoảng sáng thênh thang. Giờ đây, bản Mông Khe Táu không còn hộ đói, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang đã được xóa bỏ hoàn toàn, đồng bào Mông không chỉ biết canh tác lúa nước mà còn thâm canh 2 vụ, đặc biệt là đang biết tận dụng, khai thác tiềm năng từ ruộng bậc thang để làm du lịch.Cuộc sống mới ở bản Mông Khe Táu tiếp nối những mùa vàng no ấm của quần thể ruộng bậc thang được tạo nên bởi tinh thần đoàn kết, nỗ lực không ngừng của chính đồng bào Khe Táu và có người luôn tiên phong dẫn đường, chỉ lối: Bí thư Chi bộ Lù A Dờ. Đồng chí Lò Thị Lân – Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng đánh giá: “Đồng chí Lù A Dờ là Bí thư trẻ, năng động, đặc biệt là người rất có uy tín vận động đồng bào dân tộc Mông trong xã xóa bỏ được những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống của Nhân dân.Đặc biệt là định hướng để đồng bào phát triển du lịch ruộng bậc thang.”.

Bí thư Lù A Dờ kiểm tra lúa cuối vụ.

Từ những đồi núi bạc màu, chỉ toàn cây gai cỏ dại, nhưng với sự dẫn lối chỉ đường của Cấp ủy chính quyền địa phương, của người Bí thư chi bộ trẻ, năng động sáng tạo, luôn noi gương Bác để làm và bằng bàn tay khối óc, sự chịu thương chịu khó của đồng bào H Mông Khe Táu, giờ đây những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ với một mùa vàng ấm no đã hiện hữu trên Bản người Mông.Và trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn mời gọi du khách tới tham quan, khám phá và trải nghiệm. Những mùa vàng bội thu và sự no ấm sẽ tiếp nối nhau trên bản làng của người Mông Khe Táu./.

Đoàn Tuấn - Thu Nhài