Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Thủ tướng hy vọng và tin tưởng Long An sẽ phát triển nhanh, bền vững
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc; ghi nhận, biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH thời gian qua, đã góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.
Thủ tướng nêu rõ, Long An đã làm tốt công tác phòng chống dịch để phục hồi và phát triển kinh tế, với khí thế, động lực phát triển mới sau đại dịch, nhất là với thành công của hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư diễn ra cùng ngày. Thủ tướng biểu dương tỉnh đang nỗ lực làm tốt 3 đột phá chiến lược, nhất là về hạ tầng chiến lược với nhiều dự án kết nối với vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL, trong đó có tuyến đường vành đai 3 TPHCM kết nối cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận và cao tốc Bến Lức – Long Thành. Long An có cơ hội phát triển mới khi có thể bổ sung và hỗ trợ cho TPHCM, Đông Nam Bộ đang chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong giai đoạn mới.
Phân tích thêm về tiềm năng, lợi thế, cơ hội của Long An, Thủ tướng nhấn mạnh, Long An có vị trí chiến lược quan trọng, là vùng đất địa linh, nhân kiệt, thời kỳ nào người Long An cũng có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước; có truyền thống lịch sử hào hùng; đoàn kết, thống nhất và có nhiều đổi mới; là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều vùng văn hóa; là trung tâm kết nối giữa miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ, giữa hành lang kinh tế từ Bắc vào Nam, hành lang kinh tế Đông – Tây và vành đai kinh tế ven biển; có thêm nhiều kinh nghiệm và tiềm lực sau hơn 35 năm đổi mới.
Bên cạnh những thành tựu, kết quả rất cơ bản, Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn thấp so với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu đặt ra. Tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn trong thu hút các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao. Lĩnh vực công nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Việc giải quyết vấn đề nhà ở công nhân, người thu nhập thấp... cần cố gắng hơn. Việc triển khai một số công trình, dự án còn chậm tiến độ; chưa khai thác hết lợi thế về vận tải, logistics…
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, dù tình hình thế giới thời gian tới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ở trong nước khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, song cơ hội và thuận lợi của Long An nhiều hơn là khó khăn và thách thức.
Về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng cho rằng, Long An phải tiếp tục nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, cố gắng nhiều hơn nữa, làm việc có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, nhận diện rõ thời cơ và thuận lợi, đổi mới nhận thức, tư duy, phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong phát triển KTXH, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, tranh thủ được các nguồn lực bên trong và bên ngoài.
Thủ tướng yêu cầu quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả; giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó. Tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh; khắc phục bằng được những hạn chế, tồn tại; hành động quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn. Phát huy truyền thống Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" trong thời bình để huy động toàn dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ. Làm tốt công tác phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong khu vực.
Về định hướng phát triển của Long An, Thủ tướng nêu rõ các trụ cột: (i) Nông nghiệp sinh thái là trọng tâm; (ii) Công nghiệp xanh, công nghệ cao, chế biến chế tạo, năng lượng là đột phá; (iii) Dịch vụ - logistics hiện đại là bệ đỡ, đưa Long An trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực; đẩy mạnh thương mại điện tử; (iv) Thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao; (v) Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội, đô thị đồng bộ, hiện đại.
Cùng với đó, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; kết nối hiệu quả với trung tâm kinh tế TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, kết nối với ASEAN qua khai thác tốt lợi thế đầu mối kết nối với Campuchia. Phát huy nguồn lực về con người, truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, chú trọng hạ tầng văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng cơ bản thống nhất với các báo cáo và các ý kiến tại cuộc họp, đồng thời đề nghị tỉnh chú trọng một số trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); trong đó chú trọng khai thác tốt thị trường nội địa trên địa bàn và thị trường quốc tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển KTXH.
Thứ ba, triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Tổ chức không gian phát triển theo mô hình "Một trung tâm - Hai hành lang kinh tế - Ba vùng kinh tế xã hội - Sáu trục động lực". Chủ động, tích cực tham gia hoạt động liên kết vùng ĐBSCL, với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ.
Thứ tư, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh hình thức PPP; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả. Phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiệu quả.
Thứ năm, quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống. Coi trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án riêng để làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển, đón đầu các xu thế chuyển đổi của nền kinh tế, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh kinh tế tư nhân.
Cùng với đó, chú trọng xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; phòng chống hiệu quả các loại tội phạm; tăng cường công tác đối ngoại để góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia.
Thủ tướng lưu ý, cần lựa chọn các công việc trọng tâm, trọng điểm để bố trí nguồn lực ưu tiên phù hợp; phối hợp đồng bộ chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương và các cơ quan Trung ương.
Cũng tại cuộc làm việc, tỉnh Long An kiến nghị thành lập Khu kinh tế Long An; bố trí vốn thực hiện các dự án giao thông kết nối giữa vùng ĐBSCL và TPHCM, vùng Đông Nam Bộ, đi các tỉnh Tây Nguyên; hỗ trợ vốn đầu tư các dự án phòng chống sạt lở trên địa bàn tỉnh...
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng cơ bản đồng tình với các đề xuất kiến nghị. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan và tỉnh Long An hoàn thành các thủ tục sớm nhất có thể trong việc hình thành Khu kinh tế Long An.
Về tiếp tục thực hiện các dự án giao thông kết nối giữa vùng ĐBSCL và TPHCM, vùng Đông Nam Bộ, đi các tỉnh Tây Nguyên, Thủ tướng đề nghị tỉnh Long An, Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất dự án, phương án thu xếp nguồn vốn, trên tinh thần là Trung ương và địa phương cùng làm, tỉnh Long An nỗ lực tăng thu, tiết kiệm chi để có nguồn lực triển khai, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Với các dự án phòng chống sạt lở trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng yêu cầu tỉnh lập dự án cụ thể để bố trí nguồn lực phù hợp.
Thủ tướng hy vọng và tin tưởng Long An sẽ thành công trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thực hiện Quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt, phát triển nhanh, bền vững, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh về phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An thể hiện quyết tâm cao, tư duy đột phá, năng động sáng tạo, xác định rõ mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu vùng ĐBSCL và phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, định hướng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững. Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Long An đạt mức khá cao, GRDP năm 2022 tăng 8,46% (xếp thứ 6/13 trong vùng ĐBSCL, 39/63 cả nước), trong 6 tháng năm 2023 ước tăng 3,43%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (trong 6 tháng 2023, khu vực nông nghiệp chiếm 16,41%; công nghiệp, xây dựng 50,92%; dịch vụ 27,13% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp 5,54%). Quy mô kinh tế năm 2022 xếp thứ 1/13 địa phương trong Vùng và 12/63 cả nước; GRDP bình quân đạt 90,2 triệu đồng/người. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tăng trưởng tốt. Sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 9,32%, 6 tháng năm 2023 tăng 3,38%. Nông nghiệp tăng trưởng cao theo hướng chất lượng, hiệu quả (bình quân 2021-2022 đạt 2,46%/năm, 6 tháng năm 2023 đạt 3,71%). Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, hình thành liên kết tiêu thụ, phân phối (tăng 8,19%/năm). Thu ngân sách nhà nước tăng trưởng khá; hệ thống tín dụng ngân hàng cơ bản đáp ứng yêu cầu; nợ xấu thấp (0,69% dư nợ). Công tác quy hoạch được chú trọng (tỉnh đã được phê duyệt Quy hoạch). Các dự án giao thông trọng điểm được đẩy mạnh; giải ngân vốn đầu tư công đạt cao (6 tháng năm 2023 đạt 46,69%, xếp thứ 3/63 cả nước). Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh (năm 2022 chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 10/63, cải cách hành chính xếp thứ 8/63); chuyển đổi số xếp thứ 11/63). Tăng cường đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, triển khai các dự án. Tỉnh đạt nhiều kết quả tốt trong thu hút nguồn lực đầu tư (huy động vốn đầu tư xã hội 2021-2022 đạt 81,6 nghìn tỷ đồng, năm 2022 tăng 19%). Toàn tỉnh có trên 16 nghìn doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 362,5 nghìn tỷ đồng; có 1.191 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 10,4 tỷ USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội, đời sống người dân được bảo đảm; xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh (138/188 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 22/27 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị). Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; làm tốt công tác đối ngoại, nhất là với Campuchia./.