Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hối thúc các quốc gia nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và định hình tăng trưởng kinh tế “xanh” hơn sau đại dịch COVID-19.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 12/12 đã hối thúc các quốc gia nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và định hình tăng trưởng kinh tế “xanh” hơn sau đại dịch COVID-19, giữa bối cảnh tình hình vẫn ảm đạm dù Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã ra đời cách đây 5 năm.
Ảnh minh họa - Evoke
Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh về khí hậu diễn ra theo hình thức trực tuyến, Tổng Thư ký Guterres khẳng định không ai có thể phủ nhận một thực tế là thế giới đang đối mặt với một tình trạng khẩn cấp. Nếu các nước không thay đổi hướng đi hiện tại, thế giới sẽ đối mặt với mức tăng nhiệt độ Trái Đất hơn 3 độ C vào cuối thế kỷ này. Đó là lý do ông kêu gọi các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp về Khí hậu tại đất nước của mình cho đến khi đạt được mục tiêu trung hòa carbon.
Chính phủ Mỹ đã vắng mặt sau khi nước này rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong năm nay. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết sẽ đưa nước Mỹ trở lại Hiệp định và tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của riêng mình trong vòng 100 ngày sau khi ông nhậm chức vào tháng 1/2021 tới.
Tại hội nghị trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho biết Trung Quốc sẽ nỗ lực để giảm 65% mức độ phát thải vào năm 2030 so với mức năm 2005.
Ông hứa sẽ "đặt mục tiêu đạt đỉnh lượng khí thải carbon trước năm 2030, lặp lại cam kết mà ông đã đưa ra vào tháng Chín. Khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cam kết sẽ đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc nhắc lại quan điểm rằng trong khi nước này vẫn thuộc nhóm nền kinh tếđ ang phát triển, các nước giàu hơn nên tăng cường cắt giảm khí thải nhiều hơn nữa.
Tại hội nghị, Israel và Pakistan cũng tuyên bố sẽ loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Còn trước thềm hội nghị, ngày 11/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố chính phủ nước này sẽ chấm dứt tài trợ các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài "sớm nhất có thể.
Trong thông điệp riêng của mình, Đức Giáo hàng Francis nhấn mạnh rằng cả đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu đều "đè nặng lên cuộc sống của những người nghèo và dễ bị tổn thương".
Hơn 110 quốc gia đã cam kết đạt được mức trung hòa về carbon vào năm 2050. Theo cơ chế của Hiệp định Paris, các quốc gia được yêu cầu đệ trình kế hoạch cắt giảm khí thải mới 5 năm một lần. Hạn chót cho việc này là ngày 31/12.
Tuy nhiên, ông Tim Gore, người đứng đầu bộ phận chính sách khí hậu tại Oxfam, đã lưu ý rằng có rất ít cam kết mới về cắt giảm lượng khí thải trong ngắn hạn được đưa ra tại hội nghị. Ngoài ra, các nước giàu hơn cũng ít hỗ trợ cho những nước nghèo hơn để giúp họ thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải cho nền kinh tế./.