Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc cảnh báo Myanmar có nguy cơ trở thành một quốc gia siêu lây lan Covid-19, làm bùng phát dịch bệnh trên khắp khu vực, khi tình trạng thiếu oxy, thiết bị y tế và thuốc men vô cùng nghiêm trọng.
Quốc gia Đông Nam Á này đang phải đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ đầu đại dịch, bên cạnh cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc do cuộc đảo chính hồi tháng 2. Kể từ đó, chương trình tiêm chủng và việc xét nghiệm của Myanmar đã bị đình trệ, trong khi các bệnh viện hầu như không hoạt động do đội ngũ bác sĩ đình công.
Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền ở Myanmar, cho biết: “Chúng tôi biết rằng có tình trạng gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19. Một sự gia tăng nhanh chóng và đáng báo động”.
Người dân xếp hàng chờ đổ đầy bình oxy bên ngoài nhà máy oxy Naing tại khu công nghiệp Nam Dagon ở Yangon, Myanmar.
Theo Bộ Y tế Myanmar, kể từ ngày 1/6 tới nay, nước này ghi nhận 4.629 ca tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều so với báo cáo. Các phương tiện truyền thông do quân đội kiểm soát hôm 27/7 thông báo rằng, 10 lò hỏa táng mới sẽ được xây dựng tại các nghĩa trang ở Yangon, thành thố lớn nhất của Myanmar, để ứng phó với số người tử vong do dịch bệnh tăng cao.
“Người ta thường thấy 3 kiểu xếp hàng ở Yangon. Một là trước máy rút tiền tự động (ATM), hai là để mua oxy và cuối cùng là tại các lò hỏa táng và nhà xác”, ông Andrews nói thêm.
Nhiều thành phố trên khắp Myanmar đang đối mặt với tình trạng thiếu oxy, thiết bị y tế và thuốc men nghiêm trọng. Bên ngoài các ngôi nhà, người dân treo cờ vàng và trắng để báo hiệu rằng họ cần thực phẩm hoặc thuốc men. Đồng thời, trên mạng xã hội tràn ngập những lời cầu cứu và thông báo về các ca tử vong.
Ông Andrews cho biết, chính phủ quốc tế, bao gồm cả các nước láng giềng của Myanmar, cần phải hành động nhanh chóng, nếu không quốc gia này sẽ chứng kiến của một đợt bùng phát Covid-19 không thể kiểm soát ở khu vực biên giới.
“Myanmar đang trở thành nơi siêu lây lan Covid-19 với những biến thể rất nguy hiểm, gây chết người và dễ lây lan như Delta. Điều này cực kỳ nguy hiểm”, ông Andrews nói.
“Thực tế là đại dịch Covid-19 không phân biệt quốc gia, biên giới, hệ tư tưởng hoặc đảng phái chính trị. Nguy cơ tử vong ở mọi nơi là như nhau. Myanmar đang có nguy cơ trở thành một quốc gia siêu lây nhiễm”, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.
Vào tháng 2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở tất cả các bang đang xảy ra xung đột để các nhân viên y tế có thể cung cấp vaccine Covid-19 một cách an toàn. Ông Andrews nói rằng nghị quyết nên được tái khẳng định để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Điều này có thể tạo điều kiện cho các cơ quan quốc tế hỗ trợ Myanmar nhiều hơn.
Trong một cuộc họp vào ngày 28/7, Tổng tư tệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing đã kêu gọi mở rộng hợp tác với các nước ASEAN và những nước thân thiện khác nhằm ngăn chặn, kiểm soát và điều trị Covid-19./.