VNHN - Hòa chung không khí hân hoan kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, những ngày này trên quê hương Lệ Thuỷ (Quảng Bình) anh hùng, không chỉ hàng ngàn người con xứ Lệ sinh sống ở mọi miền đất nước, mà rất nhiều du khách thập phương cũng nô nức tập trung về đây vui Tết Độc lập, để rồi bị cuốn hút vào không khí náo nhiệt của Lễ hội đua thuyền trên dòng Kiến Giang thơ mộng, và đắm mình lạc lối trong những điệu hò khoan đằm thắm tình người.
Phát huy truyền thống
Nhắc đến Lệ Thuỷ (Quảng Bình), là nhớ ngay đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, và nữa là lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang đã có từ rất lâu. Bởi thế mà đã có câu ca dao: Dù ai đi Tây, về Đông/ Mồng Hai tháng Chín cũng mong về nhà/ Về xem lễ hội quê ta/ Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay.
Có mặt tại Lệ Thuỷ vào những ngày cận kề Tết Độc lập, chúng tôi chứng kiến ở khắp các nẻo đường, khu phố đã rợp trời cờ hoa. Đặc biệt nhiều đò bơi của các làng ở hai bên dòng Kiến Giang ngày nào cũng hai buổi đều đặn luyện tập miệt mài. Không khí yên ả của vùng đồng chiêm trũng bỗng tan biến từ lúc nào, mà thay vào đó là rộn ràng tiếng mõ, tiếng reo hò, tiếng cổ vũ của người dân khi chuẩn bị cho lễ hội bơi đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập. Đôi bờ dòng Kiến Giang vang lên những giọng hò khoan tạo nhịp cho việc đẩy đò xuống sông càng khoẻ khoắn nhẹ nhàng. “Hai bên đứng lại hai hàng/ Người mụi, (đầu thuyền) kẻ lái rập ràng cho mau”/ “Hô hè nì, hô hè nì,...” Hay như: “Hai bên bốn bề hợp sức cho đông/ Đẩy thuyền xuống sông kịp giờ đại lợi/ Hô hè, hô hè...”!
Dòng Kiến Giang thơ mộng những ngày này náo nhiệt hẳn lên bởi những đội đua đang luyện tập
Cứ sau nhịp người hò cái dứt lời, các thanh niên trai tráng vừa hò xố theo, đồng thời bám tay chắc chắn vào mạn thuyền đẩy một cách nhịp nhàng dứt khoát, khi đó các cô gái cũng nhanh nhẹn đặt những con lăn dưới bụng thuyền để bớt ma sát với đất, cứ thế những đò bơi làm bằng thân gỗ dù nặng bao nhiêu cũng được hạ thuỷ một cách nhanh chóng đúng giờ đẹp đã chọn. Ông Đặng Ngọc Tuân, người đã nhiều năm dày công nghiên cứu, sưu tầm về hò khoan Lệ Thuỷ cho biết: “Hò đẩy thuyền ở Lệ Thuỷ được sử dụng khi đẩy thuyền ở trên bờ sông hoặc tại nơi cất giữ thuyền về đến bến. Nội dung các câu hò thường chỉ để phục vụ việc đẩy thuyền cho nhịp nhàng và mạnh mẽ, góp phần cho lễ hội bơi đua thêm náo nhiệt hơn”.
Hàng ngàn người đến xem và cổ vũ cho các đội bơi đua
Trước khi vào cuộc đua, các làng xã đã có sự chuẩn bị thật kỳ công, nào là việc chọn gỗ, chọn thợ thầy có bí quyết nhà nghề để đóng những con thuyền đua dài, thon nhẹ, mũi nhọn, có độ lướt nhanh là những tiêu chuẩn mà mỗi con thuyền đều phải có. Ngoài ra, các làng còn chuẩn bị đội trai bơi, gái đua dày dặn kinh nghiệm, có sức khoẻ tốt và đặc biệt là mỗi thuyền đua bơi muốn giành giải phải có một người cầm lái kỳ cựu, biết tìm, lựa chọn cho mình một đường đi ngắn nhất để đạt đích sớm nhất.
Xứng tầm cấp quốc gia
Trước đây người dân Lệ Thuỷ tổ chức bơi đua vào mỗi độ Tết đến xuân về sau những công việc đồng áng đã xong, với ý nghĩa mừng một mùa vụ mới với mong muốn mưa thuận, gió hoà, đồng ruộng tốt tươi, cuộc sống bình yên.
Ông Lê Thanh Hải, thôn Lệ Bình, xã Mai Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ cho biết: “Trước đây chưa phát triển, để đi lại vận chuyển trong sản xuất phát triển kinh tế, người dân Lệ Thuỷ chủ yếu chỉ dùng đò để đi lại trên sông. Bây giờ hạ tầng được đầu tư, cầu cống, đường sá được xây dựng đi lại rất thuận tiện bằng xe máy, ô tô rồi, nhưng bà con vẫn không quên chiếc đò là phương tiện một thời gắn bó để mưu sinh và xây dựng quê hương làng xóm ngày một giàu đẹp nên lễ hội bơi đua không thể nào quên được đối với bà con chúng tôi”
Vào ngày hội đua chính thức, từ rạng sáng các thuyền lần lượt nối đuôi nhau diễu hành trên sông, sau đó các thuyền bơi đua xếp hàng vào vị trí xuất phát. Có lẽ, giây phút hồi hộp nhất là hiệu lệnh xuất phát, đây là thời khắc buông phao, là điểm náo nhiệt nhất trong cuộc đua, với tiếng trống thúc dục liên hồi, tiếng mõ gõ nhịp, tiếng hô quyết tâm của các trai bơi, tiếng hò reo của lớp lớp người trên hai bờ sông động viên trai bơi, gái đua.
Bóng chuyền là một trong những môn thể thao góp thêm phần sôi nổi cho ngày hội mừng Tết Độc lập
Đường bơi đi qua nhiều làng xã, từ khu vực hạ lưu ở An Lạc lên đến thượng lưu ở Mỹ Thuỷ, cả một chặng sông dài đều nằm trong phạm vi của lễ hội. Cuộc tranh tài diễn ra, dọc hai bên bờ sông, người người đứng chen chân để cổ vũ cho những cuộc giành giật, bứt phá ngoạn mục, bất ngờ, hấp dẫn của các đội. Khi thuyền đua đến khúc sông nào thì trên cả hai bờ sông, người có nón vẫy nón, người cầm mũ ngoắt mũ... cổ vũ cuồng nhiệt. Có người nhào cả xuống sông khoát nước cho trai bơi, gái đua để động viên, tạo niềm hưng phấn cho các tay đua trên đường bơi.
Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, người dân Lệ Thuỷ vui mừng chào đón Tết Độc lập và tổ chức đua thuyền để mừng Quốc khánh 2-9. Từ đó đến nay, hằng năm trên dòng Kiến Giang lễ hội đua thuyền truyền thống được duy trì, phát huy và trở thành nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây.
Năm nay niềm vui được nhân lên gấp bội đối với người dân Lệ Thuỷ bởi lễ hội bơi đua không chỉ dừng lại ở lễ hội cấp tỉnh mà đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Vì thế không khí chuẩn bị cho lễ hội bơi đua năm nay trở quy mô, chu đáo và sôi nổi từ rất sớm ở khắp làng quê miền huyện Lệ Thuỷ. Không chỉ tổ chức giải bơi đua của huyện mà tất hầu hết các xã từ cuối tháng 7 đã luyện tập và tổ chức thi trong xã để chọn ra đội đua mạnh nhất đi tham gia cấp huyện.
Ông Nguyễn Dương - Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin Thể thao huyện Lệ Thuỷ cho biết: Lễ hội bơi đua năm 2019 có 25 đội nam và 8 đội nữ của tất cả các xã trong huyện. Bắt đầu thi đấu vòng bảng để phân hạng A, B vào ngày 30/8, và vòng chung kết tranh tài sẽ được tổ chức vào đúng ngày Quốc khánh 2 - 9.
“Trước đây kích thước thuyền cũng như số lượng người tham gia thi trên một đội có sự khác nhau nên dẫn đến nhiều bất cập cả chi phí cũng như thể lệ cuộc bơi đua. Nhưng năm nay đã quy định cụ thể, chiều dài thuyền và số lượng vận động viên tham gia trên mỗi thuyền đều như nhau mà không có sự chênh lệch như trước đây. Đây là điểm mới, tạo sự công bằng trong bơi đua, hơn nữa giảm được chi phí cho luyện tập cũng như đầu tư làm thuyền. Vì toàn bộ chi phí đó là do bà con tự nguyện đóng góp chứ không phải ngân sách của Nhà nước cấp nên hạn chế thấp nhất chi phí cho người dân mà lễ hội vẫn sôi nổi hoành tráng là mục tiêu đề ra. Ngoài tổ chức bơi đua, còn có các hoạt động văn hoá văn nghệ, các môn thể thao khác hấp dẫn người xem như bóng đá, bóng chuyền… Đặc biệt chương trình biểu diễn hò khoan trên sông diễn ra vào tối ngày 01/9, một hoạt động bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể vừa được vinh danh trong năm vừa qua. Qua nắm bắt thực tế, người dân rất phấn chấn và vui mừng khi lễ hội bơi đua được công nhận di sản văn hoá phi vật thể, thể lệ cũng có những đổi mới nên lễ hội bơi đua năm nay hứa hẹn rất hấp dẫn và thành công.