19/04/2024 lúc 07:20 (GMT+7)
Breaking News

Lễ Phật Đản - Lan tỏa những giá trị sống tích cực vì cộng đồng

“Kính mừng ngày Phật Đản sanh/ Khắp nơi thôn xóm thị thành hoan ca/ Nhớ ngày Phật tổ Thích Ca/ Giáng thần thị hiện trẻ già mừng vui…” – Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, là dịp để các chư Tăng, Phật tử tề tựu, thực hành ăn chay, giữ gìn Ngũ giới, cùng bố thí và làm việc từ thiện. Là sự kiện góp phần lan tỏa những giá trị vì một cộng đồng, một tương lai tốt đẹp.

 

Chủ tịch nước chụp ảnh cùng chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Chùa Huê Nghiêm – (Ảnh: Internet).

Mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tới thăm, chúc mừng chức sắc, tăng ni Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Chùa Huê Nghiêm và Chùa Minh Đạo, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong buổi gặp mặt, Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng lễ Phật Đản không chỉ đơn thuần có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng yêu thương, tinh thần đoàn kết, hòa hợp cùng phát triển.

Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Ngày Đức phật đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau. Theo truyền thống Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch, Giáo hội các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp... để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Với triết lý từ bi, hỷ xả, khuyến khích con người hướng thiện, đạo đức Phật giáo đã dễ dàng đi vào lòng người, có tác dụng hoàn thiện nhân cách đạo đức, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái.

Đạo đức Phật giáo đóng góp tích cực trong việc xây dựng một nền tảng đạo đức hướng thiện cho xã hội – (Ảnh: Internet).

Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, ăn chay, lau dọn và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh. Ngoài ra, trước và trong dịp Đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với Đạo pháp hoặc những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật…

Hàng ngàn người dân vẫn đến chùa Pháp Hoa (quận 3) để thả đèn hoa đăng mừng đại lễ Phật đản 2022 vào tối ngày 12.05 vừa qua – (Ảnh: Internet).

Thực tế đã chứng minh, đạo đức Phật giáo phù hợp với đạo đức lẽ sống của con người Việt Nam và nó đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng một nền tảng đạo đức hướng thiện, từ bi cho xã hội trên cơ sở kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống đã được đặt ra. Đạo đức Phật giáo khuyên con người những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, đóng góp những giá trị văn hóa tích cực vào việc xây dựng đạo đức lối sống, nhất là cho tầng lớp trẻ hiện nay. Không chỉ nhắc nhở mỗi người con Phật có trách nhiệm hơn với xã hội, mà còn góp phần giúp con người đi đúng hướng, tìm thấy phương châm sống tích cực theo đúng phương châm của đạo Phật “sống tốt đời, đẹp đạo”.

Những chiếc đèn hoa đăng được thả trên sông với lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc – (Ảnh: Internet).

Chính những giá trị tích cực này, mà trong chuyến thăm chúc mừng chức sắc, tăng ni Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Chùa Huê Nghiêm và Chùa Minh Đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi lời mong mỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; phát huy sức mạnh của tôn giáo, của tín ngưỡng, của văn hóa, tiếp tục khẳng định và lan tỏa những giá trị ưu việt của một tôn giáo hòa bình, góp phần tích cực xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại lễ Phật Đản không chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo mà còn góp phần xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh – (Ảnh: Internet).

Giờ đây, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, kinh tế - xã hội đang trên đà hồi phục phát triển nhanh và bền vững, đời sống văn hóa, sinh hoạt tâm linh mang lại sự phấn khởi, tươi vui cho tất cả mọi người. Không gian chùa chiền của Phật giáo – đặc biệt là ngày lễ trọng đại Lễ Phật Đản năm 2022 này lại được thắp đèn sáng lạn, đầy sắc màu như thu hút mọi người tìm về chốn tĩnh tâm, nơi chiêm nghiệm và cảm nhận… Đến đây, con người sẽ học cách tu tâm dưỡng tính, kiên nhẫn, vượt qua những cám dỗ của cuộc đời để lòng được thanh cao, tâm hồn được an vui: “Lá cờ Phật giáo mọi nhà/ Treo mừng Thánh đản trẻ già tri ân/ Rằm tháng tư niệm nguồn tâm/ Bỏ buông thanh tịnh muôn phần an vui…”./.

 

Trí Đức - Bảo Châu