VNHN - Vừa qua, nhân ngày đại lễ Phật Đản, nhiều người tại TP.HCM đã đi viếng chùa từ rất sớm. Các phật tử đều rất thành tâm lễ phật với sự nguyện cầu được nhiều sức khỏe và bình an sau đại dịch Covid-19.
Đại lễ Phật Đản là ngày sinh của Đức Phật, Giáo chủ của đạo Phật. Theo lịch sử Phật giáo, Đức Phật lúc nhỏ là Thái tử Tất Đạt Đa, sinh ra tại vườn Lâm Tì Ni vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tháng tâm linh theo quan niệm của người Ấn Độ cổ), năm 624 trước Công nguyên. Từ đó các phái đoàn gồm 24 quốc gia tham dự đã thống nhất tổ chức lễ hội này hàng năm vào ngày rằm tháng 4 âm lịch.
Để kỷ niệm ngày này, hầu hết các chùa đều có giăng đèn kết hoa cũng như trang trí lại chùa để thể hiện sự vui mừng và hoan hỉ khi chào đón Đức Phật Đản sinh. Cùng với người dân khắp các địa phương trong cả nước, hàng ngàn lượt Tăng Ni, Phật tử đã hào hứng mừng Đại lễ Phật Đản - Phật lịch 2554.
Chùa Vĩnh Nghiêm tại TP.HCM.
Trong đêm lễ Phật Đản, hàng ngàn người dân TP.HCM đã đến chùa thắp hương, lễ Phật, các phật tử cùng nhau ôn lại cuộc đời của Đức Phật nhằm khích lệ nghị lực của người con Phật trên lộ trình tu tập. Là cơ hội để người Phật tử khẳng định giá trị của đạo Phật và lập trường tôn giáo của mình đối với mọi người. Từ đó nói lên giá trị tinh thần, lý tưởng mà mỗi người theo đuổi trong suốt cuộc đời.
Đại lễ Phật Đản còn là dịp người con Phật bày tỏ lòng thành kính của mình đối với bậc giáo chủ vẹn toàn và đầy uy đức. Sự tôn vinh đức Phật, một lần nữa tô đậm lên dòng sông tâm thức, không để cho hình ảnh của Phật phai mờ trong tâm trí.
Giá trị tinh thần, giá trị tâm linh của người Việt Nam trong những ngày lễ lớn.
Tại TP.HCM người dân đã đến chùa từ rất sớm, nhiều vật phẩm cúng dường mâm ngũ quả, nhang đèn được bày bán khắp nơi tại nhiều cổng chùa. Theo quan niệm của nhà phật, trong dịp lễ nếu người nào thành tâm thắp đèn dâng Đức Phật sẽ được soi sáng tâm hồn, trở về với những điều tốt đẹp.
Nghi thức dâng hương lên Đức Phật, với ý nghĩa đốt lên ngọn đuốc trí tuệ cúng dường, tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh của người Việt Nam trong những ngày lễ lớn và cầu mong con người luôn hướng đến sự lương thiện, xoa dịu bớt những nỗi khổ đau của cuộc đời, tự vấn lương tâm về những hành động của bản thân để giúp tâm hồn được thanh tịnh.
Trong đại lễ, tăng, ni và các cơ sở tự viện đã thực hiện tốt việc phòng dịch trong cộng đồng, hành trì lễ niệm nguyện cầu cảm ứng đạo giao của mười phương chư Phật cầu mong dịch bệnh sớm tiêu tan, cho chúng sinh muôn nơi được bình an, đất nước sớm ổn định, phát triển kinh tế, xã hội.
Trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người, quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật./.