Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan còn gọi là Thập niên sự lệ diễn ra tại đền thờ Đức Thánh Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Lễ hội diễn ra từ ngày 21 đến 23-4 (tức 13 đến 15-3 Âm lịch).
Tham dự buổi lễ có ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ an; bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An.
Đền Nguyễn Cảnh Hoan nằm tại xã Tràng Sơn (Đô Lương, Nghệ An) là di tích lịch sử quan trọng của dòng họ Nguyễn Cảnh được xây dựng vào đầu thế kỷ XVII để thờ Đức Thánh Thái phó và những danh tướng của dòng họ Nguyễn Cảnh.
Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576) là người có công lớn đối với đất nước thời Lê Trung Hưng. Ông thuộc đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Cảnh, là con thứ 2 của Phúc khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy (quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An). Với nhiều công lao hiển hách, sau khi ông qua đời đã được triều đình và nhân dân nhiều địa phương lập đền thờ phụng, trong đó có đền Nguyễn Cảnh Hoan ở xã Tràng Sơn.
Ngoài thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, đền còn thờ nhiều danh tướng họ Nguyễn Cảnh như Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thắng Quận công Nguyễn Cảnh Hà, Liêu Quận công Nguyễn Cảnh Quế... Năm 1991, Đền đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan mang vẻ đẹp cổ kính. Ngôi đền được làm từ nhiều kết cấu gỗ được chạm trổ công phu. Tại đền còn lưu giữ nhiều đồ tế khí và hiện vật cổ kính như long ngai, kiệu rồng, hoành phi, câu đối, sắc phong... Cứ 10 năm, Đền Nguyễn Cảnh Hoa tổ chức lễ hội 1 lần gọi là “Thập niên sự lệ”.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, trong chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, dòng họ Nguyễn Cảnh với gần 600 năm sinh cơ, lập nghiệp đã trở thành dòng họ có bề dày truyền thống, còn lưu giữ được rất nhiều di sản quý báu trên mảnh đất Đô Lương - Nghệ An.
Với lịch sử hơn 350 năm, từ một hoạt động lễ nghi của dòng họ, lễ hội Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan đã dần có sức lan toả, trở thành một sinh hoạt văn hoá tâm linh của cộng đồng.
"Điều đó cho thấy, truyền thống lịch sử của dòng họ đã có sự gặp gỡ, kết hợp với yếu tố văn hoá dân gian để tạo nên "sản phẩm" văn hoá đáp ứng nhu cầu tâm linh của cả cộng đồng"- bà Hạnh nói.
Lãnh đạo Sở VH&TT tỉnh Nghệ An cũng đề nghị nhân dân huyện Đô Lương, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh làm tốt hơn nữa, phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng, dòng họ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hoá, để tiếp bước truyền thống tổ tiên, làm rạng danh cho dòng tộc, đất nước.
Đặc biệt là có kế hoạch đào tạo một cách bài bản cho thế hệ trẻ thực hành các nghi thức tế lễ trong lễ hội, sưu tầm tài liệu cổ ghi chép về Thập niên sự lệ làm cơ sở để phục dựng lại lễ hội chính xác, khoa học, cũng như bảo tồn không gian văn hóa diễn ra lễ hội.
Cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ để bảo tồn di sản hiệu quả, số hóa không gian các di tích diễn ra lễ hội một cách bài bản, để lễ hội ngày càng lan toả và có sức sống trường tồn trong cộng đồng, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ hội “Thập niên sự lệ” đền Nguyễn Cảnh Hoan năm 2024 được diễn ra trong 3 ngày 21 - 23/4 với nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa đặc sắc như: lễ rước tổ tiên, lễ cầu siêu, cầu an, lễ rước thần, hành hương về cội nguồn, biểu diễn văn nghệ, võ thuật, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian… Trong đó, lễ rước thần từ đền Nguyễn Cảnh Hoan đến chùa Phúc Mỹ và đền Đức Hoàng (xã Yên Sơn) và ngược lại là một trong những điểm nhấn quan trọng, hấp dẫn của lễ hội.
Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho chính quyền địa phương và dòng họ Nguyễn Cảnh.
Lễ hội "Thập niên sự lệ" đền Nguyễn Cảnh Hoan không chỉ khơi dậy niềm tự hào của dòng họ, của quê hương, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc, mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương Đô Lương có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời đến với mọi miền Tổ quốc.