19/01/2025 lúc 22:21 (GMT+7)
Breaking News

Lập Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 206/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 206/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Lập Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Công Thương, Tư pháp; Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai; Lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng thực hiện theo quy định tại các Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đảm bảo yêu cầu tiến độ.

Hội đồng tự giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai dài 34,2 km. Điểm đầu nối với tuyến tránh QL1 đoạn tránh TP. Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với đường vành đai thành phố Bà Rịa. Dự án xây dựng 7 nút giao liên thông, 13 cầu vượt dòng chảy, 4 cầu vượt đường ngang và 19 cầu đường ngang vượt đường cao tốc.

Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án (giai đoạn 1) khoảng 17.837 tỷ đồng, giảm khoảng 150 tỷ đồng so với Quyết định số 1602 do cắt giảm chi phí lãi vay (khi chuyển sang đầu tư công), cập nhật đơn giá và tiến độ thực hiện dự án. Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị là hơn 8.300 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải  kiến nghị sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025 với nhu cầu sử dụng vốn ước tính khoảng 14.270 tỷ đồng (khoảng 80% tổng mức đầu tư).

Số vốn này đã dự kiến phân bổ khoảng 5.360 tỷ đồng trong tổng số Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải đã được Quốc hội thông qua; sử dụng khoảng 3.500 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và kiến nghị bố trí từ nguồn chưa phân bổ và nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của cả nước khoảng 5.410 tỷ đồng.

Nếu Dự án được áp dụng các cơ chế đặc thù tại nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023, sẽ khởi công đầu năm 2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025.