21/12/2024 lúc 12:32 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai nỗ lực chuyển đổi số trong nông nghiệp

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của các ngành, lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Chuyển đổi số đã và đang mang lại những kết quả tích cực không chỉ trong chất và lượng mà còn cải thiện đáng kể về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhằm bắt kịp công cuộc chuyển đổi số hiệu quả và chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngày 17/5/2021, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Quyết định số 1634/QĐ-UBND về việc phê duyệt chương trình chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, ngành nông nghiệp là một trong các lĩnh vực được ưu tiên. Năm 2022, Lào Cai phấn đấu 100% sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ gia nhập các sàn thương mại điện tử và 50% chủ sở hữu sản phẩm được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử.

Trong Hội nghị Tổng kết Ngành Nông nghiệp năm 2021 và Triển khai Kế hoạch năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi, yêu cầu khách quan của sự phát triển, đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp. Muốn thực hiện chuyển đổi số thành công phải đồng bộ, tích hợp được dữ liệu, tạo sự liên thông. Cũng trong năm 2022, Bộ NN&PTNT đã chọn 2 lĩnh vực đột phá là trồng trọt và chăn nuôi để đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng chương trình khung đào tạo về công nghệ số, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Lào Cai khuyến khích các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong giới thiệu, tiêu thụ nông sản địa phương.

Trước đó, tỉnh Lào Cai đã xác định khai thác tiềm năng, lợi thế, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong đó, tập trung phát triển 8 ngành hàng chủ lực, tiềm năng có giá trị cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ (sản xuất chè, dược liệu, cây chuối, cây dứa, chăn nuôi lợn, cây quế, kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương).

Hiện, Lào Cai đang tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Cụ thể: tỉnh tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu ngành: theo dõi diễn biến rừng, đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, môi trường, thời tiết… để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, đồng thời quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã (HTX) là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số với mục tiêu nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo nông sản để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.

Truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm mận Tam hoa Bắc Hà. Ảnh: CTTĐT.

Khả năng bắt nhịp chuyển đổi số của ngành nông nghiệp Lào Cai tương đối cao, một phần là nhờ sự ủng hộ từ các cơ quan sở, ban, ngành cho đến các doanh nghiệp công nghệ và nông nghiệp. Hiện, chuyển đổi số đã mang lại những kết quả đáng kể không chỉ về chất và lượng mà còn cả cách thức quản lý, phương thức kinh doanh. Là 1 trong 4 địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng phần mềm truy xuất nông sản từ năm 2017, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 86 doanh nghiệp/HTX tham gia với trên 300 dòng sản phẩm được gắn mã QR-Code trên sản phẩm giúp truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, Lào Cai có trên 118 doanh nghiệp/HTX/cơ sở tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá các sản phẩm của đơn vị mình trên hệ thống với 193 dòng sản phẩm tham gia góp phần tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh và lợi thế sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Hơn nữa, đến nay, trên địa bàn tỉnh, hệ thống thông tin quản lý chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận đã cập nhật 97 chuỗi sản phẩm, qua đó đảm bảo công tác quản lý, hỗ trợ người tiêu thụ sản phẩm. Từ đó cho thấy, những thành công của ngành nông nghiệp Lào Cai có đóng góp to lớn của việc triển khai xây dựng các hệ thống giải pháp phát triển khoa học công nghệ tận dụng thành tựa của nền công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp về lâu dài phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số. Để có thể phát triển bền vững, nông dân, doanh nghiệp và HTX phải hướng đến chuyển đổi số. Mặc dù vậy để có được kết quả cao nhất, mỗi người nông dân phải vận dụng khôn khéo, cách làm phù hợp, bám sát thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh của nông nghiệp địa phương. Hơn nữa, trong điều kiện bình thường mới sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số được coi là “chìa khóa” để ngành nông nghiệp tận dụng phát triển vượt bậc./.

An Nhiên