21/12/2024 lúc 15:11 (GMT+7)
Breaking News

Mường Khương: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững

Mường Khương (Lào Cai) nổi tiếng là huyện sở hữu nhiều thương hiệu nông sản nhất của tỉnh. Từ những thế mạnh của địa phương, huyện đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, chất lượng; hướng đến mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn mới phát triển.

Đại hội Đảng bộ huyện Mường Khương nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao” là một trong những bước đột phá trong cả nhiệm kỳ. Theo đó, huyện Mường Khương tiếp tục phát huy thế mạnh vùng cây trồng đặc sản; tăng cường công tác quy hoạch, cơ cấu lại các vùng sản xuất hàng hóa; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa và gắn sản xuất với công nghiệp chế biến…

Vùng nguyên liệu chè xã Thanh Bình. (Ảnh: Mỹ Anh)

Theo báo cáo của UBND huyện, trong quý 6 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện Mường Khương cơ bản ổn định bởi thời tiết thuận lợi và việc chuẩn bị giống, vật tư được kiểm soát. Huyện nổi tiếng với các đặc sản nông nghiệp như: gạo Séng Cù, đậu tương vàng, lợn ỉ, dứa Bản Lầu, mận hậu Cao Sơn, lê Pha Long, tương ớt, thảo quả, tam thất… Hầu hết các sản phẩm đang được xây dựng thương hiệu theo hướng gắn vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến.

Cây chuối là sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế huyện. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, theo Nghị quyết số 10/NQ-TU, huyện Mường Khương tập trung chú trọng phát triển cây trồng tiềm năng. Các cây, con chủ lực của huyện đã đạt được kết quả cao, cụ thể: sản phẩm chủ lực cây chuối, cây dứa đã thực hiện trồng xong vụ Xuân với diện tích chuyển đổi 345,7ha (cây chuối 144,7ha bằng 120,6% KH, cây dứa 201ha bằng 100% KH); tổng số bầu chè giống đã ươm là 17.420.000 bầu (chè Shan 14.820.000 bầu, chè Kim Tuyên 2.600.000 bầu), cây giống sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến đầu tháng 8 đủ tiêu chuẩn xuất vườn; sản phẩm tiềm năng - cây ớt với diện tích 200ha; diện tích lúa Séng Cù là 430ha với 160ha vụ Xuân và 270ha vụ mùa. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung chỉ đạo phát triển đàn lợn theo hướng gia trại, trang trại đảm bảo an toàn sinh học.

Mường Khương đang đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng. (Ảnh: Mỹ Anh)

Cùng với mở rộng sản xuất, duy trì và nâng cao chất lượng hàng hóa, hiện, Mường Khương đang chú trọng vào việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh tại địa phương. Đồng thời, huyện tập trung lãnh đạo tạo đột phá về môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, hợp tác. Bước đầu, huyện thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh nông nghiệp như: Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu; Nhà máy chế biến chè của Hợp tác xã chè Mường Khương…

Sản xuất dứa đóng hộp xuất khẩu tại Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương. (Ảnh: Quốc Hồng)

Tuy nhiên, do bất ổn chính trị của các nước Châu Âu đẩy giá cả phân bón, vật tư nông nghiệp, nhân công tăng cao đã gây khó khăn cho việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện. Trước khó khăn, UBND huyện Mường Khương đã có các cuộc làm việc với doanh nghiệp, đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở Công thương tỉnh Lào Cai phối hợp tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Thời gian qua, để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường Khương đã không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết, khắc phục khó khăn của một huyện vùng cao, biên giới, tranh thủ các nguồn lực của Trung ương, tận dụng các lợi thế đặc thù về tự nhiên và xã hội từng bước đưa nền kinh tế của huyện phát triển bền vững./.

Cơ quan Tây Bắc