05/11/2024 lúc 15:37 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai: Triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030

Với mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Lào Cai phát triển toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng, UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Lào Cai phát triển toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng....Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa. Tăng cường đầu tư cho phát triển văn hóa, trong đó tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Ban hành cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người Lào Cai.

van-hoa1

Carnaval đường phố “Các dân tộc Sa Pa và Thánh Mẫu”.

Đến năm 2030 Lào Cai xác định những mục tiêu cụ thể như: Duy trì, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng hoạt động của 03 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh: Trung tâm Văn hóa, Bảo tàng, Thư viện. Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa duy trì hoạt động thường xuyên. Tỷ lệ di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia được tu bổ, phục hồi đạt trên 85%, di tích cấp tỉnh được tu bổ, phục hồi đạt 85%; 70% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được bảo vệ và phát huy giá trị thông qua các đề án, dự án, chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh và quốc gia. Bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương. Bảo đảm khoảng 85% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hóa trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Kế thừa và phát huy tinh hoa của văn hóa gia đình truyền thống, để xây dựng văn hóa gia đình hiện đại, văn minh. Hằng năm, có từ 01 - 02 bài nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật có chất lượng được công bố; Có ít nhất 05 tác phẩm văn học, nghệ thuật về lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của tỉnh. Số lượng tác phẩm đạt giải tại các cuộc thi, hội thi, liên hoan, hội diễn cấp khu vực và toàn quốc mỗi năm tăng từ 5 - 10%. Phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nhất là các đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa - nghệ thuật, thực hành, trình diễn văn hóa nghệ thuật. Phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo đóng góp ngày càng tăng vào thu ngân sách của tỉnh. Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm.

van-hoa

Lào Cai hiện đại, văn minh và phát triển.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, thời gian tới Lào Cai sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; văn hóa thực sự “đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị”. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tăng cường, đa dạng hóa, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục giá trị văn hoá, đạo đức, lối sống cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đầu tư phát triển các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông mới và hệ thống tuyên truyền trực quan; nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân…

Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa: Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn hóa thuộc thẩm quyền; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hình thành khung khổ pháp lý, thể chế nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho văn hóa phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững. Triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng yêu cầu bảo hộ và thực thi quyền trong nước và hội nhập quốc tế; các khung khổ pháp lý thúc đẩy phát triển văn hóa và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh. Rà soát, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, cơ chế khuyến khích, đãi ngộ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn hoá, nghệ thuật, truyền dạy di sản trong cộng đồng, đồng thời phát triển sâu rộng hoạt động văn hoá, nghệ thuật quần chúng. Triển khai Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Lào Cai làm cơ sở để đánh giá và đề xuất thể chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý cho ngành văn hóa. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, chấn chỉnh lề lối, siết chặt kỷ cương, đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ quản lý văn hóa hiệu quả; phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý về văn hóa cho chính quyền địa phương các cấp. Chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, chương trình phát triển sự nghiệp văn hóa đã được phê duyệt. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Xây dựng con người Lào Cai phát triển toàn diện: Chăm lo xây dựng con người Lào Cai phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, thích ứng với tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng…., nâng cao sức mạnh nội sinh nhằm khắc phục những hạn chế, đẩy lùi suy thoái đạo đức xã hội. Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thông qua các chương trình giáo dục trong nhà trường, các hoạt động xã hội và trên các phương tiện truyền thông. Triển khai hiệu quả chương trình giáo dục địa phương trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ, tham gia và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và cộng đồng thông qua hoạt động của các đơn vị văn hóa nghệ thuật, câu lạc bộ và hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Duy trì và nhân rộng các nhóm sở thích, câu lạc bộ,... hoạt động văn hoá, văn nghệ tại cộng đồng. Triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các bộ quy tắc ứng xử trong từng lĩnh vực, ngành nghề của đời sống xã hội; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, biểu dương những tấm gương tốt, kịp thời phê phán những hành vi sai trái, tiêu cực; khen thưởng và xử phạt nghiêm minh.

van-hoa2

Carnaval đường phố “Các dân tộc Sa Pa và Thánh Mẫu”.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế: Chú trọng phát triển văn hóa đặc trưng trong từng lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội: giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, báo chí và truyền thông, tôn giáo và tín ngưỡng... Triển khai có hiệu quả quy chế, nội quy, Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, tổ chức xã hội..., nhằm hình thành các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trên môi trường mạng xã hội. Xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng, đặc sắc, phù hợp với thuần phong mỹ tục, thu hút được đông đảo nhân dân nhằm định hướng, giáo dục tư tưởng, lối sống cho thanh thiếu nhi và nhân dân. Tăng cường công tác kiểm soát các nội dung văn hóa, nghệ thuật trên không gian mạng. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên môi trường mạng. Tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế với các đơn vị công lập nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình văn hóa, thể thao công cộng. Tập trung xây dựng, nâng cấp một số công trình văn hóa có quy mô, giá trị nghệ thuật cao làm điểm nhấn tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và một số trọng điểm du lịch của tỉnh gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, yêu cầu hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Nêu cao vai trò, tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, người có uy tín trong cộng đồng về việc thực hiện quy chế, chuẩn mực đạo đức, thực sự là tấm gương sáng, là hạt nhân trong việc xây dựng môi trường văn hóa. Tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đảm bảo đúng thực chất, tránh hình thức gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua ở khu dân cư. Tiếp tục triển khai, phát huy hiệu quả các hương ước, quy ước, quy tắc ứng xử trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh xã hội.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa: Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân chủ động tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, phát huy năng lực sáng tạo. Đổi mới các hoạt động văn hóa phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và biến đổi xã hội, con người do tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng...Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện cho sự sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới của đất nước và của tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật. Triển khai đặt hàng các tác giả sáng tác những tác phẩm về đề tài lịch sử cách mạng và đề tài phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, tổ chức hoạt động có hiệu quả phong trào văn hóa nghệ thuật; định kỳ tổ chức các ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc theo từng khu vực hoặc từng dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030”; tiếp tục đầu tư xây dựng và biểu diễn nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật, ca múa nhạc chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ Nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác trang trí, tuyên truyền cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, thu hút các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp cho các hoạt động văn hóa phù hợp với quy định của pháp luật.

Tiếp tục Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; Phát triển công nghiệp văn hóa; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa/.

Lê Vũ