Sau 30 năm tái lập tỉnh, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Lào Cai đã tạo được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và tiến trình hội nhập kinh tế của địa phương.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (tiếng Anh: Foreign Direct Investment, viết tắt là FDI) là hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước này vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cá nhân hay công ty nước ngoài đó sẽ nắm quyền quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh này.
Hoạt động FDI trên địa bàn tỉnh Lào Cai được khởi đầu vào năm 1996, nhưng thực tế đến cuối năm 1999 dự án FDI đầu tiên mới đi vào hoạt động.
Khách sạn Victoria Sa Pa là một trong những dự án FDI đầu tiên tại Lào Cai.
Với lợi thế vị trí đắc địa trên Hành lang Kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam), Khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai (cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam với thị trường Tây Nam Trung Quốc, các nước ASEAN cũng như thế giới và ngược lại). Tỉnh đã triển khai tốt chính sách đầu tư để tạo điều kiện thúc đẩy quá trình thu hút FDI vào tỉnh. Theo đó, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh được hưởng các ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành, nhất là các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất - nhập khẩu, tiền thuế đất, nước, tạo nền tảng ban đầu quan trọng, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhằm triển khai các hạng mục dự án quan trọng.
Từ năm 1996 - 2021, Lào Cai thu hút gần 70 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 680 triệu USD, các dự án chủ yếu tập trung khai thác các lĩnh vực thế mạnh, lợi thế của tỉnh như du lịch, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu, khai thác và chế biến khoáng sản. Mật độ phân bố của các dự án FDI không đồng đều, tập trung tại thành phố Lào Cai, thị trấn Sa Pa và các khu công nghiệp của tỉnh. Nhà đầu tư vào Lào Cai chủ yếu từ các quốc gia: Trung Quốc, Singapore, Pháp, Hà Lan,… và một số quốc gia khác.
So với cả nước, kết quả thu hút FDI của Lào Cai được đánh giá ở mức thấp, tuy nhiên so với khu vực, các tỉnh miền núi và điều kiện xuất phát điểm thấp của tỉnh Lào Cai (tái lập tỉnh 01/10/1991) thì kết quả thu hút FDI của Lào Cai vẫn có thể đánh giá là đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Hành trình thu hút FDI đã góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng năng suất lao động, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh, cải thiện nguồn nhân lực, tiếp thu công nghệ mới và bí quyết quản lý kinh doanh của các công ty nước ngoài, mở rộng quan hệ đối ngoại./.