VNHN - Hiện nay, người dân bản địa vùng cao tỉnh Lào Cai đang phát triển mô hình nuôi gà đen (gà H Mông), với mức giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, cuộc sống những người đồng bào thiểu số ở vùng cao đang dần thay đổi.
Hiện nay, xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai có gần 500 hộ dân, với 99% người dân tộc Mông, đa phần các hộ còn nghèo khó. Vài năm trở lại đây, khi mô hình chăn nuôi gà đen được áp dụng đã góp phần tích cực giúp bà con phát triển kinh tế, hiện nay trên thị trường, 1 kg gà đen có thể bán được 180.000 - 200.000 đồng, mỗi lứa bình quân 1 hộ có thể thu về 20-30 triệu đồng. Đến nay, toàn xã đã có trên 60 hộ dân tham gia nuôi giống gà này.
Ở xã Lùng Sui hầu như nhà nào cũng có vườn cây ăn quả, chỉ cần rào quây lại và tạo không gian sinh sống phù hợp sẽ giúp thịt thêm săn chắc, phân gà thải ra lại bón trực tiếp cho cây thêm tốt. Chưa kể, ở Lùng Sui, nhiều hộ gia đình lực lượng lao động chính đi làm thuê xa nhà, nên chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ nên việc phát triển mô hình nuôi gà đen với những hộ neo người là hết sức khả thi. Cùng với đó, nguồn thực phẩm như thóc, ngô lại rất sẵn, trong khi thịt gà đen ngoài thị trường luôn cho giá cao.
Hiệu quả từ mô hình nuôi gà đen bản địa
Một trong những ưu điểm nữa là giống gà đen này của chính người Mông, nên rất phù hợp với khí hậu, cũng như cách nuôi chăn thả của người vùng cao. Thực tế ghi nhận, tỷ lệ sống, thích nghi của gà đen bản địa rất cao, gần như tuyệt đối, khác hẳn các giống gà lai khác cùng nuôi tại địa phương. Đặc biệt, gà đen bản địa khác hoàn toàn với loài gà ác dù cùng thịt đen, xương đen, nhưng vẫn dễ dàng phân biệt nhờ các đặc điểm nổi bật như sở hữu mào đen, chân nhỏ và chỉ có 4 ngón, mang tính đặc trưng của địa phương hơn.
Sau thành công bước đầu tại Si Ma Cai, tới đây mô hình chăn nuôi gà đen sẽ được mở rộng ra các địa bàn vùng cao khác của tỉnh Lào Cai, hứa hẹn mở ra hướng sinh kế mới cho đồng bào. Từ bán thịt, bán giống, đến bán thành phẩm vốn gắn với thương hiệu sẵn có của Lào Cai, như: gà đen hầm tam thất Si Ma Cai, phở gà đen Bắc Hà, gà đen gác bếp… Khi đó, nhiều người vùng cao có lẽ chẳng cần đi đâu xa làm thuê, bởi “món hời” vốn dĩ nằm ngay ở dưới chân mình. Từ nay đến năm xã sẽ phấn đấu mỗi hộ 1 năm nuôi được 3-4 lứa để có thể luân phiên lúc nào cũng có gà xuất, ổn định kinh tế cho người dân.