21/01/2025 lúc 11:21 (GMT+7)
Breaking News

Lạng Sơn: Phát triển giao thông nông thôn gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội

VNHN - Xác định được tầm quan trọng của giao thông nông thôn, trong những năm qua tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, tạo nên một sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội.

VNHN - Xác định được tầm quan trọng của giao thông nông thôn, trong những năm qua tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, tạo nên một sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội.

Với mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống giao thông các đô thị, trọng điểm là thành phố Lạng Sơn, các thị xã, thị trấn khác và trung tâm các vùng kinh tế trong tỉnh để giữ vai trò chủ đạo thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngày 15 tháng 12 năm 2007, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ra Nghị quyết số 109/2007/NQ-HĐND của HĐND Tỉnh Lạng Sơn về việc thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020.

Nhằm phát triển hơn nữa Đề án 109, năm 2017, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu cho UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển Giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 và đã đạt được những thành tựu đáng phấn khởi.

Đường giao thông được bê tông và mở rộng đến các khu dân cư của xã Yên Phúc, huyện Văn Quan

Để có được những kết quả đó, thời gian qua Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp công sức xây dựng đường liên thôn, đường làng, ngõ xóm,… theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; tuyên truyền về các chủ trương mới của Đề án, thống nhất nhận thức về phát triển giao thông nông thôn gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đi liền với đó là việc tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về công tác quản lý bảo trì đường cấp huyện, đường đô thị giai đoạn 2016 – 2020; tổ chức in và phát hành 3.000 cuốn sổ tay về “Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020” kèm theo những văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn tổ chức thực hiện đến 2.311 thôn, bản, khu phố; 226 xã, phường, thị trấn; đến cán bộ 11 Phòng Kinh tế – Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố; Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới huyện, tỉnh và các cán bộ Sở, Ban, ngành có liên quan.

Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo Đề án 109 với mục tiêu bê-tông hóa, nhựa hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường nối liền từ các huyện, thị xã, thành phố đến các xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Từ đó, nhiều địa phương đã thực hiện tốt phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn làm cho diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc.

Kết quả thực hiện Đề án 109 về phát triển giao thông nông thôn tại xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan

Điển hình như huyện Văn Quan, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" huyện đã huy động sự đóng góp của nhân dân để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn. Đến nay, toàn huyện đã có 6 xã hoàn thành đường bê-tông đến trụ sở văn hóa, khu dân cư.

Ông Nguyễn Đình Đại - Bí thư Huyện ủy huyện Văn Quan cho biết: “Hiện nay huyện còn nhiều khó khăn, vì Văn Quan là một huyện nghèo nên để hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn là khát khao, nguyện vọng bao đời của người dân. Cho nên, khi có chủ trương, chính sách làm cầu, đường là nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công và làm bất cứ những gì có thể để hoàn thành những con đường, cây cầu đúng tiến độ, đạt chất lượng cao nhất. Vì thế,  mới có được hệ thống giao thông nông thôn hoàn chỉnh, thông suốt, người dân không còn sống trong cảnh giao thông lầy lội, khó khăn”.

Được biết, tính đến hết 29/11/2019, công tác phát triển đường giao thông nông thôn tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Quan lũy kế được: 70,9km đạt 123,6% kế hoạch; Cụ thể: đường trục xã lũy kế được 12,3 km; đường trục thôn do nhân dân lũy kế được 14,1 km; đường ngõ thực hiện được 28,2km; đường nội đồng được 16,3 km. Trong đó: Đường trục xã thực hiện theo Đề án 109 được: 12,3km; đường trục thôn thực hiện theo Đề án 109 được 8,36km.

Bà Hứa Phong Lan - Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Văn Quan chia sẻ: “Tuy điều kiện còn nhiều khó khăn song khối lượng thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn của huyện vẫn vượt kế hoạch đề ra. Có được kết quả này, cùng với việc UBND huyện chỉ đạo sát sao, hiệu quả còn có sự vào cuộc của người dân”.

Đoàn viên thanh niên đổ đường bê tông nông thôn tại thôn Nà Dảo, xã Đồng Giáp

Có một điểm đáng chú ý là dù còn nhiều khó khăn nhưng tất cả các xã đều duy trì tốt công tác ra làm đường giao thông nông thôn. Các xã làm tốt công tác làm đường giao thông nông thôn như: Tràng Sơn; Đại an; Tân Đoàn; Tri Lễ; Yên Phúc; Tràng Phái; Tràng Các, Vân Mộng; Tú xuyên; Bình Phúc; Lương năng...

Theo ông Nghiêm Văn Hải - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn khẳng định: “Để phát triển giao thông nông thôn, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, trong đó công tác tuyên truyền, vận động và huy động sức dân là yếu tố quan trọng, qua đó tạo ra những địa phương điển hình, nhân rộng ra các địa phương khác là một trong những giải pháp cơ bản. Việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc phê chuẩn Đề án 109 phát triển giao thông nông thôn đã mang đến một luồng gió mới, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của phong trào xây dựng giao thông nông thông trong thời gian qua”.

Giao thông nông thôn được nối liền sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới, giải quyết được vấn đề lao động nhàn rỗi ở nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Kết quả ấy là động lực thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh phát triển mạnh, vững bước trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trao đổi thêm kinh nghiệm của Lạng Sơn về phát triển giao thông nông thôn, ông Nghiêm Văn Hải cho rằng: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đối với lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo ngành giao thông luôn xác định giao thông vận tải là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội, nên đã đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông nông thôn miền núi. Bên cạnh đó, Lạng Sơn đã thấy được các điểm yếu về kết cấu hạ tầng giao thông nên đã có những định hướng đúng đắn để tập trung chỉ đạo xây dựng các công trình trọng điểm, tháo gỡ khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, tranh thủ nguồn vốn của Chính phủ và nguồn nội lực trong nhân dân”

Có thể khẳng định những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua sẽ là nền tảng vững chắc để tỉnh Lạng Sơn tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Kết quả đó cũng là nền tảng, động lực để Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững.