29/03/2024 lúc 20:11 (GMT+7)
Breaking News

Làng nghề TTCN xã Kim Chính duy trì sản xuất mùa dịch

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng làng nghề TTCN xã Kim Chính vẫn luôn nỗ lực tìm các giải pháp duy trì sản xuất để nghề truyền thống không bị mai một.

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng làng nghề TTCN xã Kim Chính vẫn luôn nỗ lực tìm các giải pháp duy trì sản xuất để nghề truyền thống không bị mai một.

Xã Kim Chính (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) hiện có 5 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh, các làng nghề TTCN vẫn nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” khi vừa sản xuất vừa phòng chống dịch, góp phần mang lại nguồn thu cho địa phương.

Các làng nghề TTCN đảm bảo vừa sản xuất vừa phòng chống dịch.

Nghề thủ công truyền thống từ lâu là nguồn sinh kế quan trọng của người dân trên địa bàn xã Kim Chính. Những năm qua, 5 làng nghề TTCN đã tạo việc làm thường xuyên cho 3.500 lao đồng, với mức thu nhập dao động 50 triệu đồng/người/năm. Từ làm nghề truyền thống đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Các sản phẩm thủ công được đan, tết, bện từ cói, bèo bồng, sản phẩm được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…Dịch COVID-19 đã tác động đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng không “ngoại lệ”.

Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều chuỗi liên kết bị gián đoạn, giao thương quốc tế bị hạn chế đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu vận chuyển, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ đều bị chậm lại. Các hoạt động kiểm soát dịch nhất là tại những địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ phương tiện vận tải hạn chế lưu thông nên nhiều đơn hàng buộc phải dừng lại, một số tỉnh vẫn lưu thông được hàng hóa thì giá cước xe, giá nguyên vật liệu tăng nên giá thành sản phẩm tăng theo trong khi đó sức tiêu thụ sản phẩm giảm…

Cơ sở dệt chiếu của gia đình ông Đỗ Văn Tấn xóm 2 (xã Kim Chính) nổi tiếng với các sản phẩm chiếu cói như chiếu đậu, chiếu cải… Trước kia mỗi ngày cơ sở luôn duy trì 6 – 7 và chiếu, sản xuất trên 10 đôi chiếu trắng với gần 20 nhân công. Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cơ sở gặp nhiều khó khăn và phải duy trì sản xuất “cầm chừng”, mỗi ngày cơ sở sản xuất 2-3 đôi chiếu với 4-6 công nhân làm việc, sản phẩm làm ra chưa tiêu thụ được luôn sẽ được lưu kho bảo quản để chờ thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định trở lại.

Sản phẩm chiếu cói của xã Kim Chính.

Không vì những khó khăn do dịch Covid-19, 5 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đan cói, bèo bồng của xã Kim Chính vẫn đang nỗ lực để duy trì hoạt động, tuy không nhộn nhịp như trước kia mà sản xuất “cầm chừng” chuẩn bị các điều kiện phục hồi sản xuất. Các cơ sở luôn cố gắng thích ứng và tìm kiếm cơ hội mới khi dịch bệnh được kiểm soát thay vì dừng sản xuất.

Trên địa bàn xã hiện có 1 doanh nghiệp và 9 đại lý thu mua hàng cói, bèo bồng vừa thu mua những sản phẩm để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết vừa tìm tòi những mẫu mã mới giới thiệu với khách hàng để tìm kiếm đơn hàng mới, áp dụng công nghệ trong giao dịch, giới thiệu sản phẩm…

Với việc năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp, đại lý thu mua hàng cói, để duy trì sản xuất lấy đà phục hồi, bà con nông dân các làng nghề TTCN trên địa bàn xã vẫn đang chủ động sản xuất, chú trọng thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, các làng nghề vẫn phát huy tính chuyên sâu khá cao như: làng nghề Trì Chính nổi tiếng với nghề dệt chiếu với các sản phẩm như chiếu đậu, chiếu in hoa, chiếu manh, chiếu trường kỷ. Làng nghề Kiến Trung với những mẫu nhỏ như hộp, túi xách, giày dép…Làng nghề Yên Thổ lại chuyên về mẫu tết bện bằng bèo bồng. Ngoài các sản phẩm truyền thống từ cói và bèo bồng, hiện nay người dân trên địa bàn xã cũng chuyển sang bện lúa non xuất khẩu sang Nhật.

Nghề tết, bện lúa non xuất khẩu sang Nhật.

Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho các làng nghề TTCN trên địa bàn phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp, các làng nghề thực hiện cải tiến kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, mở rộng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu, tiêu thụ để đưa hàng hóa thủ công truyền thống của địa phương vươn xa hơn đến các thị trường tiềm năng. Tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để có vốn mua máy móc trang thiết bị, nguyên liệu sản xuất…

Trong xu hướng đổi mới nền kinh tế nông thôn thì sự phát triển của các nghề tiểu thủ công nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đồng thời vẫn giữ gìn và phát triển các giá trị truyền thống của làng quê Việt Nam. Hi vọng các làng nghề TTCN của xã Kim Chính nói riêng và các làng nghề của huyện Kim Sơn nói chung vượt qua được khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh chờ đón cơ hội mới khi dịch bệnh được kiểm soát.