09/11/2024 lúc 10:07 (GMT+7)
Breaking News

Lan tỏa sâu rộng những giá trị tốt đẹp đạo đức cách mạng trên lĩnh vực văn học nghệ thuật

Nhận thức sâu sắc vai trò của văn học nghệ thuật, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã khẳng định: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách, đạo đức, trí tuệ bản lĩnh cho các thế hệ con người”.

Ảnh minh họa - TL

GÓP PHẦN LAN TỎA NHỮNG GIÁ TRỊ TỐT ĐẸP CỦA ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

Nếu như các phương tiện tuyên truyền khác tác động vào lý trí, thì văn học nghệ thuật chủ yếu tác động vào tình cảm và cùng tạo nên niềm tin cách mạng trong quần chúng. Văn học nghệ thuật như là “chất kích thích” tích cực thôi thúc hành động ngưỡng mộ, học tập và làm theo những hình tượng cách mạng được xây dựng và diễn tả một cách sinh động trong các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Tư tưởng, tình cảm, thông điệp được thể hiện qua tác phẩm văn học nghệ thuật có thể tác động và làm thay đổi cảm xúc, nhận thức, tư tưởng của một bộ phận xã hội cũng như có tác dụng định hướng dư luận xã hội. 

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta, những cuốn tiểu thuyết gối đầu giường như Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Đường thời đại của Đặng Đình Loan…; những tác phẩm điện ảnh kinh điển như  Chung một dòng sôngChim vành khuyênChị Tư HậuKim ÐồngLửa trung tuyếnCù Chính LanKhôn dại…; những bài ca đi cùng năm tháng như Đoàn vệ quốc quân của Phan Huỳnh Điểu, Du kích Sông Thao của Đỗ Nhuận, Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Lưu Hữu Phước, Bài ca hy vọng của Văn Ký, Giải phóng miền Nam của Huỳnh Minh Siêng… đã góp phần khơi dậy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí chiến đấu dũng cảm, kiên cường của dân tộc, góp phần làm nên những chiến công vĩ đại trong thế kỷ XX.

Từ đó đến nay, sau hơn 35 năm đổi mới, đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh được những thành quả lớn lao của sự nghiệp đổi mới cùng những băn khoăn, trăn trở, lo âu trước những vấn đề mới của thời cuộc. Mới nhất, trong đại dịch COVID-19, văn học nghệ thuật đã thể hiện vai trò của mình qua những bài hát, vũ điệu, tranh cổ động, phim ảnh… có tác dụng cổ vũ lớn lao, giúp nhân dân cả nước lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc phòng, chống dịch bệnh, khơi dậy tinh thần xả thân vì cộng đồng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn.

Trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật tham gia vạch trần những tư tưởng, quan điểm sai trái, giả hiệu, những thói hư, tật xấu trong xã hội, đấu tranh gián tiếp với các luận điệu sai trái, thù địch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như những kịch bản của Lưu Quang Vũ như Hồn Trương Ba da hàng thịtTôi và chúng taNguồn sáng trong đờiHoa cúc xanh trên đầm lầy… Với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hiện đại như internet, mạng xã hội, văn học nghệ thuật càng có sức lan tỏa rộng rãi, tác động mạnh mẽ đến việc củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào hành động cách mạng của quần chúng trong sự nghiệp đổi mới. 

Ở Việt Nam, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương, địa phương không chỉ làm nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng, động viên, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật mà còn có vai trò tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến và kiến nghị với các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách, luật pháp đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng như đối với văn nghệ sĩ nhằm phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, nói cách khác là tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất chính trị cho văn nghệ sĩ, xây dựng lòng tin, ý thức trách nhiệm phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương, địa phương luôn động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tiếp tục đồng hành với Đảng và dân tộc, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân, đem tài năng của mình sáng tạo nhiều hơn những công trình, tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn, tư tưởng và nghệ thuật, phục vụ cao nhất cho công cuộc đổi mới, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giúp cho trí thức, văn nghệ sĩ nhận thức sâu sắc được cống hiến, phục vụ cho nhân dân, phục vụ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm thiêng liêng.

Với vai trò định hướng tư tưởng chính trị cho văn nghệ sĩ, trên cơ sở nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng, các tổ chức Hội Văn học nghệ thuật đã thường xuyên định hướng và tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ đi thực tế, cọ xát với thực tiễn phong phú của sự nghiệp đổi mới. Công tác giáo dục tư tưởng cho văn nghệ sĩ luôn được chú trọng, làm cho lý tưởng cách mạng và đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng, những thành tựu của sự nghiệp đổi mới trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác của văn nghệ sĩ, làm cho từng văn nghệ sĩ hiểu được nếu văn học nghệ thuật hòa vào dòng chảy chung của cách mạng, của dân tộc sẽ nâng tầm giá trị các tác phẩm của mình, đó cũng là những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng. Coi trọng việc phát hiện bồi dưỡng những văn nghệ sĩ trẻ, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng để đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, về kỹ năng tiến hành công tác tư tưởng. Quan tâm giáo dục lịch sử, truyền thống văn học nghệ thuật cách mạng, học tập những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao trong lịch sử cách mạng thế giới và các cuộc kháng chiến của dân tộc. Tạo môi trường dân chủ, tự do trong sáng tạo, khuyến khích văn nghệ sĩ tìm kiếm các thủ pháp nghệ thuật mới mẻ, phù hợp với giới trẻ và thời đại công nghệ thông tin.

Văn nghệ sĩ cũng là lực lượng nòng cốt quan trọng làm nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lên án các hành vi tiêu cực, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, chống lại âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

RÈN LUYỆN, NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ

Để văn học nghệ thuật lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp đạo đức cách mạng, việc rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ là một vấn đề thực sự có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Bởi vì, khi văn nghệ sĩ có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, thấm nhuần đạo đức và lý tưởng cách mạng cao đẹp, họ sẽ thực sự là những chiến sĩ xung kích, quả cảm trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Họ sẽ “tự đề kháng” và nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng để nhận diện và chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác luận điệu xuyên tạc, thù địch; sẽ tích cực tham gia đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, móc nối, kích động chống phá đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng bằng chính “vũ khí tinh thần” đặc biệt hiệu quả của mình.

Khi mỗi văn nghệ sĩ có lập trường tư tưởng, quan điểm rõ ràng, họ sẽ ý thức rõ về vị trí, vai trò của mình trên con đường sáng tạo và truyền bá những giá trị tinh hoa của văn hóa cũng như xây dựng hệ tư tưởng cộng đồng xã hội. Đồng thời, sẽ khơi nguồn cảm hứng, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân, tận hiến để tích cực sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng những mẫu điển hình tiên tiến, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân theo đúng quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối phát triển văn hóa văn nghệ của Đảng.

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng văn hoá phải bắt đầu từ mỗi con người với tư cách là chủ thể của văn hoá”, để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong văn nghệ sĩ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương cần chú trọng đến những giải pháp cơ bản, thiết thực như:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động về lĩnh vực văn học nghệ thuật đến toàn thể văn nghệ sĩ để định hướng, nâng cao nhận thức, tạo động lực và tư duy sáng tạo ở văn nghệ sĩ. Tích cực tổ chức, đề xuất và phối hợp tổ chức các hội nghị riêng để tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của các cấp ủy Đảng, chính quyền mỗi tỉnh/thành phố; tổ chức được các buổi nói chuyện chuyên đề, nói chuyện thời sự, các hội thảo, tọa đàm để cung cấp thông tin chính thống, chính xác để văn nghệ sĩ có cái nhìn toàn cảnh, bao quát và thấu đáo về các vấn đề mới, nóng mang tính thời sự, chiến lược trong nước và trên thế giới hiện nay.

Thứ hai, bám sát các chủ trương, đường lối, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và địa phương để chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình hành động toàn khóa và từng năm; Đổi mới phương thức lãnh đạo, mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động và quy chế làm việc của Đảng đoàn, Thường trực, Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật cấp tỉnh/thành phố, của Ban Chấp hành, Ban Chủ nhiệm các Hội/Chi hội chuyên ngành, của Ban Biên tập Tạp chí văn học nghệ thuật địa phương và Văn phòng Hội; nâng cao trình độ nghiệp vụ và năng lực quản lý của cán bộ, đảng viên, nhân viên Văn phòng Hội. Nêu cao vai trò của các Hội chuyên ngành và đơn vị trực thuộc trong công tác tham mưu, tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật và thực hiện quyền chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn.

Thứ ba, chỉ đạo làm tốt công tác phát triển và quản lý hội viên, công tác định hướng hoạt động sáng tác và biểu diễn của đội ngũ văn nghệ sĩ, phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền, lan tỏa bản sắc văn hóa riêng của mỗi địa phương, vùng, miền. Tăng cường các kênh nắm bắt dư luận xã hội về hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ các chuyên ngành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các thế lực thù địch móc nối, lôi kéo văn nghệ sĩ tham gia các diễn đàn, hội thảo có nội dung nhạy cảm chính trị, tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước; kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc, thiếu chuẩn mực về hành vi ứng xử, nói, viết, tương tác của hội viên trên các trang mạng xã hội để có giải pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời.

Thứ tư, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân sự lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật; tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ văn nghệ sĩ, hội viên, nâng cao chất lượng tác phẩm, chú trọng công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình, dịch thuật văn học nghệ thuật. Tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên tham gia các trại sáng tác, cuộc thi sáng tác, thực tế sáng tác, tổ chức giao lưu, cũng như tham gia hội thảo, tọa đàm chuyên đề… để các văn nghệ sĩ phát huy vai trò sáng tạo, đi sâu vào đời sống nhân dân để tìm tòi, phát triển tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học nghệ thuật. Đổi mới hơn nữa công tác tổ chức trại sáng tác, thâm nhập thực tế, giao lưu trong nước và quốc tế. Tích cực phát hiện, bồi dưỡng, thu hút tài năng trẻ về văn học và các loại hình nghệ thuật.

Để các tác phẩm văn học nghệ thuật truyền tải được hệ tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, phản ánh toàn diện sự nghiệp đổi mới cần phải có những văn nghệ sĩ không chỉ có tâm, có tài mà còn phải có sự hiểu biết sâu sắc và niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Chỉ có như vậy, văn học nghệ thuật mới chuyển tải tư tưởng chính trị một cách tinh tế, linh hoạt, uyển chuyển, không cứng nhắc, áp đặt, mang giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao.

GÓP PHẦN ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Là một lĩnh vực quan trọng trên mặt trận tư tưởng - lý luận của Đảng, văn học, nghệ thuật cũng tham gia tích cực phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Để văn học nghệ thuật làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh với các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị cao đẹp của văn học, nghệ thuật cách mạng cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung vào một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ. Đảng ta nhấn mạnh: “Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, chăm lo bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật”. Đó là cơ sở pháp lý, định hướng quan trọng để phát triển văn học, nghệ thuật của nước ta trong thời gian tới. Tăng cường rà soát, bổ sung các chế tài, quy định trong hệ thống luật pháp và các chính sách đối với văn nghệ sĩ và lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Thường xuyên kiện toàn tổ chức và phát huy vai trò của các hội văn học, nghệ thuật. Kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại ấn phẩm, văn hoá phẩm xấu độc từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta.

Hai là, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị và tư tưởng vững vàng cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, cần tiếp tục đổi mới cả về chương trình, nội dung và hình thức; cả về chuyên môn và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức. Nội dung giáo dục, bồi dưỡng cần chú trọng nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của văn học, nghệ thuật cách mạng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để làm sáng tỏ những vấn đề đang đặt ra đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng như việc xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là các hội văn học, nghệ thuật trong công tác quản lý, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ để họ xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn học, nghệ thuật như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Mặt khác, đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tích cực học tập đường lối, chủ trương của Đảng; không ngừng nâng cao ý thức chính trị, sự tỉnh táo, dám đấu tranh với với các quan điểm sai trái.

Ba là, phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Tiếp tục tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ phát huy vai trò sáng tạo, đi sâu vào đời sống nhân dân để tìm tòi, phát triển tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật. Có cơ chế khuyến khích, động viên, tôn vinh văn nghệ sĩ, các tác phẩm có giá trị cao, thông qua các cuộc thi, giải thưởng,… để họ hăng say sáng tạo.

Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ, tạo mọi điều kiện cho giới văn nghệ sĩ trí thức thể hiện tài năng, nhưng văn nghệ sĩ cũng phải thấy rõ trách nhiệm xã hội của mình để sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời, tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, móc nối, kích động chống phá đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; khuyến khích, động viên quần chúng nhân dân tích cực tham gia hoạt động văn học, nghệ thuật để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố mới, tài năng, tạo điều kiện để phát triển đội ngũ.

Bốn là, đa dạng hóa các hình thức hoạt động văn học, nghệ thuật ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân được hưởng thụ những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng, tính thẩm mỹ cao. Mặt khác, cần nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính chủ động, trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, tạo ra sức tự đề kháng cho quần chúng nhân dân trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, văn hoá, truyền thông ở cơ sở, góp phần phát triển văn học, nghệ thuật đúng hướng, mang đậm tính nhân dân, tính dân tộc.

Năm là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, tiếp thu tinh hoa văn học, nghệ thuật của nhân loại. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước ta chủ động và tích cực hội nhập quốc tế thì lĩnh vực văn học, nghệ thuật càng có điều kiện để mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế. Việc mở rộng giao lưu văn học, nghệ thuật với các nước phải toàn diện cả việc giới thiệu văn học, dịch các tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới, chọn lọc dịch tác phẩm nước ngoài sang Tiếng Việt; đưa nghệ thuật dân tộc Việt Nam cùng những thành tựu mới từ nghệ thuật đương đại nước ta ra thế giới và tiếp thu tinh hoa văn học, nghệ thuật của nhân loại để làm phong phú thêm nền văn học, nghệ thuật của nước nhà.

Tuy nhiên, việc tiếp thu phải chủ động, có chọn lọc. Một mặt, cần tích cực vạch mặt và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lợi dụng văn học, nghệ thuật để chống phá Đảng, chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt khác, phát hiện và đưa ra công luận những biểu hiện móc nối, liên kết giữa lực lượng trong nước và ngoài nước để sáng tác, xuất bản, quảng bá các tác phẩm có nội dung chống phá cách mạng và gây tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với lớp trẻ.

Đấu tranh với các quan điểm sai trái, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị cao đẹp của văn học, nghệ thuật cách mạng muốn đạt hiệu quả cao, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trên; kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý với phát huy vai trò, sự sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp.

Trải qua chiều dài thăng trầm của lịch sử, văn học nghệ thuật nước nhà đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Để lan tỏa sâu rộng hơn nữa những giá trị tốt đẹp chân - thiện - mỹ, dân chủ, nhân văn của văn học nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, giới văn nghệ sĩ - trí thức hơn bao giờ hết, cần xiết chặt đội ngũ, đoàn kết một lòng, với khát vọng cống hiến và sức lao động sáng tạo để có thêm nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa - văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc!

PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân 
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

...