Cùng tham dự sự kiện có ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch ADB, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tiếp riêng ngài Chủ tịch ADB.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi ADB là một trong những đối tác phát triển quan trọng, thân thiết, tin cậy, hiệu quả...
Phát biểu tại cuộc tiếp Chủ tịch ADB và lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi ADB là một trong những đối tác phát triển quan trọng, thân thiết, tin cậy, hiệu quả; đánh giá cao sự có mặt của Chủ tịch ADB tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 30 năm hợp tác, cho thấy thông điệp mạnh mẽ về hướng tới tương lai với tầm nhìn xa hơn, hợp tác hiệu quả hơn.
Khái quát về những chặng đường phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, có thể nói Việt Nam là dân tộc chịu nhiều đau thương, mất mát nhất do chiến tranh gây ra kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Nhưng từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Có được những thành tựu này là nhờ tinh thần tự lực, tự cường dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế, trong đó có ADB.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam không bao giờ quên các nước, bạn bè, đối tác quốc tế đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong những lúc khó khăn nhất. Việt Nam trân trọng, biết ơn và đánh giá cao ADB là một trong những đối tác rất nhiệt tình với sự hỗ trợ hiệu quả trên các lĩnh vực, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, phát triển y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông…, phục vụ nhu cầu phục hồi, phát triển cấp bách trong những năm tháng sau chiến tranh. Sự hỗ trợ của ADB còn tạo động lực, truyền cảm hứng cho các đối tác giúp đỡ Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam rút ra một số bài học kinh nghiệm về hợp tác giữa hai bên: Phải bám sát tình hình, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cần hợp tác để đúng, trúng; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh một nước đang phát triển có rất nhiều việc phải làm; các cấp, các ngành, các địa phương phải trân trọng, sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của ADB, chống tiêu cực, tham nhũng.
Theo Thủ tướng, sau 30 năm, hợp tác giữa Việt Nam và ADB đã có nhiều kinh nghiệm hơn và đang ở trong giai đoạn trưởng thành, chín chắn nhất; mặt khác, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện, hợp tác giữa hai bên là không có giới hạn như phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, nhất là về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Do đó, hoạt động hợp tác giữa ADB và Việt Nam cần trọng tâm, trọng điểm hơn, tập trung cho đầu tư phát triển, các chương trình, dự án mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, thay vì tập trung cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo như giai đoạn trước, với tư duy, cách làm, thủ tục đổi mới.
Trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Thủ tướng mong ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn, công nghệ, xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân lực, tư vấn chính sách, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các đối tác phát triển khác, triển khai các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030, 2045.
Thủ tướng đề nghị hợp tác giữa hai bên tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như ứng phó biến đổi khí hậu, các công trình hạ tầng chiến lược, nhất là tại ĐBSCL, các lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển khu vực tư nhân.
Trong đó, việc ứng phó biến đổi khí hậu gồm nhiều lĩnh vực như điện, giao thông, nông nghiệp…, đều đang được Việt Nam triển khai quyết liệt như chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL; thúc đẩy sản xuất xe điện trong lĩnh vực giao thông… Việt Nam đã công bố kế hoạch triển khai Thỏa thuận JETP, nỗ lực hoàn thành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch Điện VIII để ban hành trong tháng 3 này, trên cơ sở đó sẽ ban hành các dự án cụ thể để sử dụng vốn tài trợ của Tuyên bố đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của G7 và Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) của Nhật Bản…
Thủ tướng đề nghị ADB tiếp tục góp ý với Việt Nam về các quy định, thể chế, thủ tục, chia sẻ để Việt Nam tham khảo kinh nghiệm pháp lý của các nước khác; Việt Nam sẵn sàng tiếp thu. Thủ tướng cho biết sẽ phân công một Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nhằm tháo gỡ các vướng mắc, rút ngắn thời gian phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tài trợ của các đối tác tài trợ nói chung và của ADB nói riêng; tinh thần là giải quyết dứt điểm các vướng mắc, không để kéo dài, vướng ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, trường hợp vướng mắc tại quy định các luật, Chính phủ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng mong ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn, công nghệ, xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân lực, tư vấn chính sách...
Thủ tướng cũng đề nghị ADB tiếp tục tư vấn chính sách, nhất là chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa phù hợp tình hình biến đổi rất nhanh hiện nay, cả trước mắt và lâu dài, nhất là trước những vấn đề khủng hoảng không được dự báo trước. Việt Nam kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong mọi hoàn cảnh, vừa kiểm soát lạm phát để không ảnh hưởng tới đời sống người dân, vừa thúc đẩy tăng trưởng để nâng cao tiềm lực quốc gia.
Thủ tướng đề nghị hai bên lập tổ công tác để triển khai các hoạt động hợp tác và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối để xây dựng, triển khai các dự án; mong muốn hai bên nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa để 30 năm tới hợp tác tốt hơn, hiệu quả hơn, trên tinh thần chân thành, tin cậy, tình cảm "từ trái tim tới trái tim".
Trước đó, tại cuộc tiếp riêng, Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành cùng Chủ tịch ADB đã trao đổi về giải quyết một số vướng mắc, khó khăn cụ thể trong hợp tác giữa hai bên.
Chia sẻ tại lễ kỷ niệm và trong trao đổi với Thủ tướng, ông Masatsugu Asakawa cho biết đã tới Việt Nam nhiều lần nhưng đây là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Chủ tịch ADB; chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội ấn tượng, toàn diện trong vài thập kỷ qua của Việt Nam mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do kinh tế toàn cầu, thách thức ngày càng gia tăng, nhất là biến đổi khí hậu.
Quan hệ Việt Nam-ADB 30 năm qua phát triển nhanh chóng, đạt nhiều thành tựu, Việt Nam là là một trong những đối tác tích cực nhất của ADB. Tổng số vốn hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam đến nay đạt khoảng 18 tỷ USD. Ngài Chủ tịch tái khẳng định cam kết của ADB, nhấn mạnh ADB luôn quan tâm hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu quan trọng, đầy hoài bão đã đề ra, dự kiến huy động nguồn lực lên tới 3 tỷ USD cho khoảng 23 dự án tại Việt Nam giai đoạn 2023-2026.
ADB sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thu xếp nguồn vốn cho các dự án trong các lĩnh vực mà Thủ tướng đã chỉ ra như chuyển đổi năng lượng, các dự án hạ tầng quy mô lớn, các dự án hợp tác công-tư, các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu về sản xuất chế tạo bán dẫn…, phát triển khu vực tư nhân, góp phần khơi thông nguồn vốn đầu tư của tư nhân cũng như FDI.
Chủ tịch ADB đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như trao quyền cho phụ nữ và đặc biệt là các cam kết, tầm nhìn, quyết tâm và các nỗ lực, giải pháp của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Với vai trò là ngân hàng khí hậu của châu Á và Thái Bình Dương, ADB đã cam kết 2,1 tỷ USD cho Việt Nam để thực hiện JETP cũng như ETM - công cụ tài chính mới để các nhà máy nhiệt điện chạy than sớm ngừng hoạt động, sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn. "Đây là cơ hội đặc biệt cho chúng ta", ông nói.
Nhận định Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo sát sao với hoạt động hợp tác hai bên, ông cho biết ADB sẽ không chỉ đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, mong muốn hỗ trợ của Việt Nam mà còn đơn giản hóa các quy trình, thủ tục như đề nghị của Thủ tướng.
"Cuối cùng, chúng tôi xin bày tỏ cảm kích đối với sự hợp tác của Việt Nam với ADB, về sự phát triển đất nước Việt Nam tươi đẹp với những con người dám nghĩ, dám làm đã mang lại một mô hình hợp tác tuyệt vời để hỗ trợ cho người dân mà chúng ta phục vụ", ông nói.
Về phần mình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh vai trò, đóng góp của ADB đối với sự phát triển của Việt Nam nói chung và sự hỗ trợ quý báu của ADB trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng, thông qua các hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chương trình vay vốn, tài trợ thương mại tới ngân hàng thương mại.
Với vai trò là cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam tại ADB cũng như các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế khác, trong suốt 30 năm sát cánh, đồng hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực, thực hiện hiệu quả vai trò đại diện Chính phủ, là cầu nối quan trọng gắn kết các chính sách, hoạt động ADB với các chiến lược, chính sách phát triển quốc gia cho từng thời kỳ, qua đó nhằm khai thác, sử dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ cho các chương trình, dự án ưu tiên, quan trọng của Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tích cực, chủ động hơn nữa phối hợp với ADB cũng như các tổ chức tài chính, tiền tệ khác mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện nhằm huy động thêm các nguồn lực để hỗ trợ Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội./.