29/09/2024 lúc 22:26 (GMT+7)
Breaking News

Kon Tum: Ứng phó thiên tai và nỗi lo của người dân mỗi khi mưa lũ về

Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu các sở, ban ngành, các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai ứng phó thiên tai, mưa bão trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu các sở, ban ngành, các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai ứng phó thiên tai, mưa bão trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo văn bản số 3052/UBND-NNTN của UBND tỉnh, các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai hiện có, chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh. ảnh: Hồng Lam

Rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của đơn vị, địa phương mình theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, khu vực hạ lưu các hồ đập có nguy cơ xảy ra sự cố để chủ động xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa lũ theo quy định, sẵn sàng lực lượng, phương tiện và nhân lực để chủ động ứng phó, tránh xảy ra sự cố mất an toàn.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện lệnh vận hành hồ chứa và đề nghị các chủ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn hồ đập, thường xuyên theo dõi chặt chẽ, dự báo chính xác, cảnh báo sớm, kịp thời tình hình mưa, lũ và rủi ro thiên tai để tổ chức vận hành an toàn tuyệt đối và hiệu quả các hồ thủy điện, thủy lợi.

Nỗi lo của người dân mỗi khi mùa lũ về
 
Những năm qua, tình trạng sạt lở đất trên dọc sông Đăk Bla xuất hiện ngày càng nhiều gây ảnh hưởng đến đất sản xuất, công trình cơ sở hạ tầng giao thông và đời sống của người dân. Và vào mùa mưa lũ, người dân lại càng thêm nỗi lo về sạt lở.

Đi dọc hai bên bờ sông Đăk Bla trên địa bàn thành phố Kon Tum, chúng ta dễ dàng nhận thấy có rất nhiều điểm sạt lở dọc bờ sông. Nhiều điểm sạt lở loang lổ vào gần khu nhà ở, diện tích đất sản xuất, đất nông nghiệp của người dân. Tại thôn Kon Jreh (xã Đăk Blà), một người dân cho biết, gia đình tôi đã mất cả chục mét đất vì tình trạng sạt lở bờ sông. Sau nhiều năm và sau mỗi mùa mưa bão, phần đất phía sau nhà anh ở sát dòng sông Đăk Bla ngày càng bị thu hẹp. Lòng sông thì ngày càng rộng thêm. Tình trạng sạt lở khiến phần đất người dân cao hơn lòng sông đến hơn 5m.

Tình trạng sạt lở sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. ảnh: Phúc Nguyên

Người này cho biết: Ngày xưa, bên ngoài khu đất nhà tôi còn có một con đường sát bờ sông, đó là lối đi vào khu sản xuất của bà con trong làng. Thế nhưng, sau mùa mưa lũ, mỗi năm bờ sông lại sạt lở một ít và đến nay, con đường sát bờ sông đã không còn. Trước đây, đất nhà tôi cách con đường ấy cũng phải hơn 10 mét, vậy mà, giờ đây mảnh đất nhà tôi cũng bị dòng sông lấn vào gần cả chục mét. 

“Trước đây, phía sau nhà tôi và nhiều hộ dân khác đều đã trồng tre sát bờ sông để chống sạt lở nhưng chỉ sau vài trận mưa lũ mấy bụi tre cũng bị cuốn trôi. Mùa mưa lũ ngày càng phức tạp, nên mình lo vài năm nữa, tình trạng sạt lở sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Về lâu dài sẽ sạt lở vào đến khu vực nhà tôi đang ở” - người này lo lắng.

Cũng tại xã Đăk Blà, con đường vào thôn Kon Drei (nơi có hơn 200 hộ dân đang sinh sống) phải đi qua 2 con suối lớn chảy ra sông Đăk Bla thường xuyên bị ngập vào mùa mưa lũ, vì vậy, để phục vụ việc đi lại của người dân, chính quyền địa phương đã tiến hành xây dựng 2 cống tràn qua suối. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lũ, cùng với tình trạng sạt lở của bờ sông Đăk Bla khiến 2 cống tràn này bị hư hỏng nghiêm trọng. Chân khay, tường cánh, sân cống của 2 cống tràn thôn Kon Drei đã bị sập hoàn toàn, làm xói lở sâu vào thân cống khoảng 1,5 mét.

Người dân nơi đây cho biết, hàng ngày, hàng trăm người dân phải đi qua hai cống tràn này nhiều lần để đến trung tâm xã. Nhưng việc cống tràn bị hư hỏng nghiêm trọng do sạt lở bờ sông khiến người dân trong làng vô cùng lo lắng, nhất là khi mùa mưa lũ năm 2021 đang ở thời kỳ cao điểm. 

Trao đổi với Pv lãnh đạo UBND xã Đăk Blà cho biết: Tình trạng sạt lở bờ sông Đăk Bla trên địa bàn xã chủ yếu ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp, cây trồng của một số hộ dân ở thôn Kon Drei và Kon Jreh. Do mỗi năm sạt lở một ít nên không thống kê được diện tích bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mưa lũ đã khiến 2 cống tràn vào làng Kon Drei bị sạt lở hư hỏng nghiêm trọng. Xã đã kiểm tra, đề nghị thành phố sửa chữa, khắc phục để đảm bảo đi lại của người dân được an toàn.

Tình trạng sạt lở bờ sông Đăk Bla không chỉ xảy ra tại địa bàn xã Đăk Blà mà còn xảy ra tại nhiều địa bàn khác. Qua kiểm tra, thống kê của UBND thành phố Kon Tum, trên địa bàn có hàng trăm người dân bị ảnh hưởng sạt lở và nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất dọc sông Đăk Bla, nhiều nhất là ở các xã Vinh Quang, Đăk Rơ Wa, Đăk Năng và phường Nguyễn Trãi…Đơn cử, như các hộ dân gần cầu Đăk Tơ Reh (gần Nhà máy đường, xã Vinh Quang); các hộ dân dọc sông Đăk Bla ở thôn Kon Klor 2 và tuyến đường vào thôn Kon Jơ Ri, Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa) và những hộ dân ở khu vực nhà thờ Phương Nghĩa dọc bờ sông Đăk Bla…nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa lũ.

Trước tình trạng sạt lở và nỗi lo của người dân, hiện nay, thành phố Kon Tum đã chỉ đạo đơn vị chức năng cắm biển cảnh báo, rào chắn tại các khu vực vị trí sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao, đồng thời thông báo cho nhân dân trong khu vực biết để phòng, tránh. Thành phố Kon Tum cũng đã báo cáo, đề xuất lên UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để khắc phục./.