Mô hình kinh tế hiện đại
Kinh tế tuần hoàn (Circular economy) là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Hệ thống tuần hoàn áp dụng quy trình tái sử dụng nhằm tạo ra các vòng lặp kín cho tài nguyên, giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào, số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải.
Cụ thể, mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, trang bị và cơ sở hạ tầng, tăng năng suất của các tài nguyên này. Tất cả các "phế thải" của một quy trình sản xuất tiêu dùng đều được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất tiêu dùng khác. Cách tiếp cận này tương phản với mô hình mô hình kinh tế tuyến tính đang phổ biến hiện nay. Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vất bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, thì kinh tế tuần hoàn chú trọng vấn đề quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải. Các mô hình kinh doanh tuần hoàn có thể vừa xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững, vừa mang lại lợi nhuận như các mô hình tuyến tính, đồng thời vẫn cho phép người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tương tự. Đó là cách tốt nhất để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường. Nói cách khác, không còn phải đánh đổi giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thực hiện được đồng thời nhiều mục tiêu của phát triển bền vững.
Xu thế tất yếu
Chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Khái niệm liên quan đến mô hình kinh tế tuần hoàn đã có ở Việt Nam từ cách đây 20 năm với những định danh khác. Đó là mô hình VAT (vườn-ao-chuồng), một mô hình khá thành công tại Việt Nam. Ngoài ra, các khái niệm “khu công nghiệp sinh thái - ecological industrial zone”, “sản xuất sạch hơn – Cleaner production”, “Không phát thải – zero emission”, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất – một phần của kinh tế tuần hoàn – cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua. Các khái niệm này đã được thể hiện qua các chính sách của Đảng và nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và đang được triển khai nghiên cứu, áp dụng.
Kinh tế tuần hoàn không chỉ được đề cập trong chủ trương, Việt Nam còn là một trong những quốc gia đầu tiên ở ASEAN thể chế hóa quy định về kinh tế tuần hoàn trong Luật. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và hệ thống văn bản hướng dẫn, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được xác định là “là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế tuần hoàn có nhiều ưu điểm và lợi ích. Cụ thể, đối với quốc gia: phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân...
Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo mới, các công nghệ đột phá giúp doanh nghiệp tăng trưởng cao hơn thông qua cắt giảm chi phí; giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2; tăng cường chuỗi cung ứng và bảo tồn tài nguyên; góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...
Định hướng phát triển quan trọng của Việt Nam
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP vào năm 2035. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Dự báo, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 11% GDP của Việt Nam vào năm 2030. Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì hướng tiếp cận chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” được xem là một ưu tiên trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Tại Việt Nam, giai đoạn 2021-2030, Đảng và Nhà nước đã xác định việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng quan trọng của đất nước. Theo đó, Việt Nam triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên 3 trụ cột: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái. “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Trong những năm qua, mô hình sản xuất sạch hơn đã được đẩy mạnh triển khai áp dụng rộng rãi. Theo thống kê của Bộ Công Thương, gần 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên cả nước đã được hỗ trợ đánh giá nhanh, gần 100 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn, trở thành các mô hình điểm về áp dụng sản xuất sạch.
Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã dần chủ động thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 cũng được ban hành, nhằm mục tiêu huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện mọi giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để đạt được mục tiêu đến năm 2025: đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 đến 7,0 % tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025; giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%; giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015-2018. Chương trình cũng đặt ra mục tiêu xây dựng một trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam và ít nhất hai trung tâm đào tạo quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cùng với Thành lập quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua xã hội hóa, tài trợ và hợp tác của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Là quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, sự chuyển đổi sang sản xuất tiêu dùng bền vững là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam và kinh tế tuần hoàn như một công cụ thiết thực, một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, hướng tới phát triển bền vững đất nước./.