26/11/2024 lúc 02:37 (GMT+7)
Breaking News

Kinh tế lao đao khiến người tiêu dùng Trung Quốc nhịn ăn tiêu

VNHN - Chiến tranh thương mại leo thang và tăng trưởng kinh tế sụt giảm buộc người dân Trung Quốc cắt giảm chi tiêu, không còn vung tiền thoải mái như trước đây.

VNHN - Chiến tranh thương mại leo thang và tăng trưởng kinh tế sụt giảm buộc người dân Trung Quốc cắt giảm chi tiêu, không còn vung tiền thoải mái như trước đây.

Theo New York Times, lần đầu tiên sau nhiều năm, người tiêu dùng Trung Quốc đối mặt với một trải nghiệm đầy khó chịu. Đó là cảm giác đầy ám ảnh rằng thời kỳ tươi đẹp nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trôi qua. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang hạ nhiệt, chi phí sinh hoạt leo thang. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không có dấu hiệu kết thúc. Thu nhập của người lao động không còn tăng nhanh, cơ hội nghề nghiệp giảm sút. Người tiêu dùng Trung Quốc trở nên thận trọng và thắt chặt chi tiêu.

Họ giảm mua xe ôtô, điện thoại thông minh và các thiết bị gia dụng. Họ hạn chế ra rạp xem phim và đi du lịch nước ngoài. Họ giữ tiền trong tài khoản ngân hàng. Đối với giới trẻ Trung Quốc, những người chưa bao giờ trải qua một cuộc khủng hoảng kéo dài, sự thay đổi này đặc biệt sâu sắc. Giới trẻ Trung Quốc giờ đây có nhiều lý do để lo lắng hơn. Theo khảo sát của trang web hướng nghiệp Zhaopin.com, thị trường lao động Trung Quốc đang chuyển biến xấu. Số lượng sinh viên mới tốt nghiệp đi tìm việc làm cao hơn số công việc có sẵn. Rất nhiều công việc chờ người lao động chỉ là việc thuộc ngành dịch vụ có mức thu nhập thấp.

Người trẻ Trung Quốc giờ không đủ tiền mua nhà ở Thâm Quyến hay Thượng Hải.

“Đối với người trẻ ngoài 20 tuổi ở Trung Quốc, đây là lần đầu tiên họ trải qua một cuộc suy thoái kinh tế”, New York Times dẫn lời chuyên gia Andrew Polk, người sáng lập hãng tư vấn Trivium, nhận định. "Họ bắt đầu ý thức được rằng tăng trưởng kinh tế không còn là điều chắc chắn", ông Polk nhấn mạnh. Wang Junda, 27 tuổi, đang làm việc theo hợp đồng ngắn hạn tại một khu phức hợp ở Trịnh Châu (Trung Quốc). Wang là tài xế của Didi, ứng dụng gọi xe tương tự Uber. Anh cố kiếm tấm bằng lái xe tải để tăng thu nhập. Nhưng anh vẫn lo rằng mình sẽ không bao giờ kiếm đủ. “Bạn sẽ chẳng bao giờ đủ tiền tiêu bất kể bạn kiếm được bao nhiêu tiền”, Wang than thở.

Sự bất an đang lan rộng khắp Trung Quốc, từ các trung tâm tài chính như Thượng Hải và Thâm Quyến cho đến vùng lao động như Trịnh Châu, khu đô thị công nghiệp có 10 triệu cư dân. Tại một trung tâm thương mại ở Trịnh Châu, Wang Li - một chủ cửa hàng bán khăn, nước và đồ lưu niệm - mòn mỏi ngắm nhìn dòng người qua lại. Cùng với hơn 10 chủ cửa hàng khác, cô chán nản ngồi trên ghế và lướt điện thoại trong khi chờ khách hàng. “Cửa hàng nào cũng ế ấm chứ không riêng gì cửa hàng của tôi”, cô Wang than vãn. Theo thống kê của Capital Economics, doanh số của 100 công ty bán lẻ lớn nhất Trung Quốc giảm mạnh trong vài tháng gần đây. Doanh thu của mì ăn liền tăng trở lại sau vài năm giảm liên tiếp. Đây là một chỉ số cho thấy tình trạng sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc.

Kinh tế sa sút, người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu lo lắng. 

Bởi trong những năm qua, các gia đình khá giả ở nước này thường đi ăn tiệm chứ ít khi ăn tại nhà. “Tin xấu là mọi chỉ số tiêu dùng đều giảm, và tình hình thực tế có lẽ còn tồi tệ hơn nhiều so với các con số được chính phủ Trung Quốc công bố chính thức”, chuyên gia phân tích tiêu dùng Ernan Cui của hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics khẳng định. Nền kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt đi kèm với chi phí sinh hoạt gia tăng. Giới trẻ Trung Quốc giờ không đủ khả năng mua nhà ở Bắc Kinh hay Thượng Hải.

Nhiều người vay ngân hàng để mua nhà, và dùng thẻ tín dụng để chi tiêu khiến gánh nợ ngày càng nặng thêm. Mengjie Wu - sống ở Thượng Hải và làm việc tại một công ty công nghệ - cho biết cô lo lắng vì giá thực phẩm thiết yếu và thuốc nhập khẩu từ Mỹ tăng cao. Cô còn khoản tiền vay mua nhà phải trả cho ngân hàng. Cô Wu và bạn trai tính hoãn đám cưới. Trước đó, Wu từng mơ về chiếc nhẫn cưới hiệu Tiffany và một tiệc cưới hoành tráng trên bãi biển Bali (Indonesia).

Hoạt động kinh doanh của các ngành hàng ở Trung Quốc lao dốc.

Nhưng giờ cô cảm thấy bất lực. “Chúng tôi vẫn chưa quyết định được có tổ chức đám cưới hay không vì chi phí quá tốn kém", cô Wu thừa nhận. Trong vài năm qua, người tiêu dùng là một động lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng. Ước tính chi tiêu hộ gia đình hiện chiếm 40% tổng hoạt động kinh tế trị giá 13.000 tỷ USD của quốc gia này. Người dùng Trung Quốc cũng trở thành một phần thiết yếu của nền kinh tế toàn cầu. Chỉ riêng tiêu dùng đất nước tỷ dân đã chiếm 1/7 tăng trưởng thế giới trong 10 năm qua, theo Boston Consulting. Ví dụ, General Motor bán được nhiều xe tại Trung Quốc hơn là Mỹ. Tuy nhiên ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc thắt lưng buộc bụng để chờ qua dông bão.

Một khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy nhiều người gửi tiền vào ngân hàng thay vì chi tiêu hay đầu tư. Các hộ gia đình giảm chi và tăng cường tiết kiệm. Những ngành như điện thoại hay ôtô bị thu hẹp. Theo Boston Consulting, chi tiêu trực tuyến tại Trung Quốc giảm 50% dù thương mại điện tử vẫn bùng nổ. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đẩy giá nông sản nhập khẩu từ Mỹ tăng cao, trong khi dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng vọt. Trên mạng xã hội, người tiêu dùng Trung Quốc đang kêu gọi "tự do trái cây" và "tự do thịt heo".

George Gao và Mengjie Wu cân nhắc về việc hoãn đám cưới. 

Cô Wu và chồng chưa cưới phải dùng gần hết thu nhập - khoảng 5.600 USD trước thuế - để trả các khoản nợ. Tiền chi tiêu mua sắm thực phẩm - khoảng 300 USD - tăng 10% kể từ đầu năm. Khi đi siêu thị, cô cũng như nhiều người khác chỉ còn chọn các mặt hàng thiết yếu như trứng, sữa và thịt. Cô Wu vẫn nghĩ đến chiếc nhẫn Tiffany trong mơ. "Nhưng giá nhẫn Tiffany quá đắt, tôi sẽ để cho chồng mình chọn bất kỳ thương hiệu nào cũng được”, cô nói.