25/11/2024 lúc 20:08 (GMT+7)
Breaking News

Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản: Thị trường biến động, người “nghèo” càng khó mua nhà

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, việc siết nguồn vốn vào bất động sản không chỉ khiến doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn mà cả người “nghèo” vốn đã khó mua nhà ở nay càng khó hơn.

Sáng 11/5, tại Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng tổ chức Tọa đàm “Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản – Chính sách và tác động”. TạiToạ đầm,các diễn giả sẽ phân tích, đưa ra kịch bản, diễn biến của chính sách với thị trường bất động sản trong thời gian tới; đồng thời, thảo luận, kiến nghị, đề xuất về các giải pháp tài chính, nguồn vốn nhằm giảm thiểu mọi rủi ro, phát triển thị trường bất động sản bền vững, ổn định.

Sáng 11/5, tại Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng tổ chứcTọa đàm “Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản – Chính sách và tác động”

Doanh nghiệp bất động sản gặp khó

Theo Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản có tác động đến lĩnh vực bất động sản. Các chính sách này có tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản. Thị trường có dấu hiệu phục hồi tốt; xuất hiện nhiều chủ đầu tư, dự án bất động sản mở bán hoặc lên kế hoạch mở bán trong thời gian ngắn; sự quan tâm và lượng giao dịch bất động sản tăng dần theo tháng và ở hầu hết các phân khúc của thị trường.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết, xuất phát từ thực tế vừa qua, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN nước giao thực hiện trong năm 2022, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN.

NHNN cho biết, đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng. Trong đó, tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo NHNN khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý”, ông Dũng thông tin.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp. Gần đây, một số ngân hàng cũng có động thái thông báo dừng cho vay bất động sản.

Mặt khác, các kênh huy động vốn khác cho bất động sản như kênh trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã bộc lộ nhiều lỗ hổng bất cập cần điều chỉnh và hoàn thiện.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng biên tập Báo Xây dựng phát biểu tại Toạ đàm

 

Theo ông Dũng, đã có nhiều quan điểm khác nhau đánh giá về tác động của chính sách đối với việc kiểm soát nguồn vốn vào thị trường bất động sản. NHNN cho rằng, cần kiểm soát để điều chuyển dòng tiền vào phục hồi sản xuất. Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc kiểm soát là cần thiết.

Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia lại có phản hồi về chính sách có thể có “tác động ngược” khi bất động sản là đầu ra của hàng trăm sản phẩm của các ngành nghề sản xuất khác như: Vật liệu xây dựng, nội – ngoại thất, cảnh quan cây xanh, thiết bị điện, điện tử... và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động hàng năm.

“Dự báo, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn nếu không tiếp cận được nguồn vốn để hoạt động. Giá nhà đất có thể leo thang và cơ hội tiếp cận với nhà ở của người dân sẽ giảm.

Vì vậy, một số doanh nghiệp đề xuất kiến nghị việc kiểm soát nguồn vốn nên có lộ trình, có rà soát đối với dự án đủ điều kiện pháp lý, đúng tiến độ”, ông Dũng nhấn mạnh.

Giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng mạnh

Trao đổi với PV Việt Nam Hội nhập, ông Hoàng Liên Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Môi giới Bất động sản Alpha cho rằng, nếu việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn khó khăn với các doanh nghiệp bất động sản như hiện nay thì giá bất động sản từ nay đến cuối năm sẽ không thể hạ nhiệt.

Ông Sơn phân tích: “Việc các ngân hàng siết cho vay bất động sản đang là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản hiện nay đang có dấu hiệu chững lại. Việc nhân hàng siết cho vay bất động sản về lâu dài sẽ khiến thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi lẽ, trước đây gần như tất cả cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản đều có vốn vay ngân hàng trong đó, hiện nay mặc dù tỉ lệ này đã giảm nhưng vẫn còn rất nhỏ so với mặt bằng chung”.

Ông Hoàng Liên Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Môi giới Bất động sản Alpha cho rằng giá nhà ở từ nay đến cuối năm sẽ chưa thể hạ nhiệt

Các công ty kinh doanh bất động sản cần huy động một nguồn vốn rất lớn từ trong và ngoài nước, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân dẫn đang còn rất cao thì việc khó tiếp cận nguồn vốn đối với các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chắc chắn sẽ khiến giá bất động sản tiếp tục tăng.

Để giá bất động sản có thể “hạ nhiệt” so với hiện nay, ông Sơn cho rằng việc gỡ nút thắt về tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng là vấn đề then chốt. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục hành chính với các dự án cũng sẽ giúp thị trường bất động sản ổn định trở lại.

“Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án bất động sản chắc chắn sẽ khiến nguồn vốn của dự án bị đẩy lên. Khi nguồn cung chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường giá bất động sản chắc chắn sẽ tiếp tục tăng, bởi chúng ta đều hiểu nhà đầu tư sẽ không bao giờ chấp nhận bán lỗ”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, nếu không cẩn trọng, việc siết tín dụng sẽ gây ra những hệ lụy rất khó kiểm soát. Ảnh hưởng đầu tiên sẽ là người thực sự có nhu cầu sở hữu BĐS.

Ông Châu cho biết thời gian vừa qua, các ngân hàng thương mại đã cho dừng cho vay tín dụng BĐS. Dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, bởi đây là “ bà đỡ ” cho các doanh nghiệp BĐS trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án BĐS để đến giai đoạn triển khai thu hút vốn của khách hàng.

Bởi lẽ dù để ở hay đầu tư, đây vẫn là nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt trong điều kiện tỷ lệ sở hữu nhà của người dân Việt Nam còn rất thấp, nhu cầu về nhà ở hiện tại và tương lai rất lớn.

Vốn tín dụng hiện là nguồn vốn mồi quan trọng và chủ yếu của các doanh nghiệp BĐS trong bối cảnh thị trường vốn của Việt Nam đang rất hạn chế, thiếu sự đa dạng. Việc siết tín dụng BĐS sẽ ảnh hưởng lập tức đến các dự án đang triển khai, từ đó càng khiến nguồn cung trên thị trường trở nên khan hiếm.

Ông Châu chia sẻ: “Chúng ta có lộ trình hạn chế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản là cần thiết nhưng mà nên cần giảm tiến độ này cho đến cuối năm 2023 đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chúng ta rà soát lại sửa đổi các quy định phát luật để việc phát hành trái phiếu một cách chặt chẽ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các nhà đầu tư và để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng cái lỏng lẻo trong phát hành trái phiếu để trục lợi thậm chí để lừa đảo thì điều này chúng ta không đi từ cực đoan này đến cực đoan khác mà chúng ta cần phải có chính sách một cách tỉnh táo để chúng ta tiếp tục cung ứng nguồn vốn tín dụng ở mức độ cần thiết cho thị trường bất động sản, cho những nhà đầu tư có năng lực.

Nguyễn Lâm