Bộ Xây dựng khẳng định, quá trình tổ chức đấu giá đất ở tại một số nơi, có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng "giá ảo" để thao túng thị trường; mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi và thậm chí mang tính tổ chức.
Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng xử lý nghiêm hành vi “thổi” giá khi đấu giá đất
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường đến thị trường bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng "giá ảo" để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác thu lợi bất chính diễn ra phổ biến ở nhiều nơi và thậm chí mang tính tổ chức. Kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với mức khởi điểm cũng tác động đến thị trường bất động sản khu vực.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đề cập đến kết quả trúng đấu giá của 4 lô đất Thủ Thiêm đã khiến giá giao bán tại các dự án khu đô thị, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đồng loạt tăng. Sau khi có thông tin chủ đầu tư xin chấm dứt thực hiện hợp đồng trúng đấu giá, thị trường bất động sản khu vực đã giảm và cơ bản ổn định trở lại.
Thời điểm hiện tại, dư luận đang xôn xao trước thông tin Công ty TNHH đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh) đã có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng về việc xin bỏ cọc lô đất 3-9 trị giá đấu giá là 5.026 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm gấp 6,9 lần. Trước đó thì Tân Hoàng Minh cũng xin "bỏ cọc" lô đất trúng đấu giá ở Thủ Thiêm.
Ngày 8/2, Cục Thuế TP.HCM cũng khẳng định vẫn chưa có doanh nghiệp nào trong số 3 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đóng tiền đợt 1 dù đã hết hạn. Thời hạn đợt 1 (30 ngày) bắt đầu được tính từ 7/1. Ngoài Công ty Bình Minh, còn có Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 và Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8.
Cũng theo Bộ Xây dựng, quá trình đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương còn ghi nhận hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh-quân đỏ” lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất an ninh, trật tự, thất thoát nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá.
Có tình trạng để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng “xã hội đen” đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ; thông đồng giữa Tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”, (ví dụ: đấu giá quyền sử dụng đất tại tỉnh Thái Bình năm 2020, tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội năm 2021).
Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng giao các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.
Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.
Nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng quy định thống nhất về hình thức, trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (thực tế việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương thực hiện theo nhiều hình thức, trình trự khác nhau); Quy định thống nhất về việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất (thống nhất giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về đấu giá);
Quy định về số tiền đặt trước khi tham gia đấu giá và số tiền đảm bảo thực hiện hợp đồng khi trúng đấu giá; Thời hạn người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất nhằm đầu cơ, "thổi giá".
Bên cạnh đó, nghiên cứu sửa đổi pháp luật về đất đai, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc xác định giá đất khi thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với thực tiễn, đảm bảo nguồn thu và tránh thất thoát ngân sách của Nhà nước.
Trước đó, cuối tháng 12/2021, Bộ Xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả trúng đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản.
Bộ Xây dựng đã phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) trao đổi, đánh giá sơ bộ về các quy định pháp luật liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất cũng như nhận định một số ảnh hưởng, tác động và nghiên cứu hướng đề xuất giải quyết đối với trường hợp có kết quả trúng đấu giá bất thường.