
Ảnh minh họa - TL
1. Net Zero và vai trò của Net Zero trong giảm thiểu biến đổi khí hậu Trái Đất:
Vấn đề biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, chính trị, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại,...
Net Zero hay còn gọi là phát thải ròng bằng 0, là mục tiêu mà cộng đồng nhiều quốc gia và tổ chức trên toàn thế giới đang hướng tới nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu. Net Zero được coi là trạng thái lý tưởng khi lượng GHG thải vào bầu khí quyển Trái đất cân bằng với lượng GHG được môi trường loại bỏ. Theo định nghĩa của Liên Hợp quốc, Net Zero, hay phát thải ròng bằng 0, nghĩa là cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống càng gần không càng sớm càng tốt. Lượng khí thải nhà kính còn lại cũng phải được hấp thụ khỏi bầu khí quyển bởi đại dương (môi trường nước) và rừng (các thảm thục vật).
Kết quả nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ rằng để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu và bảo tồn một hành tinh đáng sống, nhiệt độ toàn cầu cần phải được giới hạn ở mức tăng thêm không vượt quá 1,5°C so với mức trước thời kỳ công nghiệp (cuối những năm 1800). Hiện tại, nhiệt độ Trái Đất đã tăng thêm khoảng 1,1°C so với nhiệt độ những năm cuối của thế kỷ 18, trong khi lượng GHG vẫn tiếp tục tăng. Để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5°C – như đã nêu trong Thỏa thuận chung Paris – lượng khí thải GHG toàn cầu cần phải giảm 45% vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được điều này đòi hỏi các quốc gia phải cùng chung tay để hạn chế sự tích tụ của GHG trong khí quyển, giúp ngăn chặn tình trạng nóng lên của hành tinh và giảm thiểu thiên tai, thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra.
Như vậy, mục tiêu của Net Zero nhằm đảm bảo rằng lượng khí nhà kính phát thải từ các hoạt động của con người không vượt quá lượng hành tinh có thể hấp thụ hoặc loại bỏ được để giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu - hệ quả của sự gia tăng GHG do hoạt động của loài người.
Quá trình chuyển đổi sang Net Zero đòi hỏi sự thay đổi toàn diện các hệ thống kinh tế và xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Điều này yêu cầu phải đầu tư vào phát triển các công nghệ xanh và năng lượng tái tạo, giảm phát thải nói chung trong đó có giảm phát thải GHG vào bầu khí quyển Trái Đất. Đi đôi với nó là tạo ra việc làm mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
2. Việt Nam và cam kết mục tiêu Net Zero
Với nhận thức ngành năng lượng chiếm khoảng ba phần tư lượng phát thải khí nhà kính ngày nay, Việt Nam đã đề ra Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia (Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Mục tiêu này thể hiện cam kết mạnh mẽ, thực chất của Chính phủ Việt Nam đối với thế giới trong việc giảm phát thải khí nhà kính với các định hướng mục tiêu cụ thể:
Đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 150 - 170 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 260 - 280 triệu TOE.
Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105 - 115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160 - 180 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 400 - 420 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 250 - 280 kgOE/1.000 USD GDP.
Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp đạt tỉ trọng 15 - 20% năm 2030 và đạt 65 - 70% năm 2045.
Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7 - 10% vào năm 2030 và khoảng 14 - 20% vào năm 2045.
Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15 - 35% vào năm 2030, lên mức 70 - 80% vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành các biện pháp tiết kiệm năng lượng, với kế hoạch tiết kiệm 9% năng lượng vào năm 2030 và 20% vào năm 2045. Hệ thống điện thông minh, an toàn và hiệu quả cũng là một phần quan trọng của chiến lược, nhằm đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng điện đáng tin cậy cho các hoạt động phát triển. Đặc biệt, việc giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động năng lượng đạt 25% vào năm 2030 và 70% vào năm 2045.
Như vậy, mục tiêu Net Zero không chỉ đơn thuần là một cam kết về bảo vệ môi trường mà còn là một chiến lược kinh doanh hiệu quả. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững. Chiến lược này giúp các doanh nghiệp dần chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động cụ thể, từ việc giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường; chuyển dần từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và bền vững nhằm góp phần duy trì mục tiêu Net Zero mà cộng đồng quốc tế trong đó có Việt Nam đã cam kết và theo đuổi.
PGS.TS Ngô Kim Định